Sau Tết Kỷ Hợi, trong tiết Xuân phơi phới, chợt nhớ đến lời hẹn với một anh bạn nhà ở Bắc Ninh, xuân này về đây “Chơi Quan họ”, tôi thong dong về làng Diềm, vùng đất Thủy tổ của Quan họ Bắc Ninh, vừa để du xuân cũng là khai bút cho một năm mới.
Đi “chơi Quan họ”
Được nghe hát Quan họ đã lâu, nhưng tìm hiểu về dân ca Quan họ thì cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu hết, dẫu biết rằng thứ tinh hoa nghệ thuật của các cụ để lại đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tròn 10 năm.
Sau chầu chúc tụng, anh bạn đưa tôi đến thăm một nghệ nhân có tiếng của làng, mặc dù trên 80 tuổi nhưng khi nghe tôi nói muốn được tìm hiểu về dân ca Quan họ, mắt cụ sáng lên và những câu Quan họ cổ được cụ cất lên làm mê đắm lòng người. Cụ là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bàn.
Theo lời cụ Bàn, Quan họ là những làn điệu dân ca được hình thành và phát triển ở vùng đất gắn liền với nền văn minh lúa nước sông Hồng, tập trung chủ yếu ở vùng văn hóa Kinh Bắc, trọng tâm là 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay.
Cụ Bàn kể: “Người Quan họ chúng tôi, mỗi khi có khách đền chơi nhà thường đem câu hát, lời ca mời khách xơi miếng trầu, uống ngụm nước: Mấy khi khách đến chơi nhà/Đốt than, quạt nước, pha trà mời người xơi/Trà này ngon lắm người ơi/Mỗi người, mỗi chén cho em vui lòng”.
Tay bưng cơi trầu têm cánh phượng, nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn lại ngân lên một khúc hát mời trầu: Gặp đây ăn một miếng trầu/Không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng/Trầu này trầu tính trầu tình/Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta/Yêu nhau đứng ở đằng xa/Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần.
Theo cụ Bàn, các cụ người Quan họ xưa không ai nói rằng đi nghe hát Quan họ, mà người Quan họ chúng tôi hay nói rằng “đi chơi Quan họ”. Bởi Quan họ có ca Quan họ, lề lối chơi Quan họ và phong tục tập quán của Quan họ. Tất cả ba yếu tố này cộng lại để hình thành một nền văn hóa Quan họ của quê hương Kinh Bắc. Nghĩa là hát chỉ là một phần trong văn hóa Quan họ, còn lối chơi Quan họ lại rất đa rạng và phong phú như: chơi thơ, chơi chữ, chơi điển tích, chơi âm nhạc... Thế nên người Quan họ mới có câu rằng: Còn giời còn nước còn non/Còn chơi Quan họ, em còn say sưa.
Quan họ rất phong phú về làn điệu, trong đó có La rằng, Đường bạn kim loan, Cây gạo, Giã bạn, Hừ la, La hới, Tình tang, Cái ả, Lên núi, Xuồng song, Cái hồ, Gió mát trăng thanh, Tứ quý,… Một cuộc hát Quan họ hay một canh hát bao giờ cũng có ba chặng. Chặng mở đầu thuộc về giọng lề lối, hát chừng mười bài giọng lề lối họ chuyển sang giọng sổng để vào chặng giữa, các bài ở chặng giữa là ở giọng vặt, chặng cuối là giọng giã bạn.
Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh, liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Trong Quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh. Hát cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, hát mừng... “Chơi Quan họ” truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức (thưởng thức “cái tình” của bạn hát).
Mỗi độ Tết đến Xuân về, người Quan họ lại gặp gỡ nhau giữa hai làng liền anh, liền chị đã kết bạn với nhau để hát một đôi canh Quan họ, một canh hát của người Quan họ có thể là một đêm, có thể là nhiều đêm.
Giữ gìn và bảo tồn
Nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn sinh ra trong gia đình có truyền thống hát Quan họ nên khi còn nhỏ, thông qua lời ru, tiếng hát của bà, của mẹ đã hun đúc tình yêu Quan họ, nuôi dưỡng tâm hồn cụ. Ngay từ nhỏ, cụ đã thường xuyên tiếp xúc với Quan họ thông qua những buổi sinh hoạt chung của các liền anh, liền chị và hoạt động truyền dạy Quan họ của nhân dân nơi đây, vì vậy, từ năm lên 9 tuổi, cụ đã thuộc, hát rành mạch hơn 100 bài Quan họ cổ.
Dù tuổi cao nhưng cụ Bàn vẫn giữ được chất giọng vang, rền, nền, nảy, cùng vốn liếng hơn 300 bài Quan họ cổ. Đến nay, cụ đã truyền dạy cho hàng trăm người yêu Quan họ nhiều thế hệ. Đội Quan họ của làng Diềm dưới sự hướng dẫn của cụ Bàn nhiều năm đoạt giải cao trong các cuộc thi hát Quan họ của tỉnh Bắc Ninh.
Với tâm nguyện còn sức còn cống hiến, cụ Bàn đang phụ trách truyền dạy 3 nhóm Quan họ trong làng, là khách mời dạy Quan họ trong trường học. Cụ Bàn cho biết: Không chỉ những người trong làng mà điều đáng mừng là, có nhiều đoàn khách, đặc biệt là thế hệ trẻ đam mê Quan họ, do không thể đến nhà cụ tập luyện thường xuyên, họ còn mang điện thoại, máy ghi âm, ghi lại những câu hát của cụ về nhà tập theo.
Tuy nhiên, điều mà cụ trăn trở nhất vẫn là giới trẻ ngày nay thường hát các giọng kim, những bài Quan họ cổ rất khó học, nên những bài này đang dần bị lãng quên. Mong muốn lớn nhất của cụ là, các cơ quan chức năng có kế hoạch bảo tồn những bài Quan họ cổ như sưu tầm tài liệu giấy, hình, mang Quan họ cổ vào trong trường học, từ đó có kế hoạch truyền dạy cho con cháu nét văn hóa tiêu biểu của người dân Kinh Bắc, những tinh hoa văn hóa dân tộc.
Cùng chung với nỗi trăn trở của cụ Bàn, nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm sinh năm 1959 tại làng Diềm, bà là thế hệ thứ 2 trong gia đình yêu Quan họ trong vùng. Hiện nay, đời cháu nội bà là thế hệ thứ 4 tiếp tục duy trì và dành tình cảm đặc biệt cho dân ca Quan họ. Trải lòng về mối lương duyên Quan họ, bà Thềm cho biết: “May mắn được sinh ra tại cái nôi Quan họ làng Diềm, tuổi thơ của tôi gắn liền với những câu hát, lời ru của ông bà, cha mẹ trong những buổi chơi Quan họ, theo bà, theo mẹ ra đồng cũng ca Quan họ. Cứ thế chất Quan họ ngày càng ngấm dần, ăn sâu vào tiềm thức và trở thành niềm đam mê ca hát tự lúc nào, để đến sau này, tình yêu, niềm đam mê đó cứ lớn dần, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”.
“Quan họ như mạch máu chảy trong người, như hơi thở mỗi ngày, nên tôi sẽ hát, sẽ truyền dạy đến khi nào cạn sức mới thôi”, đó là tâm sự của nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm.
Thế giới đã phải công nhận những giá trị văn hóa phi vật thể của chúng ta để bảo tồn cho nhân loại, trách nhiệm của chúng ta là phải gìn giữ những vốn cổ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đó để những giá trị văn hóa này được lưu giữ cho muôn đời sau.
Một mùa xuân lại về, sau một đêm tìm hiểu và nghe hát Quan họ, tôi mới phần nào hiểu được người Quan họ, những canh hát Quan họ và những làn điệu Quan họ thướt tha làm say đắm lòng người.
Tạm biệt Kinh Bắc, văng vẳng bên tai tôi câu hát giã bạn: Người về em vẫn trông theo/Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi/Người về em vẫn khóc thầm/Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa/Người về em dặn mấy nhời/Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua/Người về em dặn mấy nhời/Đâu hơn người kết, đâu bằng người đợi em.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.