Sáng nay (30/12), Chính phủ tổ chức Hội nghị Triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2020.
Hội nghị được tổ chức thường niên hàng năm, sẽ đánh giá, tổng kết lại 1 năm đã qua và quan trọng hơn, đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển mà Quốc hội giao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Những năm gần đây, Hội nghị vinh dự đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến dự, phát biểu chỉ đạo, định hướng phấn đấu cho cả bộ máy và tại Hội nghị năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tinh thần chung của năm 2019 là phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2018.
Với chủ đề "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, năm 2019 là năm đầy thử thách đối với Chính phủ để đạt kết quả cao hơn năm 2018, vốn đã đạt mức tăng trưởng khá cao, trên 7% và đặc biệt, tình hình thế giới rất phức tạp, xung đột thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Năm "bứt phá”
Năm 2019, có thể coi là năm “bứt phá”. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 ước đạt 7,02% so với cùng kỳ năm 2018 (Quý I tăng 6,82%, Quý II tăng 6,73%, Quý III tăng 7,48% và Quý IV ước tăng 6,97%); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,01%, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 8,9% và khu vực dịch vụ ước tăng 7,3%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng đầu năm cơ bản biến động tương đối sát với định hướng điều hành của Chính phủ. Riêng tháng 12/2019, CPI tăng 1,4% so với tháng trước; nguyên nhân chính xuất phát từ giá thịt lợn và thực phẩm chế biến từ thịt lợn tăng cao do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. CPI bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,79%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Quy mô xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu trên 9,9 tỷ USD, đây là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu.
Vốn FDI thực hiện đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt mức kỷ lục, trên 138.000 doanh nghiệp. Khách du lịch quốc tế đạt trên 18 triệu lượt khách.
Chưa kiểm soát tốt dịch bệnh
Ngành trồng trọt, gặp nhiều khó khăn do hạn hán, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Diện tích lúa năm 2019 ước tính đạt 7,47 triệu ha, giảm 102,2 nghìn ha so với năm trước do chuyển đổi cơ cấu sản xuất và mục đích sử dụng đất; năng suất lúa ước tính đạt 58,2 tạ/ha, tương đương với năng suất của năm 2018; sản lượng lúa ước tính đạt 43,45 triệu tấn, giảm 596,8 nghìn tấn.
Ngành chăn nuôi, chăn nuôi trâu, bò trên cả nước nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Chăn nuôi lợn trong năm 2019 chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi. Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 19/12/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.527 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn tiêu hủy gần 6 triệu con, tương đương với tổng trọng lượng 340,8 nghìn tấn, trong đó có 6.082 xã qua 30 ngày không phát hiện ổ dịch mới.
Tổng đàn lợn của cả nước tháng 12/2019 giảm 25,5% so với cùng thời điểm năm 2018; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước tính đạt 3.289,7 nghìn tấn, giảm 13,8% so với năm 2018. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Tổng đàn gia cầm của cả nước trong tháng tăng 14,2% so với cùng thời điểm năm 2018.
Tính đến ngày 19/12/2019, cả nước không còn dịch lợn tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Tuyên Quang, Vĩnh Long và dịch lở mồm long móng còn ở 12 tỉnh chưa qua 21 ngày.
Ngành thủy sản, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 8,2 triệu tấn, tăng 5,6%; trong đó khai thác đạt 3,8 triệu tấn, tăng 4,5%; nuôi trồng đạt 4,4 triệu tấn, tăng 6,5%, chủ yếu do thời tiết khá thuận lợi cho nuôi tôm nước lợ và cá tra.
Xuất siêu đạt khoảng 9,9 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 ước tính đạt 516,96 tỷ USD. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2019 ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,10 tỷ USD, tăng 17,7%, chiếm 31,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,35 tỷ USD, tăng 4,2%, chiếm 68,8% (tỷ trọng giảm 2,5 điểm phần trăm so với năm trước).
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2019 ước tính đạt 253,51 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 108,01 tỷ USD, tăng 13,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 145,50 tỷ USD, tăng 2,5%.
Tập trung 9 nhóm vấn đề lớn
Phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra những thành quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc, thường là có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển.
Thủ tướng đề nghị thảo luận kỹ, cho ý kiến về phương châm hành động của năm 2020, qua đó xác định những trọng tâm cho chỉ đạo điều hành như tại nội dung Dự thảo các Nghị quyết cho năm 2020 sẽ được trình bày, trong đó tập trung vào 9 nhóm vấn đề lớn mang tính gợi mở.
Thứ nhất, làm sao để tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả kinh tế-xã hội đã đạt được trong năm 2019. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho năm 2020.
Thứ hai, tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật. Nhất là những chỉ số còn thấp như: Giải quyết phá sản (122/190 quốc gia); khởi sự kinh doanh (115/190 quốc gia); nộp thuế (109/190); thương mại qua biên giới (104/190); bảo vệ nhà đầu tư (97/190).
Thứ ba, khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược (về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực), thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp các ngành trong năm 2020; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, kiểm soát, chấm dứt được tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt” v.v…
Thứ tư, chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, thúc đẩy nền kinh tế số. Hỗ trợ một số địa phương tìm kiếm động lực tăng trưởng mới như kinh tế ban đêm, phát triển đô thị theo quy hoạch,…
Thứ năm, quy mô kinh tế số của Việt Nam đã tăng 4 lần trong 5 năm qua và dự báo sẽ đạt 20% GDP trong 5 năm tới. Làm thế nào để tạo nền tảng cho kinh tế số phát triển tăng tốc trong năm 2020 và những năm tới?
Thứ sáu, cần có đột phá gì về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành ở Trung ương?
Thứ bảy, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo sự hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn cho người dân tốt hơn. Từ thực tiễn địa phương cơ sở cho thấy cần bổ sung giải pháp nào? Nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả nào? Làm thế nào thực hiện thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”? Các chỉ tiêu, kịch bản đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đã phù hợp chưa?
Thứ tám, tăng cường đầu tư cho tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước tương xứng với thách thức của thời kỳ mới như thế nào?
Thứ chín, đề xuất các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ công chức.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.