Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 12 năm 2020 | 12:46

Năm 2020 - năm thành công nhất trong 5 năm qua

Sáng nay (28/10), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương.

001.jpg

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, dù còn những hạn chế, có chỉ tiêu chưa làm được, nhưng như trong báo cáo của Chính phủ, năm 2020 thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng lần thứ 4 liên tiếp tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Hội nghị lần này tổng kết năm 2020 và bàn kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Hội nghị diễn ra vào cuối năm 2020, năm cận kề Đại hội XIII của Đảng, năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm và chiến lược phát triển 10 năm. Các đồng chí đã chuẩn bị công phu, chu đáo, nghiêm túc, Chính phủ báo cáo toàn diện, đầy đủ, rõ ràng, phát biểu của các địa phương cụ thể, phong phú, sinh động.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu thêm một số vấn đề có tính chất gợi mở, tổng quát để các đồng chí suy nghĩ, trao đổi thêm.

Năm 2020 có nhiều khó khăn, thách thức, bất ngờ lớn, tác động nhiều mặt tới nước ta và toàn thế giới. Kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm 4%. Trong nước, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng trong bối cảnh đặc biệt đó, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và nhiều dấu ấn nổi bật.

Cụ thể, ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. “Trong những thời khắc đầy khó khăn thách thức, tính ưu việt của chế độ, các truyền thống tốt đẹp, ý chí của dân tộc ta được phát huy và đưa lên tầm cao mới. Các giải pháp đưa ra phù hợp tình hình và thực lực đất nước, chấp nhận hi sinh một số lợi ích trước mắt để bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân, chống dịch như chống giặc…

Việt Nam tuy còn khó khăn về kinh tế nhưng là một hình mẫu về phòng chống dịch bệnh, với chi phí thấp nhất, có trách nhiệm cao với cộng đồng quốc tế. Đại sứ EU đã nói, ở lại Việt Nam thời đại dịch là một may mắn xa xỉ.

Cùng với đó, nỗ lực phục hồi duy trì tăng trưởng cao nhất có thể, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, với nhiều chủ trương chính sách ban hành kịp thời và thực hiện tốt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc tới hàng loạt kết quả nổi bật như tăng trưởng GDP, xuất khẩu, nợ công, giải ngân vốn đầu tư công… Cùng với đó là những kết quả toàn diện về bảo đảm an sinh xã hội, đối ngoại, quốc phòng – an ninh. Trong bối cảnh gồng mình chống thiên tai dịch bệnh, chúng ta vẫn tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và đang chuẩn bị tổ chức Đại hội XIII theo đúng kế hoạch đề ra, chặt chẽ, kỹ lưỡng, bài bản, đúng quy định, nhiều đổi mới.

“Dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm ngoái, tôi có chúc rằng các đồng chí phấn đấu làm sao để năm 2020 phải hơn 2019. Đến nay, dù còn những hạn chế, có chỉ tiêu chưa làm được, nhưng như trong báo cáo của Chính phủ, năm 2020 đã thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh. 

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tiến hành Đại hội lần thứ XIII của Đảng, năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Vì vậy, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt, ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, với tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XIII, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn công cuộc đổi mới; xác định rõ tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới là đẩy mạnh đổi mới, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ. Trong đó phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; thu hút, trọng dụng nhân tài; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy cao độ nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt kế hoạch hằng năm, cũng như Kế hoạch 5 năm 2021-2025 gắn với Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế-xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong quá trình này, cần tập trung ưu tiên nguồn lực để hoàn thành thắng lợi 6 nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; có các chính sách, biện pháp phù hợp để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy cao độ giá trị văn hóa, sức mạnh con người, thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người Việt Nam, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân; chú trọng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ, cải thiện môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thường xuyên quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm," những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến về chất trong việc tổ chức thực hiện ba đột phá chiến lược, được bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Cụ thể là tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục-đào tạo; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế số, xã hội số.

Phân tích những khó khăn, thách thức ở phía trước đang còn nhiều, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đã có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số đồng chí bị xử lý hình sự. Đáng lưu ý là, trong số đó có đến 53 đồng chí công tác ở các cơ quan chính quyền, 31 cán bộ lực lượng vũ trang nhưng các vi phạm phần lớn là thuộc các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Việc phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình thật khổ tâm, đau xót, nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người.

Nhiệm vụ thời gian tới hết sức nặng nề, phức tạp, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức, có quyền, đang nắm trong tay quyền và tiền, sống và làm việc trong môi trường có rất nhiều cám dỗ, rất dễ xảy ra tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực, phải luôn đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn từng đồng chí hãy luôn luôn tâm niệm, khắc sâu mình là cán bộ rường cột của nước nhà, là công bộc của dân, hãy làm việc hết sức mình, trước hết, trên hết là vì dân, vì đất nước; luôn trau dồi, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, luôn tự soi, tự sửa lại mình để không xảy ra những điều không ai muốn. Nếu để xảy ra, không chỉ Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị và nhân dân mất cán bộ mà chính các đồng chí mất uy tín, danh dự, làm ảnh hưởng và mang đến nỗi đau không chỉ cho chính mình mà cả gia đình, người thân, đồng chí, đồng đội mình.

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top