Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 19 tháng 2 năm 2017 | 9:22

Năm 2025, Nghệ An phải trở thành tỉnh khá giả ở Bắc Trung Bộ

Chiều 19/2, tại TP. Vinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nghệ An. Đây là cuộc làm việc thứ 2 của Thủ tướng tại Nghệ An trong vòng 6 tháng qua. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, những tháng đầu năm 2017 và việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc làm việc ngày 15/8/2016.

Tỉnh đã thay đổi cách thức giao tiếp, phục vụ nhân dân với tinh thần chuyển từ cơ chế xin phép, đăng ký sang cơ chế phục vụ và dịch vụ. Triển khai và hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, trả kết quả cho doanh nghiệp qua đường bưu điện... Tính đến đầu tháng 2/2017, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của Nghệ An đã tăng vượt bậc, đạt trên 60%, cao hơn so với bình quân cả nước (30%).

Tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Hằng tháng, tổ chức giao ban giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện các hội doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) chi nhánh Nghệ An, Đảng ủy khối doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tỉnh Nghệ An đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Nghệ An trực thuộc UBND tỉnh. Trung tâm đã đi vào hoạt động từ tháng 1/2017.

Cho rằng Nghệ An đã thấy lối ra rõ ràng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực hiện. Cần khắc phục tình trạng Chính phủ, bộ, ngành chuyển động mà tỉnh không chuyển động hay tỉnh chuyển động nhưng sở, ngành không chuyển động.

Thủ tướng đã trao bằng công nhận TP. Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2016.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, về thực hiện nhiệm vụ năm 2016 cũng những kết luận của Thủ tướng, tỉnh đã hoàn thành khá toàn diện. Tỉnh đã chỉ đạo chuyển dịch mãnh mẽ cơ cấu kinh tế, có 152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu ngân sách tăng. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư có nhiều tiến bộ, đã có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, số doanh nghiệp ở địa phương còn ít. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Thu ngân sách chưa đủ chi.

Về nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng yêu cầu, tỉnh cần tiếp tục bám sát, triển khai toàn diện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Nghị quyết 01 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế- xã hội năm 2017. Chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, đưa doanh nghiệp về nông thôn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thủ tướng nêu rõ, tầm nhìn 2025 của Nghệ An là phải trở thành tỉnh khá giả ở Bắc Trung Bộ, cùng với Hà Tĩnh và Thanh Hóa tạo nên một cực tăng trưởng mới, phát triển công nghiệp trong một số lĩnh vực là thế mạnh của địa phương, bảo đảm môi trường, nâng cao hơn nữa mức sống của người dân, cao hơn mức bình quân của cả nước, là vùng đất khởi nghiệp và thu hút nhân tài, cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đến cuối nhiệm kỳ này, tỉnh phải phấn đấu cân đối được ngân sách.

Phải tìm ra và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh và bền vững, tạo công ăn việc làm. Chuyển dịch mạnh mẽ hơn cơ cấu lao động theo hướng bền vững. Phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của Nghệ An theo hướng vào tốp khá của cả nước về PCI, cụ thể là tốp 20. Phải tập trung chỉ đạo một số việc “ra tấm ra món” như phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, đi vào một số lĩnh vực thế giới đang phát triển như tiết kiệm năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu…

Tiếp tục đầu tư nghiên cứu để hiện thực hóa “3 quốc tế” là sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế và đường bộ quốc tế khi mà hiện nay “định hướng đã có, hình hài đã có”.

Muốn vậy, phải chú ý công tác quy hoạch gắn với phát triển xã hội, đô thị hóa. Là mảnh đất có nhiều người tài, Thủ tướng đề nghị tỉnh nghiên cứu hình thành tổ chức nghiên cứu chuyển giao khoa học đạt tầm quốc gia để có chính sách khuyến khích tham gia mạnh mẽ của đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh, nhất là người con xứ Nghệ để phát triển tỉnh Nghệ An.

Tiếp tục xây dựng TP.Vinh hiện đại, có tầm cỡ trong nước như TP. Đà Nẵng. Do đó, tỉnh phải xây dựng, quản lý quy hoạch, phát triển dịch vụ.

Thủ tướng ủng hộ kiến nghị của Nghệ An về việc thí điểm xây dựng xã Kim Liên là xã nông thôn mới kiểu mẫu của Trung ương. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hướng dẫn các địa phương có điều kiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có giải quyết kiến nghị của Nghệ An. Đây là nội dung quan trọng hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020).

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã trao bằng công nhận TP. Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2016.

PV.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top