Thời gian gần đây, thực trạng nhiều tấm lưới chống chói gắn trên dải phân cách Quốc lộ (QL) 1, đoạn qua các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước… vừa lắp đặt đã bị người dân tự ý tháo dỡ diễn ra khá phổ biến. Vấn nạn này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) nhưng việc xử lý, ngăn chặn rất khó khăn.
Lưới chống chói bị tháo gỡ nhiều nơi
Gần đây, nhiều tấm lưới chống chói trên QL1 đoạn qua thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) bị người dân tháo gỡ, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Địa bàn bị người dân tháo gỡ nhiều nhất phải kể đến đoạn từ ngã ba cầu Ông Đô, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đến ngã ba cầu Bà Di, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước). Trên đoạn đường này hiện có gần 20 điểm bị tháo gỡ lưới chống chói để tùy tiện băng qua đường, họ thậm chí còn kê những chồng gạch tại đây để tiện bề… vượt dải phân cách.
Tương tự, rải rác tại dải phân cách QL1 qua các xã Hoài Tân, Hoài Đức, Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn); phường Nhơn Hòa, phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn) đều bị tháo dỡ từ 20 - 30 tấm lưới chống chói. Đếm sơ bộ, QL1 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định có hơn 70 điểm bị người dân tự ý tháo dỡ tấm chống chói. Có đoạn bị tháo chỉ cách nhau khoảng 100m.
Là tài xế xe tải thường xuyên đi trên QL1 đoạn qua Bình Định, anh Phan Văn Trọng (trú tại quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Đường đã đẹp, có dải phân cách cứng ở giữa là để tránh các xe ô tô đâm trực diện. Trên dải phân cách được lắp thêm lưới chống lóa nhằm giúp tài xế quan sát rõ phần đường mình đang đi, tránh được những tai nạn đáng tiếc. Tuy nhiên, hiện nhiều chỗ bị tháo lưới chống chói, người dân trèo băng qua đường rất nguy hiểm. Nhiều lúc, đang chạy xe trên đường, bất ngờ thấy có người lao ra từ dải phân cách, chúng tôi rất bị động. Không phanh kịp là có thể đâm vào họ, hoặc phải đánh lái đột ngột sang làn đường khác nên nguy cơ TNGT là rất cao.
Thiếu tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh Bình Định), nhận định: “Việc người dân tự ý dỡ lưới chống chói để băng ngang QL1 không những phá vỡ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, mà còn gây nguy hiểm cho các loại phương tiện khi lưu thông trên đường”.
Lẽ nào bó tay?
Theo ông Dương Hồ Minh, Phó tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện đơn vị chủ đầu tư dự án QL1), qua kiểm tra, các tấm chống chói không bị lấy đi, mà chủ yếu là người dân tháo ra rồi buộc ở bên cạnh.
“Hiện nay, chúng tôi đã đề nghị các nhà thầu thi công thường xuyên kiểm tra trên dọc tuyến, nếu phát hiện bị tháo phải lắp đặt lại tấm chống chói. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vừa khắc phục xong, vài ngày sau, người dân lại tháo ra”, ông Minh cho biết.
Do đó, ông Minh đề xuất, để ngăn chặn việc tự ý tháo gỡ tấm chống chói, nhà thầu và chính quyền địa phương cần tích cực tuyên tuyền, vận động để người dân hiểu tác dụng đảm bảo ATGT của tấm chống chói.
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Bình Định cũng đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ban ATGT các huyện, thị xã với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các hội, đoàn thể ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không cản trở việc thi công lắp đặt dải phân cách, không tự ý tháo dỡ lưới chống chói, không đi ngược chiều vào đường một chiều, chấp hành nghiêm túc các quy định về ATGT.
Theo ông Bùi Quang Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Cát, lãnh đạo địa phương đã yêu cầu các xã, thị trấn có tuyến QL1 đi qua cần tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng lắp đặt lại tấm chống chói. “Phần lớn tấm chống chói bị người dân gỡ ra buộc bên đường để dễ đi lại. Việc này tiềm ẩn nguy cơ TNGT nên chúng tôi đã yêu cầu ngành chức năng địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ việc tự ý tháo gỡ tấm chống chói”, ông Phương nói.
Trong khi đó, ông Lê Văn Bé, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Kiến Hoàng (đơn vị phụ trách thi công 2 dự án BOT Bắc và Nam Bình Định), kiến nghị: “Nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi ngăn chặn vì không đủ nhân lực bảo vệ kết cấu hạ tầng trên toàn tuyến. Chúng tôi rất hoang mang, lắp xong lại lo người dân tiếp tục tháo. Công an, chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn và quy trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương nếu tiếp tục xảy ra tình trạng tháo gỡ, mất cắp tấm lưới chống lóa mới mong dẹp triệt để được vấn nạn này”, ông Bé bày tỏ.
Có thể thấy, để ngăn chặn và xử lý dứt điểm thực trạng này, các ngành chức năng (chính quyền địa phương, công an, chủ đầu tư, nhà thầu đảm nhận thi công trên từng gói thầu) cần có sự vào cuộc đồng bộ, chặt chẽ hơn; đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm tháo gỡ tấm lưới chống chói chỉ vì cái lợi trước mắt và lợi ích riêng mà gây nguy hiểm đến tính mạng người khác.
Phú Mỹ
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.