Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 30 tháng 6 năm 2022 | 9:55

“Nâng cao vai trò, trách nhiệm của DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới”

Đây là chủ đề của Hội thảo được Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (30/6) tại Hà Nội, nhiều ý kiến đóng góp đều xoay quanh vấn đề "an toàn thực phẩm vì quyền lợi của người tiêu dùng".

An toàn thực phẩm vì quyền lợi của người tiêu dùng
 
Nhiều năm qua, vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra hầu hết trên các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt vào những tháng cuối và đầu năm khi nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao. Chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà một số đối tượng, cơ sở sản xuất đã bất chấp sự an toàn tính mạng của người tiêu dùng, vận chuyển các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đi tiêu thụ, sản xuất chế biến các mặt hàng thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
 
Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát mở những tháng cao điểm để kiểm tra và xử lý các đơn vị, cơ sở kinh doanh vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc đi tiêu thụ, tuy nhiên, việc xử lý này "không thấm vào đâu".
 
14cde64e9e0399b87fc75076a19909c0.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, bước đầu đạt được những thành tích quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập.

Bên cạnh đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang theo hướng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm còn chưa được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. “Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát An toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”- Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công Thương là một trong 3 đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn

Thứ trưởng nhấn mạnh, ngày hôm nay, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới”. Đây là diễn đàn để các cơ quan quản lý, các hiệp hội, các trường - viện, các tổ chức kinh tế, thương mại, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm, các cơ quan thông tấn báo chí cùng chung tay chia sẻ và tăng cường công tác truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc thực thi các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; giúp người tiêu dùng nhận biết, truy xuất thông tin về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm; giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm an toàn; Vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ về các quy định, biện pháp TBT, SPS

Chia sẻ một số vấn đề mới trong yêu cầu đáp ứng quy định kỹ thuật của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) thông tin.

 

dac75171c86ad3536f852899d8dbdf79.jpg
Ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương phát biểu

 

Khi mà các Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày càng nhiều, các “hàng rào thuế quan” gần như được dỡ bỏ theo nguyên tắc chung là tạo thuận lợi tối đa cho thương mại. Do đó, các vấn đề về thuế, hải quan, hạn ngạch, các thủ tục hành chính, điều kiện gia nhập thị trường… không còn thực sự là trở ngại lớn đối với bất kỳ nhà đầu tư, nhà sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, thay vào đó, vì nhiều mục tiêu khác nhau như bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật, các vấn đề môi trường, lợi ích quốc gia bao gồm an ninh, quốc phòng và kể cả lợi ích kinh tế, các nước sẽ tăng cường việc xây dựng các “hàng rào kỹ thuật về TBT” (“biện pháp TBT”) và “các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật” (“biện pháp SPS”).

Đây chính là một trong những loại hàng rào phi thuế quan và được quy định chặt chẽ về quy trình xây dựng, áp dụng, cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến xây dựng, ban hành và áp dụng các biện pháp kỹ thuật này bởi Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Hiện nay, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng thực phẩm chịu nhiều ảnh hưởng đột ngột một cách trực tiếp và gián tiếp từ tình hình dịch bệnh, các biến động về chính trị, giá nhiên liệu tăng cao... các biện pháp đảm bảo đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm một cách đồng bộ và linh hoạt đang ngày càng trở nên quan trọng - ông Nguyễn Việt Tấn nêu.

Đây là những thách thức đối với cơ quan quản lý của Việt Nam trong quá trình xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý và triển khai hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để phía Việt Nam góp ý, tham gia vào quá trình đàm phán, vận dụng hiệu quả vai trò thành viên trong các hiệp định thương mại tự do nhằm giảm thiểu các rào cản đối với hoạt động giao thương.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc đối thoại với Ủy ban châu Âu cũng như Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm triển khai các quy định, hài hòa hóa phương thức quản lý của hai bên và đơn giản hóa các thủ tục” - ông Nguyễn Việt Tấn cho hay.

Ông Nguyễn Việt Tấn cho rằng, việc tham gia vào thương mại quốc tế là điều tất yếu mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Do sự phức tạp của hệ thống các biện pháp, quy định của các nước, khu vực nên đôi khi việc không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu cũng có thể xảy ra, kể cả ở những tập đoàn đa quốc gia có uy tín.

Tuy nhiên, để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.

“Điều đó sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu” - ông Nguyễn Việt Tấn nhấn mạnh.

Đảm bảo cung ứng hàng hoá, thực phẩm an toàn

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bình ổn thị trường giá cả và bảo đảm lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ sản xuất, xuất nhập khẩu là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Vụ Thị trường trong nước thực hiện và thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan triển khai.

 

e04c9d5e4455b1f45104dc7050f5e758.jpg
Bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

 

Bên cạnh đó, bà Nga cho biết, Vụ Thị trường trong nước thường trực hoặc thành viên của Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; các Tổ Công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam, miền Bắc và miền Trung trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; Đồng thời, tham mưu hoặc trực tiếp xử lý các kiến nghị, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa trong những giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm hàng hóa được cung ứng cho các địa bàn liên tục, không gián đoạn.

Vụ Thị trường trong nước đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong kinh doanh thực phẩm an toàn như tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa an toàn thực phẩm, bảo đảm chất lượng vào hệ thống phân phối với nhiều phương thức khác nhau như trực tiếp, trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp trực tiếp để thích ứng phù hợp với tình hình dịch bệnh cũng như sự phát triển của khoa học và công nghệ như các Hội nghị kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bắc Giang…

Trong năm 2022, Vụ Thị trường trong nước sẽ phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ số cho hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh hàng Việt tại thị trường trong nước nhằm tuyên truyền, quảng bá cho nông sản Việt Nam và tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng Việt Nam.

Phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng phướng án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán; Tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ các đối tượng kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Vụ như: truyền thông về an toàn thực phẩm, kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm tại một số địa phương…

Tăng cường công tác chống hàng lậu hàng của trên môi trường thương mại điện tử

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hữu Linh- Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới.

 

2ce4af70d4221628693f9cd197826248.jpg
Ông Trần Hữu Linh- Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường phát biểu tại hội thảo.

 

Tình trạng gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử hiện đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử. “Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản”- ông Trần Hữu Linh nêu rõ.

Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tổ chức theo dõi thông tin, nắm tình hình địa bàn, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, đôn đốc việc tuân thủ pháp luật về TMĐT của các thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh thương mại điện tử; chủ trì, phối hợp xử lý các vụ việc hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thương mại điện tử.

Báo cáo 6 tháng năm 2022 cho thấy, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 45 vụ việc, xử lý 42 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm gần 1,2 tỷ đồng (hành vi vi phạm chủ yếu kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại).

 

e4a2adb8ae6858425ef3590101002a44.jpg
Quang cảnh Hội thảo

 

Ông Trần Hữu Linh cũng nêu bật những khó khăn, tồn tại, cơ cấu tổ chức của lực lượng quản lý thị trường không có đơn vị chuyên trách về lĩnh vực quản lý, kiểm tra các hoạt động liên quan đếnthương mại điện tử. Nguồn nhân lực trong lực lượng Quản lý thị trường còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn khi phải tiếp cận với lĩnh vực mới như thương mại điện tử, trong khi đó, nguồn nhân lực của các Cục, Vụ thuộc Bộ cũng còn ít trong khi chức năng, nhiệm vụ được giao còn nhiều.

Việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh, trong khi thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường không thể đề xuất lấy các sao kê ngân hàng để theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng mà phải thông qua cơ quan công an. Các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm”- ông Trần Hữu Linh nêu cụ thể.

Phương hướng thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, văn bản số 168/TCQLTT-CNV ngày 10 tháng 2 năm 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường về thực hiện Kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022.

 

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top