Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 4 năm 2017 | 1:54

Nét độc đáo của ngôi chùa cổ

Làng Nôm, cái tên chân chất, mộc mạc nhưng lại nên thơ, vốn là hình ảnh đẹp trong tâm thức bao người dù được sinh ra, lớn lên tại đây hay mới một lần đặt chân đến. Làng còn có tên Đại Đồng, thuộc xã Đại Đồng (Văn Lâm - Hưng Yên), một trong số ngôi làng hiếm hoi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, cảnh quan không gian, kiến trúc đặc trưng của Đồng bằng Bắc Bộ. Nổi bật hơn cả là chùa Nôm, tên tự là “Linh thông cổ tự”, nơi bảo tồn gần như nguyên vẹn 122 pho tượng cổ làm bằng đất.

Chùa Nôm vẫn giữ được nét cổ kính, trầm mặc, hài hòa với khung cảnh làng quê.

Chùa Nôm cách Hà Nội 30km về phía Đông nằm trong quần thể di tích lịch sử gắn liền với quá trình thành lập làng Nôm. Đó là đình Tam Giang thờ vị tướng thời Hai Bà Trưng; là cây cầu đá 9 nhịp đầu rồng đã mấy trăm năm soi bóng xuống dòng sông Nguyệt Đức càng tôn thêm nét độc đáo dẫn tới ngôi chùa của làng.

Chùa Nôm được xây dựng từ bao giờ không ai còn nhớ, chỉ biết rằng hiện chùa còn bảo tồn được hai tấm bia lớn, đặt sau hậu cung, ghi lại những tư liệu vô cùng quý báu: Thời hậu Lê, đời Chính Hoà, năm Canh Thân (1680), sau khi lên ngôi, nhà vua đã cho xây dựng lại ngôi chùa này. Đến thời nhà Nguyễn, đời vua Thành Thái năm thứ 11 (1899), chùa Nôm được trùng tu. Một trăm năm sau lần trùng tu này, qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử cũng như sự tàn phá của thiên nhiên, chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 1998, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm Đại đức Thích Đồng Huệ về trụ trì tại chùa. Lúc đó, chùa rất tiêu điều, các đồ thờ tự cái mất, cái không còn nguyên vẹn, các cung thờ bị mối mọt, rui mè hỏng gãy, mái ngói xô dồn, mỗi lần mưa to gió lớn, sư thầy trụ trì lại phải đi phủ áo mưa cho các pho tượng, che đậy những chỗ bị dột nát … Trước thực trạng như vậy, với tấm lòng tận tâm và tinh thần trách nhiệm của trụ trì, Đại đức Thích Đồng Huệ đã xin phép các cấp lãnh đạo xây dựng lộ trình tu sửa. Trong việc tu sửa chùa, đại đức đều tuân thủ theo Luật Di sản và lấy ý kiến đóng góp của các bậc cao niên trong làng, các tăng ni, Phật tử và toàn thể nhân dân.

Gần 20 năm qua, Đại đức Thích Đồng Huệ là người luôn có tâm huyết bảo tồn và duy trì vốn cổ của ngôi chùa, cùng chính quyền, đoàn thể và nhân dân nhiều lần tu sửa, trùng tu lại chùa ngày càng khang trang hơn, to đẹp hơn nhưng vẫn giữ được nét độc đáo, cổ kính, phù hợp với cảnh quan và quần thể di tích của làng cổ. Đó cũng yếu tố góp phần tô điểm thêm cho một quần thể di tích lịch sử văn hóa có các điều kiện cơ bản tạo thành làng quê tiêu biểu của Việt Nam.

122 pho tượng đất uy nghiêm ở chùa Nôm.

Góp công trong việc giữ gìn, tu bổ di tích chùa Nôm, trụ trì có vai trò rất lớn. Chùa trở thành nơi dân làng đến sinh hoạt văn hoá tâm linh, cũng là nơi truyền bá Phật pháp cùng với việc tu hành của các Phật tử. Chính vì lẽ đó, đại đức lại càng thấu hiểu hơn ai hết giá trị của vẻ đẹp bản sắc văn hoá chùa chiền nên đã cho tu sửa, quy hoạch lại một số công trình nhằm đáp ứng tín ngưỡng của các Phật tử thập phương về với chùa Nôm ngày một đông, góp phần tôn vinh vẻ đẹp cổ kính và tạo thêm môi trường, cảnh quan thưởng thức văn hoá cho người dân quê hương cùng với khách thập phương.

Nét đặc sắc nhất của ngôi chùa chính là hai dãy tượng sơn đủ các màu, với các trạng thái mô tả con đường hành Phật. Các pho tượng đất đều ngồi, đứng trên một giá đỡ bằng đất, có thể là một hòn giả sơn, hoặc đơn giản chỉ là cái bệ. Đủ các thế tượng đứng, ngồi, gầy, béo, hiền lành, dữ tợn, dân dã, thần tiên, tướng dữ…

Riêng mỗi hành lang cũng có đến ngót 20 pho tượng lớn nhỏ, với những chủ đề khác nhau. Tượng đất nằm ở khắp nơi trong ngôi chùa cổ này. Các pho tượng mang khuôn mặt và hình dạng có sức biểu cảm cao, giống với các trạng thái cảm xúc của con người. Các vị thần cũng được mô tả như con người bình thường, nhưng rất thoát tục.

Theo sư Thích Đồng Huệ, từ trang phục đến trạng thái của các pho tượng cổ đều mang nét dân dã, thuần Việt. Điều này chứng tỏ trong con mắt của cha ông ta, Phật giáo rất gần gũi với đời sống con người.

Tượng đất trong ngôi chùa cổ này có nhiều kích cỡ khác nhau. Có nhiều pho tượng nhỏ xíu, chỉ bằng nắm tay, trông như búp bê của trẻ con, song có những cặp tượng khổng lồ. Tổng cộng có 122 pho tượng bằng đất trong chùa Nôm.

Một trong những thành công của hoạt động xây dựng nếp sống văn minh nơi thờ tự là nâng cao ý thức của nhân dân trong việc bảo vệ, tôn tạo di tích. Phát huy sức mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ di tích, chùa Nôm đã dần được trùng tu trở thành ngôi chùa có vẻ đẹp hấp dẫn mang đặc trưng của vùng châu thổ sông Hồng. Giữa cảnh sắc đất trời hoà quyện, cảnh quan hài hoà và nét văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc ngôi chùa cổ, các nhà khánh đường, yên vị tượng Phật Bà Quan Âm trước cổng chính điện, nhà tổ đường, lầu Quan Âm… càng làm cho cảnh chùa trông sôi động nhưng yên tĩnh.

Cùng với những cống hiến nói trên, trụ trì chùa Nôm còn là người hoạt động xã hội tích cực, làm từ thiện ở tất cả các phong trào như xây dựng Quỹ vì người nghèo, phong trào ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, quỹ cho các cháu tàn tật vươn lên học tập, ủng hộ nhân dân các vùng bị thiên tai. Lúc thì trụ trì ngược các tỉnh miền núi phía Bắc ủng hộ quần áo ấm cho các cháu học sinh, khi thì vào miền Trung ủng hộ bà con bị lũ lụt, rồi vào các tỉnh Tây Nam Bộ..., cứ ở đâu có bà con còn nghèo, khó khăn là nhà chùa tìm đến.  Bên cạnh đó, trụ trì còn đóng góp một phần kinh phí để địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như điện, đường, trường, trạm…; xây dựng các thiết chế văn hoá tín ngưỡng, tâm linh.

Đức Sơn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top