Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 7 năm 2018 | 14:29

Nếu không giải quyết bức xúc ở bộ phận nhỏ sẽ trở thành vấn đề XH lớn

Thủ tướng cho rằng, các cấp chính quyền và công đoàn nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động, “nếu bức xúc ở bộ phận nhỏ không được giải quyết thì sẽ trở thành vấn đề xã hội rất lớn”.

Làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, các cấp chính quyền và công đoàn nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động, “nếu bức xúc ở bộ phận nhỏ không được giải quyết thì sẽ trở thành vấn đề xã hội rất lớn”.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Sáng 25/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác thời gian qua và xử lý một số kiến nghị về những vấn đề nổi cộm đối với công nhân, người lao động.

Điểm lại một số kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Thủ tướng nhìn nhận, kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của người lao động trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như cán bộ công đoàn với tinh thần vượt khó, cần cù, sáng tạo, miệt mài lao động sản xuất trong nhà máy, công trường.

Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức như biến động tình hình kinh tế thế giới, nhiều nước thay đổi chính sách tiền tệ, Chính phủ đã nỗ lực kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng lãi suất, không tăng giá điện, cố gắng giữ ổn định giá một số sản phẩm giáo dục… để bảo đảm đời sống ổn định cho người dân. “Chứ mình cứ nói đời sống lên nhưng giá, lạm phát tăng thì đời sống công nhân, nông dân ra sao” - Thủ tướng bày tỏ.

Đánh giá công tác phối hợp giữa Chính phủ và Công đoàn ngày càng tăng cường, giúp mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, Thủ tướng cho rằng Tổng Liên đoàn đã tích cực tham gia xây dựng thể chế, phản biện chính sách, kịp thời phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề lớn với Đảng, Nhà nước. Tổng Liên đoàn đã đề xuất việc cân bằng quyền lợi nam và nữ trong thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội.

Bày tỏ ấn tượng về con số hơn 2,4 triệu đoàn viên Công đoàn, người lao động được tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, Thủ tướng cho rằng, “đây là hướng quan trọng, không học tập, không rèn luyện, không nâng cao kỹ năng trong tình hình mới thì khó có năng suất cao, khó giải quyết vấn đề đời sống”.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả trên, đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn, Thủ tướng bày tỏ, “có nơi lương tháng 15 – 20 triệu đồng nhưng có nơi lương chỉ 2 triệu rưỡi đến 3 triệu đồng”. Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động khiến nhiều người lao động thiếu việc làm. Tình trạng nợ lương vẫn xảy ra tại một số ngành, địa phương. Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra. Tai nạn lao động vẫn gây thiệt hại lớn về con người và tài sản (gần 9.000 vụ tai nạn lao động làm khoảng 9.000 người bị nạn, trong đó có 928 người chết). Khó khăn về nhà ở, thiếu nhà trẻ, trường học ở các khu công nghiệp đã làm cuộc sống của công nhân, người lao động thêm khó khăn.

Quy định mới về cách tính lương hưu cho người về hưu từ 1/1/2018 phát sinh tâm lý bất an với lao động nữ; lao động nữ trên 35 tuổi tại một số doanh nghiệp FDI có việc làm không ổn định. “Tôi đã nhận được nhiều kiến nghị của lao động nữ trong vấn đề này. Mình phải bảo đảm quyền lợi bình đẳng giới chứ không phải nam giới về hưu thì tốt còn nữ thì không tốt”, Thủ tướng cho biết Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có tờ trình Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ có Nghị định về vấn đề này.

Theo Thủ tướng, trước những vấn đề trên, Chính phủ, các cấp, các ngành phải lo nhưng Công đoàn cần chủ động đề xuất.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Về công tác phối hợp thời gian tới, Thủ tướng mong muốn Đại hội Công đoàn lần thứ 12 (dự kiến diễn ra vào quý III/2018) sẽ thành công tốt đẹp. Các bộ, ngành và Công đoàn cần phối hợp tích cực chuẩn bị cho đội ngũ công nhân trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, cần phối hợp làm tốt, nhanh hơn các thiết chế công đoàn, trước là nhà ở cho công nhân. Tiếp tục tích cực tham gia hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, xã hội. Thúc đẩy phát triển thị trường lao động, phòng ngừa tai nạn lao động. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt là các cấp chính quyền và công đoàn cần nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động, “nếu bức xúc ở bộ phận nhỏ không được giải quyết thì sẽ trở thành vấn đề xã hội rất lớn” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu Tổng Liên đoàn phối hợp với các bộ, ngành tập trung giải quyết, xử lý các kiến nghị của công nhân, người lao động tại cuộc đối thoại với Thủ tướng ở một số địa phương, đặc biệt là tại Hà Nam gần đây, trong đó “có việc mà chúng tôi phải nói đi nói lại là thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, phải làm ráo riết hơn”.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cơ bản nhất trí với các kiến nghị mà Tổng Liên đoàn nêu ra. Trước kiến nghị khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ làm việc, Thủ tướng giao Bộ Y tế đề xuất giải pháp bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ cho công nhân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về giá bán điện cho công nhân thuê nhà trọ, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục thực hiện theo Thông tư 16, theo đó, việc nâng giá bán điện cho công nhân thì sẽ bị phạt tiền từ 7 – 10 triệu đồng. Các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định và thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Về kiến nghị rà soát, đánh giá, có giải pháp tuyển dụng, sử dụng tối đa đối với lực lượng giáo viên hợp đồng đủ tiêu chuẩn thuộc bậc học mầm non và phổ thông, có chính sách hợp lý bảo đảm quyền lợi người lao động, Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ có báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát và đề xuất giải pháp trong quý IV/2018.

Theo báo cáo do Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Bùi Văn Cường trình bày, thực hiện quy chế phối hợp, Tổng Liên đoàn đã có 75 văn bản tham gia ý kiến với các bộ, ngành, cơ quan, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động.

Tổng Liên đoàn đã kịp thời phản ánh, kiến nghị cơ quan chức năng của Quốc hội và Chính phủ về nhiều vấn đề lớn như việc làm bền vững, nhất là đối với lao động nữ trên 35 tuổi; những vướng mắc trong quá trình đại diện khởi kiện tại Tòa án đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của tổ chức Công đoàn; mức lương hưu đối với giáo viên; các điểm chưa hợp lý trong việc quy định lương hưu của Luật Bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018…

Sau gần một năm triển khai thực hiện Quyết định số 655 của Thủ tướng phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn đã phối hợp phối hợp với 20 địa phương xác định được địa điểm đầu tư, trong đó đã triển khai nghiên cứu thị trường và đánh giá các điều kiện đầu tư dự án tại 12 địa phương.

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top