Trước hết phải khẳng định: thương mại điện tử, bán hàng qua nền tảng công nghệ là một tiến bộ, là một trong những điều kiện để hạn chế tiền mặt.
Nhưng gần đây, việc bán hàng giả, hàng lậu trên nền tảng công nghệ, hạ tầng Internet ngày càng phức tạp, nhiều đối tượng còn sử dụng hình thức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội để bán hàng giả. Lực lượng chức năng đã bắt nhiều vụ hàng giả với quy mô lớn.
Bán hàng online tiêu thụ hàng giả
Đầu tháng 7/2020, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng đột kích, kiểm tra kho hàng lậu diện tích hơn 10.000m2 tại số 145 Hoàng Diệu, phường Lào Cai, TP. Lào Cai (Lào Cai), do Trần Thành Phú đứng tên. Hơn 151.300 sản phẩm không rõ nguồn gốc và 6.688 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã bị tạm giữ.
Tại đây có nhiều nhân viên thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook để bán hàng, mỗi ngày tối thiểu chốt được 100-200 đơn hàng. Doanh thu những tháng gần đây đạt hơn 10 tỉ đồng/tháng.
Nguy hiểm hơn khi mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam phát hiện kho chứa thuốc và thực phẩm chức năng Đông y tại TP. Phủ Lý, do Mai Thùy Dịu là chủ cơ sở, Nguyễn Thị Khánh Linh điều hành, kinh doanh online.
Lực lượng chức năng tạm giữ hơn 4.000 lọ thuốc Đông y trị viêm xoang, chữa phụ khoa; hơn 2.000 hộp thuốc Đông y trị viêm họng, mất ngủ; hơn 1.500 gói Đông y thảo dược trị bệnh trĩ, xương khớp và gần 500 kg bột nguyên liệu các loại, viên nén…
Dịu và Linh khai nhận đã mua nguyên liệu được bào chế sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuê người in bao bì, nhãn mác, đóng gói các sản phẩm, tổ chức quảng cáo bán hàng qua mạng. Trung bình mỗi ngày các đối tượng bán thu về khoảng hơn 200 triệu đồng.
Mới đây, ngày 31/3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình kiểm tra đột xuất kho hàng có diện tích gần 1.000m2 của ông Trần Văn Bản, ở xã Gia Trung, huyện Gia Viễn. Kho hàng chứa một lượng lớn các sản phẩm gia dụng, dân dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồng hồ... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm.
Một trong những phương thức được cơ sở này sử dụng để kinh doanh là sử dụng nền tảng số để livestreams bán hàng trên mạng xã hội. Mỗi video livestream có khoảng 5.000 view và trung bình một ngày có khoảng 1.000 đơn hàng được gửi đi thông qua các dịch vụ vận chuyển.
Hoạt động tinh vi
Có thể nói, việc tìm ra ổ nhóm bán hàng trên nền tảng công nghệ không phải quá khó nhưng để có thông tin về đường dây thì cơ quan chức năng gặp khó vì mô hình kinh doanh trên Internet, giao dịch chớp nhoáng, nhanh và không lưu trữ gì trên mạng dấu vết mà chỉ thông qua live, giới thiệu trực tiếp, sau đó đối tượng có thể xóa clip mua bán gây khó khăn lớn với lực lượng chức năng.
Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết, phải rất vất vả để trinh sát và bắt giữ các kho hàng, bởi, đối tượng vi phạm chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán và dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa. Hàng chục tài khoản với các tên gọi khác khau được thay nhau sử dụng để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng và đơn vị vận chuyển khi bị tố cáo và chặn tài khoản vì vi phạm.
Gần đây, lực lượng chức năng bắt được nhiều kho hàng giả, hàng lậu quy mô lớn.
“Đặc biệt, đối tượng sử dụng một cửa hàng trung gian ở một địa phương để làm địa chỉ giới thiệu sản phẩm. Nhưng thực chất, cửa hàng này không hề chứa bất cứ sản phẩm nào. Toàn bộ hàng hóa được để tại kho hàng ở tỉnh, thành khác. Điều này đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát”, ông Minh chia sẻ.
Buôn bán hàng giả trên mạng bị xử lý nghiêm
Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, từ khi Nghị định 98 quy định xử phát vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, và sắp tới là sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử thì những hành vi buôn bán hàng giả trên mạng đều bị xử lý nghiêm theo quy định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, cho rằng, cần có cơ quan chuyên môn làm đầu mối điều phối cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết, mặt trận mới của quản lý thị trường là thương mại điện tử (kinh doanh trên môi trường không gian mạng). Bởi vậy, Bộ Công Thương đã có dự thảo cuối cùng trình Chính phủ về Nghị định mới hoàn toàn về quản lý thương mại điện tử. Lần thay thế này sẽ đặt ra cách thức quản lý mới.
Thứ nhất, do tốc độ phát triển thương mại điện tử rất nhanh trong những năm qua, cho nên chúng ta phải coi và đối xử với môi trường thương mại trên mạng như môi trường truyền thống. Lần sửa đổi này, tôi cho rằng có sự bình đẳng giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống.
Thứ hai, các mô hình thương mại điện tử sẽ được đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn, quy định trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử. Trước đây chúng ta chưa quy định trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, mà chủ yếu xoanh quanh người bán hàng.
Thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước thì các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội cũng phải nâng cao trách nhiệm trong sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm. Người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu kỹ sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội và sản phẩm mình cần mua trước khi quyết định xuống tiền.
Cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã rà soát tổng số 463.865 gian hàng và 1.755.559 sản phẩm; xử lý khoảng 5.200 gian hàng với trên 21.000 sản phẩm vi phạm. Cụ thể, sàn thương mại điện tử có số sản phẩm vi phạm nhiều nhất là Sendo.vn với hơn 400 gian hàng và gần 4.000 sản phẩm khẩu trang vi phạm. Sàn có nhiều sản phẩm vi phạm thứ hai là Shopee.vn với gần 3.000 gian hàng và hơn 3.500 khẩu trang y tế vi phạm.
Tuy nhiên, liên quan tới việc các đối tượng lợi dụng nền tảng số để livestreams bán hàng trên mạng xã hội thì chưa có số liệu cụ thể. Từ năm 2019 đến nay, hình thức này đang hoạt động mạnh ở nhiều địa phương.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.