Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 8 năm 2018 | 13:13

Ngành gỗ thành mũi nhọn xuất khẩu: Cơ hội - Thách thức - Giải pháp

Tại Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm chính để ngành chế biến gỗ đạt 20 tỷ USD vào năm 2025.

Vậy, làm thế nào để đạt mục tiêu này?

tr14.jpg

Sản xuất các sản phẩm đỗ gỗ tại Công ty Cổ phần chế biến gỗ Đức Thành (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh An Hiếu - TTXVN.

 

Những con số biết nói

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngành lâm nghiệp đã khẳng định vị thế của mình là ngành kinh tế quan trọng, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam và đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á, đứng thứ 5 trên thế giới và chiếm 6% thị phần.

Hiện nay, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt tại 120 nước và vùng lãnh thổ. Năm 2017, xuất khẩu lâm sản đạt trên 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng trong 4 tháng đầu năm 2018. Chỉ tính riêng tháng 4, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 680 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017.

Năm 2018, ngành gỗ và sản phẩm gỗ nhiều khả năng tiếp tục tăng trưởng khả quan khi kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng, hỗ trợ nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ.

Theo một số lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh gỗ, cho đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, đã ký kết được những đơn hàng đi thị trường châu Âu và châu Mỹ. Bên cạnh đó, có một số khách hàng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang ký kết với các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã chiếm được thị phần lớn tại Hàn Quốc khi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này ngày càng tăng.

Nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương đã được Việt Nam và Hàn Quốc ký kết, do vậy, các sản phẩm được làm từ gỗ, đặc biệt là đồ nội thất của Việt Nam sẽ được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng và tốc độ tăng trưởng ở mặt hàng này sẽ tăng khá và duy trì trong thời gian tới.

Cùng với những thị trường quen thuộc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hiện EU là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Với những con số biết nói như trên, vị thế của các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp kinh doanh ngành gỗ sẽ có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất.

Thiếu hụt nguồn cung

Cơ hội nhiều, nhưng thách thức cũng không kém đối với ngành gỗ Việt Nam. Theo công bố hiện trạng rừng của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến ngày 31/12/2017, toàn quốc có 14.415.381ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên 10.236.415 ha, rừng trồng  4.178.966 ha. Diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ toàn quốc 13.717.981ha, độ che phủ tương ứng 41,45%.

Với diện tích rừng hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, nguyên liệu gỗ trong nước mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Cùng với đó, chất lượng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước còn thấp do khai thác sớm, gỗ còn non.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước hiện đang phải mua gỗ từ hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Thách thức đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ  là phải tìm được nhà cung cấp gỗ hợp pháp,có chứng chỉ FSC (chứng nhận về quản lý rừng)...

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết, để đạt  mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm nay thì các doanh nghiệp cần phải nỗ lực rất lớn. Xuất khẩu nhiều là tín hiệu vui, tuy nhiên, để  doanh nghiệp đáp ứng được các hợp đồng xuất khẩu thì nguồn cung cấp gỗ đang là mối lo lớn. Với mục tiêu đến năm 2020 đạt 10 tỷ USD xuất khẩu thì nguồn cung gỗ nguyên liệu sẽ thêm 4-5 triệu  mét khối/năm.

“Theo tính toán, xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng thêm 1 tỷ USD thì nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng thêm khoảng 3,5 triệu mét khối. Trong khi đó, gỗ trong nước, gỗ rừng trồng chỉ khoảng 10-15% đạt yêu cầu. Mỗi năm, trong nước khai thác khoảng 18-19 triệu mét khối gỗ, nhưng chỉ có 2 - 3 triệu mét khối làm đồ gỗ, còn lại là dăm, các loại ván nhân tạo…”, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay. Như vậy, có thể nói, nguồn cung gỗ cho  doanh nghiệp ngành gỗ đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Chú trọng nâng cao chất lượng

Để tiếp cận thị trường khó tính, đòi hỏi rất cao và khắt khe về nguồn gốc xuất xứ của gỗ, nếu không có công nhận của các tổ chức quốc tế thì việc đưa sản phẩm gỗ vào những thị trường này vô cùng khó khăn.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), giá trị  kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam còn khá khiêm tốn so với giá trị tiêu thụ đồ gỗ trên toàn thế giới, khoảng 467,7 tỉ USD/năm.

“Điểm quan trọng vẫn là các sản phẩm xuất khẩu phải là sản phẩm có giá trị cao để đưa vào các thị trường khó tính. Ở điểm này, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể xây dựng được uy tín đối với thị trường”, ông Hạnh chia sẻ.

Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm đồ gỗ thì việc đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất của ngành gỗ là vấn đề rất quan trọng. Việc các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ 70 quốc gia cũng đủ cho thấy nguồn nguyên liệu chưa bền vững, một số quốc gia đã tiến hành đóng cửa rừng, trong đó có Trung Quốc, dẫn đến nguy cơ chúng ta thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất.

Trong khi đó, việc trồng rừng và bảo vệ rừng vẫn còn bị xem nhẹ. Nhiều địa phương, chính quyền buông lỏng quản lý  khiến nạn khai thác rừng diễn ra nghiêm trọng, nhiều cánh rừng nguyên sinh có trữ lượng gỗ lớn, mặc dù đã được giao cho người dân hoặc đã có các lực lượng chức năng quản lý, nhưng hiện tượng “chảy máu rừng” vẫn diễn ra. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng vào đầu năm 2018 nhưng hiện tượng khai thác gỗ lậu và vận chuyển gỗ vẫn còn diễn ra.

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về tình hình sản xuất lâm nghiệp trong tháng 4/2018 cho thấy, nhiều diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đều giảm so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, lũy kế 4 tháng đầu năm 2018, cả nước  phát hiện 4.226 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 1.938 vụ (tương ứng giảm 31%) so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích rừng bị thiệt hại 4 tháng đầu năm là 252ha, giảm 225ha (tương ứng giảm 47%).

Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, cần được phát huy trong thời gian tới.

Đưa ngành gỗ thành mũi nhọn trong xuất khẩu

Để ngành gỗ thực hiện được nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao: đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, rất cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp.

Đầu tiên, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp năm 2017, trong đó có điểm mới quan trọng là coi lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.

Các ngành, các cấp phải tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu các nguồn nguyên liệu, gỡ bỏ các thủ tục, giấy phép con không phù hợp, tạo độ thông thoáng trong quá trình thông quan xuất khẩu đi các nước, giúp cho doanh nghiệp nắm bắt được ngay cơ hội trong sản xuất và kinh doanh.

Các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và PTNT cần rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa cho ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển. Khuyến khích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ trong trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Đi liền đó là đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng, đến công nghệ chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng.

Các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản phải đẩy  mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Làm tốt công tác phát triển thị trường trong và ngoài nước. 

Đối với chính quyền các cấp, cần vận động bà con trồng và chăm sóc rừng, không phá rừng, phát nương, làm rẫy, không khai thác gỗ rừng trái pháp luật, gìn giữ và bảo vệ nguồn nguyên liệu và tài nguyên gỗ quý phục vụ cho việc phát triển kinh tế đất nước.

Ngoài khai thác và sử dụng có hiệu quả 2,8 triệu hecta rừng trồng sản xuất hiện có, chúng ta cần ổn định diện tích khai thác rừng khoảng 200.000-250.000 ha/năm.

“Việt Nam phấn đấu trở thành một trong các trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới từ nguồn gỗ hợp pháp, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây là thông điệp cho cả thế giới biết rõ quyết tâm của Việt Nam không phải phát triển bất chấp hậu quả, mà phát triển sản xuất bền vững, có trách nhiệm đối với môi trường”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

 

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top