Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 18 tháng 2 năm 2016 | 5:35

Ngày xuân bàn chuyện đồng hương

Đồng hương là hai từ thân thương và quen thuộc dành riêng cho những người xa xứ. Đồng hương được hình thành tự phát, tự nguyện từ mỗi người xa quê. Nếu lấy đơn vị là xã thì có xã kiều, huyện kiều, tỉnh kiều và Việt kiều dùng để gọi đồng hương cho người Việt Nam.

Xuất phát từ sự tự phát, tự nguyện nên đồng hương có tổ chức đơn giản, kết nối lỏng lẻo, họ đến với nhau vì cái tình đồng hương. Hoạt động của đồng hương truyền thống, như nhiều nơi đang làm là duy trì, phát triển việc giao lưu, thăm hỏi, chúc tụng,chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống; là tiếp nối truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta để lại.

Tầm cao của đồng hương là các hoạt động có kế hoạch được tổ chức thực hiện theo chương trình cụ thể có tác dụng thiết thực với bà con đồng hương, quê nhà và cộng đồng. Nhân ngày Tết đến xuân về, một trong những câu chuyện được bàn, được nhắc đến nhiều nhất là câu chuyện đồng hương.

Hoạt động đồng hương truyền thống của những người con xa quê trong nhiều năm đã làm được nhiều việc có ích, trong đó có việc kết nối với quê nhà với tiêu chí “kết nối và sẻ chia”. Hoạt động đồng hương truyền thống là câu chuyện tốt, ý nghĩa đã được phát huy và duy trì. Trong phạm vi bài viết này, người viết muốn bàn đến chuyện về vai trò người đứng đầu hội đồng hương liên quan đến sự phát triển bền vững của hội trong tình hình mới.

Những người sáng lập Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh (ngày 26-2-1996, tại địa chỉ 17 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3)

Là người đã có 23 năm liên tục hoạt động trong hội đồng hương, từ người lính mang quân hàm thiếu tá, đi xe đạp đến họp đồng hương Nghệ Tĩnh tại bến Nhà Rồng; từ những năm 1989, trước tết và sau Tết đã tham gia nhiều cuộc hội ý, gặp mặt, nhân sự kiện tất niên và tân niên, người viết nhận thấy rằng những người đứng đầu của nhiều hội hiện nay được bà con tôn vinh là hoàn toàn có cơ sở về uy tín, tuổi tác, trình độ, có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự phát triển của hội. Sau người đứng đầu là các nhân tố tích cực phụ giúp cho công tác hội, hội nào phát triển tốt, duy trì đều đặn có vai trò của người đứng đầu và các nhân tố tích cực đồng lòng. Tuy vậy, sự hoạt động của nhiều hội đồng hương chỉ gói gọn ở hoạt động truyền thống, tương thân tương ái tại chỗ và liên lạc với quê nhà. Duy trì hoạt động truyền thống để làm nên thương hiệu lan tỏa sự kết nối, sẻ chia là rất khó khăn. Với  thực tiễn cuộc sống, ý nguyện của bà con mong muốn hội đồng hương luôn được kiện toàn và phát triển.

Trải qua nhiều năm hoạt động đồng hương, người viết tạm tổng kết về người đứng đầu hội cần có 5 chữ T, đó là Tâm, Tầm, Tiền, Tiện và Tình. Xin không đi vào chi tiết 2 chữ T đầu là Tâm và Tầm vì đã rõ và dễ hiểu. Đương nhiên là người đứng đầu phải có Tâm, có Tầm ở mức nào là do bà con tôn vinh. Tiếp theo chữ  T thứ 3 là cần có tiền. Tiền ở đây là kinh phí để đi lại và đóng góp chút đỉnh theo khả năng khi cần. Những lúc kêu gọi bà con đóng góp từ thiện mà người đứng đầu không có chút thì cũng thấy chưa yên lòng, nên cần có để phát động phong trào. Tiền còn phải chi phí tàu xe cho những cuộc đi, về đại diện hội dự họp, dự lễ ở quê nhà và đồng hương bạn, vì việc chi quỹ đồng hương là rất khó khăn và tế nhị. Chữ T thứ 4 là Tiện, tiện ở đây là phương tiện bao gồm phục vụ việc đi lại, hội trường họp, tiếp khách. Chữ T này nếu có tiền là lo được, nhưng nếu cứ ra nhà hàng hay phải thuê hội trường để họp thì tiền túi hay phải đi xin, phải nhờ thì không thể đi được đường dài. Tùy vào điều kiện cụ thể của hội, người điều hành sẽ ứng biến phù hợp cho chữ Tiện. Chữ T thứ 5 là Tình. Khi bàn về chữ Tình trong đồng hương, có ý kiến chữ Tâm là đủ, là bao quát nhưng chưa phải thế. Xin được luận bàn là chữ Tình ở đây được thể hiện là người có “máu” công tác xã hội. Thể hiện ở việc chia sẻ, kết nối, quan tâm đến hoàn cảnh của bà con đồng hương kể cả việc đồng thuận của vợ, con và gia đình ủng hộ, chịu thiệt thòi về thời gian, công sức, tiền bạc và kể cả thị phi.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dự họp mặt Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh

Ví dụ trước đây đồng hương Nghệ Tĩnh có thông lệ ngày cuối cùng của năm cũ âm lịch là lãnh đạo hội đi thăm một số vị cao niên. Có năm tôi đi đến hơn 8 giờ tối mới về nhà. Vào nhà nhìn thấy vợ con đã chuẩn bị sẵn mâm cơm cúng giao thừa, hàng xóm đã cúng xong từ chiều mà nhà tôi chưa làm được. Nếu không có sự thông cảm của vợ con thì tôi sẽ bị cấm tham gia đồng hương từ rất sớm. Có vị còn rất trẻ, chủ doanh nghiệp hăng hái tham gia được 3 năm, sau đó người nhà không cho tham gia đồng hương vì nghe lời tế nhị của thị phi; có vị cán bộ  lãnh đạo khi đương chức thì rất hăng hái nhưng lúc nghỉ hưu thì cũng vì tế nhị nên gia đình không đồng ý tham gia…

Ví dụ khi tổ chức một cuộc họp mặt, anh phải đến sớm nhất và về muộn nhất, phải là người phải xắn tay vào mọi việc để có chỉ đạo phù hợp. Mọi người đến hội với nhiều quan điểm, tư tưởng khác nhau, đến xem thử, dùng thử và thử sức chịu đựng của người điều hành, chê nhiều hơn khen, vậy anh phải có cái Tình mới bình tĩnh để ứng xử phù hợp. Đến với đồng hương là thể hiện tấm lòng, là phát huy ý nghĩa xã hội của người “đã có điều kiện” với nhiều bà con, nhiều hoàn cảnh mong chờ sự hội tụ với bà con đồng hương.

Các thành viên Hội Đồng hương Hà Tĩnh dự tọa đàm "Người Hà Tĩnh xa quê"

Đành rằng ngoài 5 chữ T, người tham gia đồng hương còn phải có sức khỏe, có khả năng thuyết trình trước bà con để tập hợp, vận động và triển khai công việc. Hoạt động đồng hương là một hoạt động xã hội, có ý nghĩa nhân văn, nhân ái, tự nguyện. Nhiều người làm được, công việc không khó, nhưng là công việc không dễ làm, không dễ vượt qua bản thân và gia đình mình. Vài lời chia sẻ với quý vị đang tham gia công tác đồng hương, câu chuyện của người trong cuộc, nhân dịp Tết cổ truyền.

Đồng hương hiện nay đang có trào lưu rộng rãi nhưng để đi đường dài phải luôn được kiện toàn và mời những người có “điều kiện” tham gia. Người có điều kiện sẽ làm vẻ vang đồng hương, tôn vinh được những người xứng đáng tôn vinh, quy tụ được nhiều người tham gia góp phần giúp đỡ được nhiều bà con của mình, và đặc biệt là lập được kế hoạch phát triển phù hợp lâu dài và bền vững.

Nguyễn Xuân Lam

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top