Để ghi nhớ công lao của Nữ Y và những người có công với nước, xuất phát từ nhu cầu văn hoá tâm linh của nhân dân trong vùng cũng như nhận thấy tiềm năng du lịch tâm linh của đền Cửa Luỹ
Để ghi nhớ công lao của Nữ Y và những người có công với nước, xuất phát từ nhu cầu văn hoá tâm linh của nhân dân trong vùng cũng như nhận thấy tiềm năng du lịch tâm linh của đền Cửa Luỹ và vùng phụ cận, theo đề xuất của UBND huyện Anh Sơn và các sở, ngành liên quan, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hoá tâm linh Đền Cửa Luỹ.
Linh thiêng ngôi đền 600 năm tuổi
Đền Cửa Luỹ được xây dựng vào khoảng năm 1419, tại khu vực Cửa Luỹ, Khe Sừng thuộc xóm 1, xã Hoa Sơn (Anh Sơn - Nghệ An), thờ Nữ Y của Nghĩa quân Lam Sơn.
Theo Thần phả và lời kể của các bậc cao niên quanh vùng, Nữ Y là cô gái xinh đẹp, biết nghề hái thuốc và chữa bệnh cho nghĩa quân. Lúc này, Nghĩa quân Lê Lợi sau khi chiến thắng ở “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật” (Bồ Đằng thuộc huyện Quỳ Châu – Tây Bắc Nghệ An), liền tiến quân đánh tiếp “Miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay” (Trà Lân thuộc huyện Anh Sơn bây giờ) và đóng chốt tại Cửa Luỹ (nơi con đường độc đạo tiến về đồng bằng có 2 ngọn núi án ngữ).
Tướng quân họ Vương chỉ huy chốt chặn tại Cửa Lũy này có nhiệm vụ không cho giặc Minh từ đồng bằng tiến lên giải cứu vùng Trà Lân, đồng thời nuôi dưỡng quân sỹ sung sức để chuẩn bị giải phóng đồng bằng. Ngặt một nỗi, ngoài sự tập kích của quân địch thì qua các trận đánh, nghĩa quân bị thương khá nhiều. Hơn nữa, nơi đây là vùng rừng thiêng, nước độc, thuỷ thổ chưa quen, hàng ngày quân sỹ ngã bệnh khá nhiều. Nữ Y, với tình thương yêu quân sỹ và tài chữa bệnh, đã cứu sống được hàng trăm người, nhưng vẫn đang có nhiều nghĩa quân bị dịch bệnh. Thế là, ngày nào cũng như ngày nào, cô gái dậy từ sáng sớm vào rừng hái thuốc, chiều tối về chữa bệnh cho quân sỹ. Rồi một ngày nọ, dù đã mệt mỏi, nàng vẫn cố gắng vào rừng tìm thuốc. Trời đã tối, quân sỹ vẫn chưa thấy Nữ Y về, họ chia nhau vào rừng tìm kiếm thì thấy Nữ Y đã gục xuông bên một cây thuốc, trên tay còn cầm một nắm thuốc.
Vô cùng thương tiếc người Nữ Y tận tuỵ, tướng quân họ Vương ra lệnh an táng cô tại cánh đồng, hàng ngày hương khói. Một hôm, vị tướng quân họ Vương dẫn theo quân sỹ đi tuần tra, thì thấy một con thỏ trắng chạy từ một gốc cây ra, lượn đi lượn lại mấy vòng, rồi chồm 2 chân trước lên như cản đường. Tướng quân họ Vương cho hoãn cuộc hành quân, quay về. Hôm sau, khi bắt được thám báo của quân Minh, chúng khai nếu hôm qua, Nghĩa quân Lam Sơn tiếp tục tiến quân thì sẽ rơi vào ổ phục kích. Cho rằng Nữ Y đã hiện thân thành thỏ trắng cứu mạng mình, tướng quân họ Vương liền tổ chức quân sỹ đem thi hài Nữ Y từ cánh đồng vào cạnh gốc cây, nơi con thỏ chạy ra, dưới chân lèn đá an táng và lập miếu thờ, gọi là đền Luỹ Sơn (hay đền Cửa Luỹ).
Năm 1968, đền Cửa Luỹ bị bom Mỹ đánh hư hại, sau được bà Trần Thị Cháu (thường gọi là bà Tráng) ở TP. Vinh tự bỏ tiền tu sửa, trở thành nơi cầu lộc, cầu an cho nhân dân quanh vùng. Nói về sự linh thiêng của đền Cửa Luỹ, người dân ở đây cho biết: Theo ông bà kể lại, từ khi dựng Đền, người dân vào cầu xin gì đều ứng nghiệm, vì thế, Đền được vua Minh Mạng phong là “Thánh mẫu Luỹ Sơn”, vua Khải Định phong là: “Dực bảo trung hưng thượng đẳng thần”.
Năm 2012, Đền Cửa Luỹ được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, ngày 3/3 âm lịch hàng năm trở thành ngày lễ hội chính của đền.
Điểm du lịch văn hoá tâm linh
Theo Dự án Bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hoá tâm linh Đền Cửa Luỹ thì không chỉ tôn tạo khu đền chính mà còn xây dựng thêm khu thờ Mẫu, khu Chùa, khu lễ hội, khu dịch vụ… trên tổng diện tích 15ha, được triển khai từ năm 2018 đến năm 2030. Dự kiến đến năm 2030 sẽ đón 200.000 - 500.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú 20.000 - 75.000 lượt khách. Tổng kinh phí cho dự án là 210 tỷ đồng (riêng khu chùa 69 tỷ đồng, gồm các hạng mục: nhà tam bảo; gác chuông; gác khánh; cổng tam quan…), huy động bằng nguồn xã hội hoá.
Với cảnh quan sơn thuỷ hữu tình, cùng sự linh thiêng của đền Cửa Luỹ, dự án sau khi hoàn thành, sẽ là điểm “hút khách” không chỉ của tỉnh Nghệ An mà còn cả nước. Đó là chưa kể, chỉ cách đền Cửa Luỹ khoảng 1km, có di tích hang Đồng Trương, nơi cư trú của người Nguyên Thuỷ, cách 3km, là Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào, nơi yên nghỉ của hàng vạn liệt sỹ. Xa hơn chút là sông Lam, sông Giăng, lèn Kim Nhan, di tích sân bay Dừa… với nhiều cảnh đẹp nổi tiếng. Một thuận lợi nữa cho du khách khi đến đền Cửa Luỹ là di tích này nằm cạnh Quốc lộ 7A, dễ kết nối với các danh lam thắng cảnh khác là thác Khe Kèm ở Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông) hay đảo chè Thanh Chương, đồi hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn, tạo nên một tour, tuyến du lịch kỳ thú.
Dự án Đền Cửa Luỹ, ngoài đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn và những giá trị văn hóa tâm linh, chắc chắn sẽ tạo nên hiệu quả kinh tế - xã hội đối với huyện Anh Sơn và tỉnh Nghệ An, giúp huyện miền núi này thoát nghèo, vươn tới sự giàu có.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.