Từ những tháng đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao, trong đó dầu tăng khoảng 60% so với thời điểm ngày 31/12/2021, kéo các dịch vụ khác tăng theo; chi phí trung bình mỗi chuyến biển bao gồm (dầu diesel, đá, lương thuyền viên, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ) tăng 40-60 triệu đồng so với năm 2021.
Bên cạnh đó, ngư trường khai thác thủy sản bị thu hẹp; nguồn lợi đang suy giảm nghiêm trọng; do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các kênh phân phối sản phẩm thủy sản bị ảnh hưởng; giá sản phẩm thủy sản khai thác không tăng; tình trạng thiếu lao động thường xuyên xảy ra nên thu nhập bình quân lao động giảm còn 1-2 triệu đồng/người/tháng; dẫn đến khoảng 30-40% tàu cá nằm bờ.

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Thủy sản Nghệ An, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng cao khiến cho gần 1.500 tàu đánh cá trên địa bàn tỉnh phải nằm bờ.
Từ thực tế này, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An phối hợp với chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền pháp luật đến bà con ngư dân thực hiện một cách nghiêm túc Luật Thủy sản 2017.
Chủ trì làm việc với các ngân hàng thương mại làm việc với các chủ tàu để phân loại, có hướng giải quyết. Xây dựng lộ trình để điều chỉnh đội tàu khai thác hợp lý trên biển và có chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản.

Thời gian tới, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ ngư dân là chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên, có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản còn hạn theo quy định, với định mức hỗ trợ 20.000 đồng/CV, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng. Ngoài ra, có thể hỗ trợ phí qua cảng, hỗ trợ 100% phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình...