Thời gian qua, tình trạng người dân sử dụng các công cụ để đánh bắt hải sản theo phương thức tận diệt trên biển đã gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc kiểm tra, bắt giữ, xử lý nhiều trường hợp vi phạm Luật Thuỷ sản.
Hàng loạt vụ vi phạm
Theo thống kê của Chi Cục Thuỷ sản Nghệ An thì trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng gần 4.500 tàu, thuyền đang trực tiếp tham gia đánh bắt thuỷ hải sản trên biển. Tuy nhiên, số tàu công suất lớn đủ năng lực tham gia đánh bắt xa bờ theo hướng hiện đại chỉ chiếm khoảng 6% tổng số tàu, thuyền hiện nay. Số còn lại chỉ có tàu, thuyền sử dụng ngư cụ thô sơ truyền thống để đánh bắt trong lộng chiếm phần lớn. Trong đó, số tàu, thuyền tham gia đánh bắt gần bờ sử dụng mìn, giã điện, lồng bát quái…vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản thời gian qua vẫn đang là vấn đề nhức nhối.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Chi cục Thủy sản Nghệ An đã chủ động phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra, kiểm soát tại vùng biên và cửa lạch trong tỉnh để cùng kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Đối tượng kiểm tra là toàn bộ phương tiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Kết quả trong thời gian trên đã thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển 221 chuyến với 221 ngày công tác (bằng 111% so với cùng kỳ năm 2019). Kiểm tra được 2.773 lượt phương tiện, qua đó phát hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với 77 vụ/77 đối tượng/77 phương tiện với tổng số tiền xử phạt phạt gần 700 triệu đồng. Trong đó, Chi cục Thủy sản xử phạt 69 vụ/69 đối tượng/69 phương tiện với tổng số tiền phạt là 610 triệu đồng. Bàn giao các Đồn biên phòng tuyến xử phạt 8 vụ/8 đối tượng/8 phương tiện với tổng số tiền trên 51 triệu đồng. Tang vật thu được là 4 chiếc kích điện, 4 lưới kéo và 80m dây điện.
Theo các cơ quan chức năng, đây là con số vi phạm khi kiểm tra bất ngờ mới phát hiện ra còn trên thực tế, số tàu, thuyền vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản còn khá nhiều. Và, hoạt động này ngày càng tinh vi nhằm trốn tránh các cơ quan chức năng khiến công tác phát hiện, xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Còn theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng ngư dân sử dụng các phương tiện khai thác hải sản kiểu tận diệt hiện nay khá phổ biến. Đơn cử như việc chỉ cần đầu tư chưa đầy 2 triệu đồng, ngư dân có thể mua một bình ắc quy 12V và bộ kích điện tại các cơ sở sửa chữa điện dân dụng là có thể đánh bắt thuỷ hải sản gần bờ. Một số ngư dân còn đấu nối bộ kích điện trực tiếp trên động cơ của tàu, thuyền của mình để sử dụng cho việc đánh bắt hải sản.
Đây là cách để ngư dân dễ dàng bắt được các loài thuỷ sản gần bờ với số lượng lớn. Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà khoa học thì phương thức khai thác như vậy đã khiến cho môi trường sinh thái biển bị huỷ diệt nghiêm trọng. Bằng chứng là những sinh vật khi bị ảnh hưởng của dòng xung điện hoặc mìn sẽ không còn sống được trong môi trường dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái là điều hiển nhiên.
Ngư dân Võ Thế Lanh (SN 1974), ở xóm Hòa Bình, xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc) làm nghề đi biển từ năm chưa tròn 14 tuổi. Theo phản ánh của anh Lanh và nhiều chủ tàu đánh bắt hải sản trong lộng (đánh bắt gần bờ) thì thời gian gần đây có rất nhiều tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ từ Thanh Hóa và một số vùng khác đến đánh bắt tại khu vực biển Cửa Lò và Nghi Lộc. Hầu hết các tàu thuyền này đều sử dụng giã cào và xung điện để đánh bắt theo kiểu tận diệt, vào tận sát bờ khiến cho lượng hải sản ở vùng biển này cạn kiệt nhanh chóng.
“Hai chiếc tàu giã cào nó đi song song cách nhau khoảng mấy trăm mét và kéo theo lưới chỉ cách đáy biển khoảng 0,8m. Chú hỏi còn loài sinh vật gì không vào trong ổ lưới của các tàu này? Còn tàu xung điện đi qua thì coi như các loại hải sản chết hết từ trong trứng nước” – anh Lanh lắc đầu thở dài.
Tăng cường tuyên truyền
Tình trạng người dân sử dụng các phương tiện, ngư cụ đánh bắt thuỷ hải sản theo kiểu tận diệt đã bị các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, ngăn chặn. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cũng đã chỉ đạo Chi Cục thuỷ sản có nhiều giải pháp để tăng cường thời gian bám biển kiểm tra tình trạng này.
Qua đó, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị Bội đội Biên phòng ven biển, Cảnh sát giao thông và chính quyền các cấp để ngăn chặn kết hợp vận động, tuyền truyền ngư dân không sử dụng các phương tiện, ngư cụ bị cấm vào hoạt động khai thác thuỷ hải sản. Tuy nhiên, tình trạng các tàu, thuyền vẫn sử dụng mìn, kích điện để khai thác làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ hải sản còn diễn ra. Đây cũng là vấn đề được đưa ra tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri tại các địa phương ven biển trong thời gian qua.
Theo phân tích của các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do nhận thức của ngư dân khi tham gia đánh bắt thuỷ hải sản trên biển. Vì lợi nhuận trước mắt, ngư dân có thể bất chấp pháp luật cũng như sự nguy hiểm đến tính mạng để tận diệt nguồn thuỷ sản, đặc biệt là khu vực gần bờ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tàu thuyền của ngư dân sử dụng mìn để đánh cá bị lực lượng kiểm ngư phát hiện nhưng bỏ chạy, trốn tránh pháp luật.
Thậm chí, có trường hợp còn dùng vật nặng để ném chất nổ xuống biển để tẩu tán, xoá tang vật nên lực lượng chức năng không đủ chứng cứ để xử lý. Một nguyên nhân nữa là lực lượng chấp pháp trên biển hiện nay còn mỏng nên sự kiểm tra thường xuyên để phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm còn hạn chế.
Ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi Cục Thuỷ sản Nghệ An, cho biết: Để hạn chế tình trạng nói trên cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và các ban, ngành địa phương. Đặc biệt, việc tuyên truyền, phổ biến về Luật Thuỷ sản cùng các quy định của nhà nước cần về lĩnh vực bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản, môi sinh, môi trường cần được thực hiện thường xuyên, liên tục hơn nữa.
Mặt khác, việc ngăn chặn nguồn cung ngay từ ban đầu đối với các hành vi buôn bán, tàng trữ trái phép chất nổ trái phép ngay tại các cửa lạch, âu thuyền phải được thực hiện quyết liệt, xử lý nghiêm minh trước pháp luật…
Trước tình trạng nói trên, ngoài việc quyết liệt ngăn chặn thì các cấp chính quyền cũng cần tăng cường phát huy tốt vai trò của các tổ đồng quản lý nghề cá ven biển ở các địa phương trong việc vận động ngư dân thực hiện tốt các quy định của nhà nước. Và, để môi trường sinh thái biển không bị cạn kiệt thì ý thức của ngư dân đang hàng ngày trực tiếp tham gia đánh bắt thuỷ hải sản phải được nâng cao để bảo vệ chính “nguồn sống” lâu dài của mình.
Kiến nghị tăng cường giám sát ô nhiễm môi trường tại các dòng sông
Theo nội dung kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng vừa được Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, đa phần các con sông khu vực miền Trung-Tây Nguyên đều không bắt nguồn từ bên ngoài, chủ yếu là do “tác động của người dân chúng ta,” vì thế cần tăng cường giám sát về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các con sông nói chung và với các con sông thuộc khu vực này.
Cùng với đó, cử tri đề nghị các Bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm giám sát chỉ tiêu cụ thể hằng năm về độ che phủ của rừng; hệ thống nước thải đối với các khu đô thị, khu công nghiệp-dịch vụ ven sông; việc thực hiện các chế tài và việc xử phạt khi xảy ra vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ghi nhận ý kiến của cử tri, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận trong giai đoạn 2016 - 2019, chất lượng nước tại các dòng sông lớn và các điểm nóng về ô nhiễm môi trường lưu vực sông có xu hướng cải thiện dần theo từng năm. Tuy nhiên, do áp lực của phát triển kinh tế-xã hội, các nguồn xả thải vào các lưu vực sông lớn ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại khu vực trọng điểm, đô thị lớn.
Vì thế, để tăng cường kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường các dòng sông lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên nước và hệ thống chính sách có liên quan về quản lý các nguồn thải và chất lượng môi trường nước bảo đảm tính thống nhất, đặc biệt quan trọng là sửa đổi, trình Quốc hội ban hành dự án Luật Bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương rà soát các quy hoạch liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường lưu vực sông, đảm bảo không có sự chồng chéo, mâu thuẫn; quy hoạch và phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh, đặc biệt là chương trình phối hợp kiểm soát ô nhiễm nước sông liên tỉnh vào mùa khô; các hoạt động gây ô nhiễm tại các điểm có nguy cơ ô nhiễm cao như khu vực nuôi trồng thủy sản, khu tiếp nhận nhiều nguồn thải, bến thủy nội địa trên sông...
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ điều tra, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm, tập trung vào các nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.