Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 26 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 3 năm 2022 | 22:43

Nghệ An tiếp tục dẫn đầu cả nước về xuất khẩu lao động

Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, năm 2021, Nghệ An vẫn tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH ) tỉnh Nghệ An, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu, rộng của dịch Covid-19 nhưng công tác giải quyết việc làm của tỉnh Nghệ An vẫn vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 40.294 người (đạt 104,66% kế hoạch), trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 11.210 người (đạt 89,69% kế hoạch), tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đáng chú ý là số lao động đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu tăng hơn so với các năm trước. Lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ tay nghề tăng lên, chiếm trên 60% (chủ yếu là nghề cơ khí, hàn, thợ giàn giáo, ốp lát, may mặc, điều dưỡng, hộ lý, giúp việc gia đình); còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề. Cụ thể: 3.657 người đang làm việc tại Nhật Bản, 647 người làm việc tại Hàn Quốc, một số nước thuộc thị trường châu Âu cũng có số lao động xuất khẩu tăng. Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là thị trường lao động dẫn đầu về số lao động Nghệ An đang làm việc, với 4.847 người.

Ba thị trường trọng điểm là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đều đã có thông báo mở cửa mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lao động Việt Nam.
Ba thị trường trọng điểm là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đều đã có thông báo mở cửa mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lao động Việt Nam.

 

Theo ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, mức thu nhập do người lao động đi làm việc ở các nước chuyển về bình quân 15-30 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình. Nhiều lao động sau khi làm việc ở nước ngoài trở về nước có tay nghề cao, tiếp tục vào làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, dù đứng đầu cả nước về số lượng người đi XKLĐ nhưng theo đánh giá chung thì vẫn chưa xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, nhiều hiện tượng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới đưa sang một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan… làm việc, cư trú bất hợp pháp bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân. Một bộ phận lao động làm việc tại Hàn Quốc hết thời hạn hợp đồng không về nước. Những điều này đã gây thiệt hại nhiều mặt cho bản thân người lao động và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực XKLĐ trên địa bàn. Thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 3 địa phương đang bị "cấm cửa" sang Hàn Quốc, bao gồm: Nam Đàn, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay, nhiều lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài lớn nhưng trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỷ luật lao động của một số lao động còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường, nhất là thị trường có thu nhập cao, ổn định. Tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật ở nước sở tại vẫn còn xảy ra, lao động hết hạn hợp đồng không về nước.

Lao động Nghệ An không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng
Lao động Nghệ An không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng

 

Để công tác XKLĐ trong tình hình mới thực sự khởi sắc, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cấp, ngành, doanh nghiệp cần tập trung thực hiện tốt việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác XKLĐ theo hợp đồng; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ để khuyến khích người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia.

Tiếp tục mở rộng khai thác thị trường lao động nước ngoài; đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền địa phương đối với hoạt động tuyển chọn lao động trên địa bàn.... để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày càng đi vào nề nếp, có chất lượng.

Trong năm 2022, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 42.900 người, trong đó đưa 13.550 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ, tỉnh Nghệ An chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động để có thể đáp ứng được các thị trường khó tính. Bên cạnh duy trì thị trường truyền thống, ngành LĐ-TB&XH phối hợp các doanh nghiệp nghiên cứu, mở rộng thị trường lao động, chú trọng các thị trường có thu nhập cao, môi trường làm việc tiên tiến.

 

 

 

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top