Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển vừa khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch và đón nhận Bằng chứng nhận của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc công bố nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng tồn tại đến nay đã hơn một thế kỷ, trở thành nét văn hóa ẩm thực rất riêng và độc đáo của người dân nơi đây. Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là món ăn đặc trưng, không thể thiếu, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư miền Đông Nam Bộ. Để có được sản phẩm là những chiếc bánh tráng phơi sương đẹp về thẩm mỹ và ngon về chất lượng, từ công đoạn đầu tiên là làm bột đến tráng bánh, nướng bánh, phơi sương và xếp bánh đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kinh nghiệm của đôi bàn tay các nghệ nhân trong việc lựa chọn nguyên liệu và chế biến. Bánh ngon là bánh có màu trắng đục, dẻo, tròn, có vị mặn và mùi thơm đặc trưng từ gạo.
Nghệ nhân trình diễn nghề tráng bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.
Biết làm tráng bánh từ năm 14 tuổi, cụ Phạm Thị Khải (84 tuổi, ngụ huyện Trảng Bàng) là một trong số ít nghệ nhân còn lưu giữ được kinh nghiệm tráng bánh theo kiểu truyền thống. Cụ Khải chia sẻ: “Để có được những chiếc bánh ngon, người làm bánh phải chọn loại gạo ngon, làm sạch, rồi ngâm nước từ 12 - 14 giờ; sau đó vớt ra vo kỹ, để ráo nước rồi cho vào cối đá xay thành bột và cho thêm ít muối vào khuấy đều để bánh có độ dai và vị mặn.
Du khách thích thú và tự tay tráng bánh.
Bánh phải được tráng tuần tự thành hai lớp, phơi từ 9 giờ đến 10 giờ 30 phút sáng thì bánh sẽ ngon hơn; còn nếu để quá trưa, nắng gắt thì bánh dễ bể và bong tróc. Đây cũng chính là “bí quyết” được mẹ của cụ Khải truyền lại. Kế thừa nghiệp làm bánh tráng phơi sương của bà và mẹ, anh Lê Văn Hùng, 45 tuổi (con út cụ Khải), chia sẻ: “Hễ còn sống là chúng tôi còn giữ nghề tráng bánh của gia đình”. Hiện nay, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bảng không chỉ đảm bảo cuộc sống kinh tế của nhiều gia đình mà nó còn là niềm tự hào của người dân nơi đây, kết tinh trong đó biết bao giá trị về văn hóa ẩm thực, di sản của cha ông.
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng trở thành món ăn hấp dẫn du khách đến với Tây Ninh.
Ông Dương Văn Phong, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tây Ninh nhấn mạnh, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng thể hiện tinh thần yêu lao động, tảo tần sớm hôm, chịu thương chịu khó, phản ánh sự sáng tạo của con người trong văn hóa ẩm thực, có sức sống và tồn tại lâu dài, có tiềm năng kinh tế cao nếu được quy hoạch thành điểm du lịch làng nghề. Đặc biệt, nó đã đi vào thơ ca, nhạc, kịch, và trở nên gần gũi, gắn bó mật thiết với người dân Tây Ninh: “Ai về dưới ấy Trảng Bàng/Mua giúp một ràng bánh tráng phơi sương”.
Đại diện Bộ VHTTDL trao Bằng chứng nhận cho tỉnh Tây Ninh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu UBND huyện Trảng Bàng và các sở ngành của tỉnh phải có giải pháp thiết thực trong bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, gắn với phát triển du lịch. Quy hoạch làng nghề thủ công truyền thống, đưa nghề làm bánh tráng phơi sương vào các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, xây dựng và quảng bá thương hiệu, trở thành một trong những sảm phẩm đặc trưng nhằm thu hút du khách đến với Tây Ninh. Vận động các nghệ nhân truyền dạy nghề cho con cháu, đặc biệt là kinh nghiệm làm nên những chiếc bánh ngon, hấp dẫn du khách. Đề xuất kịp thời các chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân làm bánh.
Lễ hội Văn hóa - Du lịch và đón nhận Bằng chứng nhận của Bộ VH-TT-DL về việc công bố Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Dịp này, UBND tỉnh Tây Ninh đã trao tặng bằng khen cho 11 cá nhân có nhiều đóng góp trong việc lưu giữ, truyền dạy và phát triển nghề truyền thống bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.
Quang Minh
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.