Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 9 năm 2016 | 1:19

Nghề báo như một giấc mơ

Sinh ra ở xã Hùng Thành (Yên Thành - Nghệ An), phóng viên chiến trường Nguyễn Thế Viên đã từng trải qua một thời cầm bút, cầm máy giữa những năm tháng lịch sử của dân tộc. Ở cái tuổi 86, ông vẫn minh mẫn, tinh anh. Ông tâm sự: “Nghề báo đã chọn tôi như một sự tình cờ của số phận, như một giấc mơ. Vì tình yêu, sự đam mê và trăn trở với nghề nên tôi  chọn lấy”. Ông vuốt chòm râu dài trắng muốt, hồi ức xưa như những con sóng vỡ òa…

Phóng viên chiến trường Nguyễn Thế Viên.

Năm 1951, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Thế Viên từ quê lúa Yên Thành gia nhập lực lượng TNXP, hành quân ra Bắc, phục vụ cho cuộc chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Đến năm 1953, ông có quyết định chuyển sang làm nhiệm vụ mới ở Trung đoàn 6, Sư đoàn 312. Đây là thời điểm đánh dấu cơ duyên đến với nghề báo của ông.

Giữa những giây phút khốc liệt trên chiến trường, trong làn “mưa bom, bão đạn”, Nguyễn Thế Viên đã chắp nối hiện thực- ước mơ thành những vần thơ, bài viết ngắn chép vội trên các tờ giấy nhàu nát từ bao thuốc lá. Những “tác phẩm đầu tay” ấy dù còn vụng về nhưng đã chứa đựng được khí tiết anh dũng, kiên cường của người lính bộ đội cụ Hồ trên trận mạc. Ông nhớ lại, tác phẩm đầu tiên với bút danh Hồng Sơn được đăng ở “Tờ tin mặt trận” của Đại đoàn 312 chính là tin về đội công binh phá thác trên sông Nậm Na do Trung đội 5, Đại đội 124, Tiểu đoàn 555 thực hiện. Một mẩu tin nhỏ về thành công của việc phá thác, mở đường vận chuyển vũ khí hạng nặng từ hậu cứ ra chiến trường nhưng đã khiến anh “phóng viên” Hồng Sơn vui đến không ngủ.

Bất ngờ thay, “đứa con tinh thần” đầu tay này sau khi được đăng tải đã nhận được nhiều lời khen, động viên, khích lệ của  đồng chí, đồng đội. “Không lâu sau, tôi được Sư đoàn 312 điều động lên làm phóng viên cho “Tờ tin mặt trận” của Sư đoàn và báo Quân đội nhân dân. Từ đó, tôi bắt đầu làm quen với vai trò mới- phóng viên chiến trường”- người cựu binh Điện Biên Phủ năm xưa nhớ lại - “Làm anh phóng viên chiến trường ngày ấy cũng không khác một người lính. Chỉ khác ở chỗ là trong khi bộ đội chiến đấu với kẻ thù thì chúng tôi súng khoác vai, tay giữ khư khư bút và giấy để kịp ghi lại một cách chân thực nhất, đầy đủ nhất về cuộc chiến đấu ngoan cường đang diễn ra trước mắt. Những bài viết đã ca ngợi chiến công, lòng dũng cảm, mưu trí, gan dạ của bộ đội trên khắp chiến trường”.

Ông nhớ lại, có lần theo đội 34, C 297- TNXP phá bom nổ chậm ở ngã ba Cò Nòi (Sơn La). Đoạn đường này Pháp thả 60 quả bom nổ chậm, có tới 20 quả bom chưa nổ. Lực lượng phá bom đã tìm và phá được 19 quả, một quả nằm sâu dưới đất nên không tìm thấy. Khi toàn đội đang tích cực tìm bom để kịp thông đường thì tiếng nổ chát chúa vang lên. 14 trong tổng số 16 đồng chí hy sinh tại chỗ. Bản thân ông cũng bị bom vùi nhưng được cứu sống. Chứng kiến phút giây hy sinh của các đồng đội, ông viết ngay một bài tường thuật đăng trên Tờ tin mặt trận của đại đoàn.

Những ngày sau, khi cuộc chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt thì bút giấy để phục vụ việc thu thập tư liệu cũng hết. May mắn, ông được tặng một chiếc bút máy chiến lợi phẩm ta lấy được của địch. Còn giấy viết thì nan giải hơn, những tờ giấy đã viết được ngâm vào nước vôi trong để tẩy trắng rồi phơi khô  tái sử dụng. Nếu như báo Quân đội nhân dân xuất bản tại chiến trường được in ấn đàng hoàng thì những bài viết đăng ở các Tờ tin mặt trận được phát hành bằng một cách rất đặc biệt: Chép tay rồi chuyển ra ngay chiến hào để phục vụ bộ đội.

Những bài báo xuất bản với cách đặc biệt như thế này đã kịp thời đến và động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ. Các tờ tin được viết tay trên những tờ giấy tái sử dụng được bộ đội đón nhận và đọc say sưa ngay khi ngơi tiếng súng. Mỗi bài viết là món ăn tinh thần hết sức quý báu đối với bộ đội lúc đó. Tác phẩm được “độc giả đặc biệt” chờ đợi và đón nhận chính là động lực để phóng viên chiến trường như ông khắc phục khó khăn, hiểm nguy để tác nghiệp.

Khi được hỏi có chút sợ hãi khi đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết để tạo nên những “đứa con tinh thần”? ông cười hiền từ: “Có chứ sao không. Làm sao quên được những lần ngồi viết báo dưới ánh đèn leo lét trong căn hầm bì bõm nước, trên đầu là ào ào tiếng bom đạn. Làm sao quên được sự mất mát, hy sinh khi chứng kiến đồng chí, đồng đội ngã xuống, có người thân thể không còn vẹn nguyên. Nhưng hơn cả, mình ý thức vượt qua nỗi sợ hãi để làm tròn nhiệm vụ của người cầm bút trước đồng chí, đồng đội, nhân dân”.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nay ông vẫn cầm máy ảnh đi và viết. Vẫn là những bài viết tay trên giấy như hồi ở Điện Biên rồi đóng gói vào bì thư, gửi tới một số tòa soạn như báo Cựu Chiến Binh, báo Nghệ An và hồi hộp chờ đợi “đứa con tinh thần” của mình đến với bạn đọc.

Đình Lam - Sỹ Thăng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top