Mặc dù đất ruộng, đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành ở miền Trung được đánh giá là khá phì nhiêu nhưng do những nguyên nhân bất lợi như nhiễm mặn, không có hệ thống thủy lợi,…nên đã ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của bà con nông dân.
Quảng Trị: Mong sớm có giải pháp phục hóa ruộng bỏ hoang vì nhiễm mặn
Gần một nửa trong tổng số 80ha lúa ở thôn Tường Vân, xã Triệu An (Triệu Phong - Quảng Trị) bỏ hoang khoảng 20 năm nay vì nhiễm mặn.
Phó trưởng thôn Tường Vân Trần Văn Sằn chia sẻ: “Đất ruộng lúa này nằm ven sông và đầm Hà Tây nên thổ nhưỡng khá tốt, canh tác lúa đạt từ 3 - 3,5 tạ/sào nhưng do nhiễm mặn nên nhiều diện tích đành bỏ hoang. Đất bỏ hoang nhiều năm nên đến nay các loại cỏ chát, cỏ năn mọc ken dày rất lãng phí. Hầu hết các hộ dân có ruộng mong muốn được các cấp, ngành có giải pháp hỗ trợ khắc phục tình trạng nhiễm mặn để trồng lúa trở lại nhằm chủ động nguồn lương thực tại chỗ”.
Số diện tích trồng lúa còn lại do thiếu hệ thống thủy lợi nên cũng canh tác “nhờ trời” và chỉ làm được một vụ. Nếu thời tiết thuận lợi thì lúa một vụ cũng đạt năng suất cao, tuy nhiên nếu lúa trổ đúng vào thời điểm khô hạn thì nhiều gia đình buộc phải đặt máy bơm khoan để cung cấp nước tưới cho ruộng khá tốn kém. Trong tổng số diện tích ruộng bị bỏ hoang thì có 9 ha khu vực vùng Cựa ở ngay trung tâm của thôn, có vị trí phía trước tiếp giáp với khu hồ tôm, phía sau giáp ngay với khu dân cư đang sinh sống với khoảng 18 hộ. Ruộng nhiễm mặn và bị bỏ hoang không canh tác được đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Tấn Còn, nhà ở trước khu ruộng bỏ hoang ở vùng Cựa, cho biết: “Gia đình cũng có canh tác khoảng 10 sào ruộng lúa nhưng do nhiễm mặn nên bỏ hoang khoảng 5 sào. Ruộng bỏ hoang cho cỏ mọc rất lãng phí. Mong muốn lớn nhất của người dân chúng tôi là được hỗ trợ cải tạo đồng ruộng để gieo cấy lúa trở lại".
Theo ông Trần Văn Sằn, trước thực trạng đất ruộng bỏ hoang hàng chục năm, cũng có hộ dân đề xuất cho chuyển đổi sang nuôi tôm. Tuy nhiên, thôn không đồng ý bởi lo ngại việc nuôi tôm ở vùng ruộng bỏ hoang sẽ càng làm tình trạng nhiễm mặn nghiêm trọng hơn và mặn sẽ xâm lấn sâu hơn vào khu dân cư gây nhiều hệ lụy trong tương lai.
Nhận thấy việc ruộng bỏ hoang với diện tích lớn và trong thời gian dài ở thôn Tường Vân là hết sức lãng phí, trong khi người dân vẫn phải “chạy gạo” ăn hằng ngày nên chính quyền địa phương và các hộ dân đã có kiến nghị xin được hỗ trợ giải pháp cải tạo đồng ruộng, trong đó có việc xây dựng tuyến kênh mương nói trên.
Nghiên cứu, khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm vừa chủ trì hội thảo khoa học đề xuất giải pháp, chính sách khuyến khích nông dân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả ở khu vực phía Bắc tại Hà Tĩnh.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung như: thực trạng, chính sách, giải pháp khuyến khích nông dân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả; tổng quan về hiện trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; thực trạng, nguyên nhân đất sản xuất bị bỏ hoang (không sử dụng) trên địa bàn tỉnh; chính sách đất đai hiện hành và các chính sách đất đai có liên quan đến hộ nông dân.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho rằng, thực tế sử dụng đất nông nghiệp những năm qua vẫn bộc lộ một số vấn đề lớn như: bỏ hoang ruộng đất; thiếu lao động chất lượng cao trong nông nghiệp; hiệu quả sử dụng đất thấp.
Trong khi đó, ở Việt Nam vẫn có nhiều diện tích đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Vì vậy, cần sớm có giải pháp, chính sách khuyến khích nông dân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đánh giá cao việc Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn mang lại nhiều hiệu quả trong thời gian qua. Qua tham luận và thực tiễn cho thấy nhiều nông dân, hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Tĩnh đã đạt được thành công nhờ vận dụng tốt các chính sách, phát huy thế mạnh địa địa phương vào sản xuất. Tuy nhiên, nhìn chung, các hợp tác xã, người nông dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn về đất đai, nguồn vốn sản xuất...
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tổng hợp và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích nông dân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả.
Tiềm lực đất đai chưa được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, những đột phá quan trọng trong chính sách đất đai thời gian qua đã mang lại những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn lực đất đai đã được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội: an ninh lương thực được đảm bảo; đất cho sản xuất, phát triển đô thị, quốc phòng, an ninh được phân bổ hợp lý hơn; việc phân cấp, phân quyền quản lý và sử dụng đất được coi trọng, bước đầu khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất...
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất cao từ Trung ương tới địa phương, chưa thực sự công khai, minh bạch và dựa trên cơ chế thị trường; việc tích tụ, tập trung ruộng đất chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, chậm được giải quyết, gây bức xúc xã hội; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa thực sự ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững. Việc sử dụng đất đai còn lãng phí, chưa hiệu quả ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nông trường…
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đất đai, đề ra nhiệm vụ: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên”. Trong đó, những nội dung được ưu tiên hàng đầu là xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai; hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất…
"Những chủ trương, chính sách trên của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ là cơ sở để các cơ quan, các cấp có thẩm quyền nhanh chóng triển khai, áp dụng vào thực tiễn giúp nước ta khai thác được giá trị tài nguyên đất một cách bền vững" - ông Phạm Minh Tuấn cho biết.
Theo PGS.TS Vũ Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, tiềm lực đất đai hiện nay vẫn chưa được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng, vẫn còn tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Tình trạng đầu cơ đất, lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai vẫn diễn ra phức tạp.
Bối cảnh trên đang tạo ra cả cơ hội và thách thức mới đối với việc quản lý và sử dụng đất, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ, căn bản công tác quản lý và sử dụng đất, nhất là chính sách, pháp luật về đất đai, theo hướng không chỉ nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện tại, mà còn tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Để giải quyết tốt vấn đề đất đai, ông Vũ Hồng Sơn cho rằng, cần phân tích, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế trong quản lý và sử dụng đất thời gian qua, như công tác quy hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất, hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, để từ đó có những giải pháp hiệu quả...
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất quan điểm cần bám sát những yêu cầu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất các quan điểm và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai, khắc phục tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện và đầu cơ đất đai; giải quyết căn bản những tồn tại, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và do yêu cầu mới của thực tiễn.../.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.