Tàu giã cào hành nghề khai thác hải sản kiểu hủy diệt luôn là nỗi ám ảnh của ngư dân. Không ít ngư dân bãi ngang các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết (Nghi Lộc - Nghệ An) trắng tay, mất hết ngư cụ vì gặp phải những “hung thần” này trên biển.
Ám ảnh “hung thần” trên biển
Có mặt tại vùng biển bãi ngang xã Nghi Tiến (Nghi Lộc), chúng tôi gặp các ngư dân đang chuẩn bị chài lưới cho buổi chiều ra khơi. Khi được nhắc đến những tàu hành nghề giã cào thì ngư dân nào cũng lắc đầu ngao ngán.
Dù đã có kinh nghiệm hơn 20 năm đi biển nhưng mỗi khi nhắc đến lần thoát chết trở về sau khi bị tàu giã cào kéo chìm trong đêm tối, anh Nguyễn Trung Hoàn (46 tuổi) ở xóm Tiền Phong vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự việc: Khoảng 20 giờ ngày 5/8, tôi mang lưới ra khu vực cách bờ biển 3 hải lý đánh cá (1 hải lý = 1.852m). Đến giữa đêm, lúc đang chong đèn để câu mực, tôi bất ngờ thấy từ phía xa, hai chiếc tàu giã cào lao tới kéo hết lưới, rồi cuốn cả chiếc thuyền thúng đi theo. Mặc dù đã pha đèn pin làm tín hiệu và cố hết sức gọi cảnh báo nhưng chiếc thuyền vẫn cứ thế chạy. Kéo được hơn 1km thì chiếc thuyền thúng bị lật, quá hoảng hốt, tôi cố gắng bơi lại sát thuyền giã cào và bám được vào mạn thuyền. Tôi kêu cứu nhưng thuyền giã cào vẫn cứ tiếp tục chạy. Rất may, sau đó bạn chài đang đánh cá gần đó phát hiện và kịp thời hỗ trợ, nếu không hậu quả không biết sẽ như thế nào.
Chung nỗi niềm với anh Hoàn, anh Cao Minh Hải (39 tuổi), xóm Bắc Sơn, xã Nghi Yên không khỏi bức xúc trước những thiệt hại do tàu giã cào mang đến: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như nguồn lợi thủy sản cạn kiệtn, thu nhập từ hoạt động đánh bắt ngày càng eo hẹp. Nay lại thêm nạn tàu giã cào hoành hành thì những rủi ro của mỗi chuyến ra khơi của chúng tôi lại tăng thêm. Năm 2018, tôi bị tàu giã cào đâm nát thuyền và may mắn thoát chết. Nói đâu xa, trong chuyến ra khơi tuần trước, khi tôi vừa buông xong lưới, đột nhiên tàu giã cào lù lù chạy đến, cuốn phăng cả thuyền và lưới, nếu không kịp cắt neo, nổ máy chạy khỏi gọng kìm của cặp giã cào thì thuyền của tôi giờ đã nằm ở đáy biển.
Mới đây nhất, ba tàu cá của ngư dân Hoàng Văn Chính (35 tuổi), Nguyễn Văn Tuân (35 tuổi) và Hồ Nguyên Quản (34 tuổi) cùng trú tại thôn Trung Thắng, xã Nghi Tiến khi ra biển đánh bắt thì bị tàu giã cào trong và ngoại tỉnh kéo rách trên 10 bộ lưới và neo, ước thiệt hại hơn 20 triệu đồng.
Anh Tuân bức xúc: “Tàu giã cào chủ yếu đến từ các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Chúng có công suất lớn nên khi phát hiện ngư cụ bị phá, không thể làm gì được vì tàu chúng tôi nhỏ, công suất thấp nên đuổi theo không kịp. Chuyến biển vừa rồi thất bát, lỗ nặng. Hiện tại, chúng tôi chẳng biết vay đâu để mua ngư lưới cụ tiếp tục vươn khơi đánh bắt. Đây là lần thứ 3 tàu của tôi bị “hung thần” ở biển phá. Chuyến biển nào mà gặp phải chúng là xác định trắng tay trở về. Mong mỏi lớn nhất là các cơ quan chức năng sớm vào cuộc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá ngang nhiên hành nghề giã cào”.
Bao giờ hết lo nạn giã cào?
Theo quan sát của chúng tôi, mới khoảng 19 giờ đã có khoảng 20 tàu giã cào hoạt động cách bờ biển bãi ngang ba xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết chưa đến 10 hải lý. Những tàu này trang bị máy có công suất lớn, tốc độ di chuyển rất nhanh, có thể đạt 8 - 10 hải lý/giờ, thường đi thành từng đôi, thả một bộ lưới dài 400- 500m và dùng đôi tàu này kéo đi.
Đặc biệt, thời gian gần đây, lợi dụng giãn cách xã hội, các tàu giã cào bất ngờ hoạt động rầm rộ trên vùng biển bãi ngang các xã thuộc huyện Nghi Lộc. Chúng thường bắt đầu đánh bắt từ 17 giờ đến khoảng 5 giờ sáng hôm sau, hoạt động theo từng tốp.
Ngày 15/11/2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư số 19 về việc hướng dẫn bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, có nhiều nghề, ngư cụ bị cấm sử dụng: nghề lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc) vùng ven bờ; nghề lồng xếp (lờ dây, bát quái, lừ, dớn,...) vùng ven bờ, vùng nội địa; nghề, ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực) vùng ven bờ; nghề đăng, đáy, te, xiệp, xịch, xăm ở vùng ven bờ và vùng nội địa... |
Được biết, theo Nghị định 123/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển, chỉ tàu có công suất dưới 20 CV mới được phép khai thác ở tuyến bờ và công suất từ trên 20 đến 90 CV được phép tuyến lộng. Tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên chỉ được phép hoạt động, khai thác ở tuyến khơi (cách bờ biển trên 24 hải lý).
Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Chỉ thị số 10/2005/CT-BTS của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT), cấm nghề cào khai thác thuỷ sản trái phép ở tuyến lộng, tuyến bờ. Đồng thời, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật những tàu hoạt động nghề cào hoạt động trái phép tại tuyến bờ, tuyến lộng.
Thế nhưng, trên thực tế, vì “siêu lợi nhuận” và lợi ích trước mắt, những người làm nghề giã cào vẫn ngang nhiên đưa tàu khai thác ở tuyến lộng, tuyến bờ và khu vực cấm đánh bắt.
Việc khai thác này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ, đến quá trình sinh sản, sinh trưởng của các loài hải sản; đe dọa tính mạng ngư dân, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của một số ngư dân nghèo làm nghề thủ công, truyền thống ven bờ và gây bất bình trong cộng đồng ngư dân.
Ngư dân Hồ Nguyên Quản cho biết: “Khi chưa có tàu giã cào, nguồn hải sản ở đây rất phong phú, mỗi đêm đi biển của chúng tôi cũng đánh bắt được 4-5kg hải sản các loại, thu nhập cả triệu đồng. Nay nạn giã cào hoành hành, nguồn hải sản dần cạn kiệt, may mắn lắm thì mỗi đêm kiếm được gần 1kg, thậm chí có hôm chỉ được vài con”.
Chỉ đôi tàu hành nghề giã cào gần bờ, ông Lưu Đình Thưởng, Phó Chủ tịch xã Nghi Tiến, bức xúc: Các tàu giã cào hoạt động cách bờ chưa đến 10 hải lý, có khi gần hơn nhiều. Theo quy định, những tàu này đâu được phép khai thác gần bờ. Mặc dù chúng tôi cùng với ngư dân đã nhiều lần báo cơ quan chức năng nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn. Nhiều tàu có công suất lớn, hiện đại cứ ngang nhiên hành nghề giã cào ở tuyến bờ, tuyến lộng.
Để bảo vệ quyền lợi của ngư dân, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng trên, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản ven bờ, đồng thời, góp phần giúp bà con bãi ngang có điều kiện bám biển, phát triển kinh tế.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.