Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 9 tháng 4 năm 2017 | 9:55

Khép kín dây chuyền chế biến: Lối mở cho cây mắc ca

Từ lò rang sấy thủ công quy mô hộ gia đình, anh Đỗ Đình Dũng ở thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng - Lâm Đồng) đã tự nghiên cứu thiết kế, bổ sung hoàn chỉnh dây chuyền chế biến mắc ca đạt chất lượng an toàn thực phẩm.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm dây chuyền chế biến mắc ca của Công ty TNHH Việt Xanh.

Sau 3 năm hoạt động, sản phẩm mắc ca mang thương hiệu Việt Xanh Lâm Đồng đã cung cấp theo đơn đặt hàng từ các hệ thống siêu thị cao cấp trong nước, đồng thời đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Khởi nghiệp với chiếc lò sấy mắc ca vài triệu đồng

Hàng năm, vào các tháng 3 - 4 - 5, vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng chỉ thu hoạch mắc ca nghịch mùa với phạm vi diện tích rải rác nhiều nơi, dẫn đến việc thu mua sản lượng phục vụ chế biến cho Công ty TNHH Việt Xanh (thị trấn Liên Nghĩa) vẫn ở mức hạn chế so với công suất thiết kế của dây chuyền máy móc.

Tôi đến tham quan dây chuyền chế biến mắc ca khép kín của Công ty Việt Xanh khi vừa kết thúc tháng 3/2017 và chỉ hoạt động sản xuất không quá 7 ngày. Giám đốc Công ty Việt Xanh, anh Đỗ Đình Dũng, xác định: “Hàng năm, vùng nguyên liệu mắc ca Tây Nguyên thu hoạch chính vụ kéo dài trong 3 tháng 8 - 9 và 10. Còn mùa nghịch thu lác đác các tháng 3 - 4 - 5. Trong năm qua, mỗi ngày, công ty chúng tôi thu mua khoảng 2 tấn hạt mắc ca tươi mùa chính vụ và 1 tấn tươi mùa nghịch vụ. Trong đó, 40% sản lượng được thu mua trực tiếp từ người dân Lâm Đồng….”.

Theo tỷ lệ chế biến “2 tươi” thành “1 nhân” chế biến, Công ty Việt Xanh đã và đang cung ứng 2 dòng sản phẩm hút hàng tại hệ thống siêu thị cao cấp thuộc 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đó là dòng sản phẩm “hạt mắc ca nguyên vỏ tách nứt” và “hạt nhân mắc ca sấy” đều phân phối qua hợp đồng đặt trước nhiều tháng, vì vậy, Công ty Việt Xanh gần như không còn sản phẩm bán ra cho thị trường tiêu dùng địa phương.

Đến nay, với dây chuyền thiết bị hoàn chỉnh giá trị đầu tư khoảng 4 tỷ đồng, tọa lạc trên diện tích hơn 250m2 ở thị trấn Liên Nghĩa, Công ty Việt Xanh mới vận hành hết công suất chế biến 1 tấn hạt mắc ca thành phẩm mỗi ngày trong 3 tháng thu hoạch chính vụ. Riêng 3 tháng nghịch vụ, công ty chỉ chế biến hơn 500kg hạt mắc ca thành phẩm mỗi ngày. Tất cả đều chung một nguyên nhân: Thiếu nguồn nguyên liệu.

Nhưng đây lại là bước tiến vượt trội của Công ty Việt Xanh bởi 3 năm trước chỉ có một chiếc lò sấy hạt mắc ca trị giá vài triệu đồng. Anh Đỗ Đình Dũng bấy giờ vừa làm kỹ thuật viên rang sấy, vừa đi khắp nơi biếu tặng, giới thiệu sản phẩm hạt mắc ca chế biến thủ công của mình cho khách hàng thân quen, từ đó tiếp nhận những ý kiến đóng góp phản hồi về bổ sung tiêu chuẩn chất lượng. “Phải mất 100 ngày ròng rã gia đình chúng tôi mới thay đổi, điều chỉnh cơ bản quy trình rang sấy vừa đủ độ chín, thơm, giòn mà vẫn giữ nguyên vẹn chất lượng và mùi hương tự nhiên của hạt mắc ca để thâm nhập thị trường…”, anh Dũng kể lại. 

Liên kết với 500 hộ nông dân trồng mắc ca Lâm Đồng

Kết quả rang sấy thử nghiệm thành công nguyên liệu hạt mắc ca tươi từ chiếc lò thủ công công suất mỗi ngày vài chục kilôgam tăng lên vài trăm kilôgam, đưa ra kinh doanh được thị trường ưa chuộng, anh Dũng tích cực nghiên cứu, thiết kế mô hình sản xuất khép kín các thiết bị máy móc. Sau đó, anh mạnh dạn đưa bản vẽ thiết kế dây chuyền thiết bị này đến các nhà máy cơ khí trong nước để chế tạo, vận chuyển về thị trấn Liên Nghĩa lắp đặt vận hành ổn định đến nay.

 Hiện tại, với dây chuyền máy móc hoạt động chế biến mắc ca đạt chất lượng an toàn thực phẩm, Công ty Việt Xanh đã mở rộng liên kết với khoảng 500 hộ nông dân canh tác cây mắc ca xen canh với cây chè, cà phê ở Lâm Đồng, thuộc địa bàn các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc; mỗi hộ trồng xen canh trung bình khoảng 100 cây mắc ca ghép.

Trong đó, 35% số hộ có vườn mắc ca đang trong thời kỳ kinh doanh; còn lại 65% số hộ có vườn mắc ca bắt đầu thu hoạch bói năm thứ nhất. Hình thức liên kết là Công ty Việt Xanh cung cấp nguồn cây giống mắc ca ghép đầu dòng (sản xuất từ Công ty Vinamacca Tây Nguyên), tư vấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá cao nhất thị trường.

Phần lớn sản phẩm mắc ca thu hoạch của hộ nông dân liên kết với Công ty Việt Xanh đều chọn thời điểm rụng xuống tự nhiên rồi thu gom đưa vào máy tách vỏ xanh trong ngày. Tiếp theo bảo quản hạt mắc ca nguyên liệu trong túi lưới, treo nơi thoáng mát từ 2- 3 tháng, tránh ánh nắng trực tiếp. Đưa về Công ty Việt Xanh qua hệ thống hút gió tự nhiên một lần nữa trước khi chế biến ở dây chuyền máy móc khép kín từ phân loại rang sấy, cưa cắt tách nứt đến đóng hộp, in ấn thời hạn sử dụng, dán nhãn mác xuất xưởng…

Giám đốc Đỗ Đình Dũng hạch toán, theo giá thị trường tháng 4/2017, 1kg mắc ca nguyên liệu khoảng 100.000 đồng, nhân với năng suất trồng xen đạt trung bình 3,5 tấn/ha, doanh thu đạt 350 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân thu lãi 300 triệu đồng/ha/năm. Đây là con số lợi nhuận khá sát thực, đáng được tham khảo đối với nông dân vùng cây công nghiệp Lâm Đồng, đặc biệt trong giai đoạn dự báo nguồn nguyên mắc ca chế biến vẫn còn thiếu hụt rất lớn theo nhu cầu chiến lược trước mắt cũng như lâu dài.

Văn Việt

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top