Trên quần đảo Trường Sa, những âu tàu như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Núi Le, Tốc Tan chính là những điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ.
Trên quần đảo Trường Sa, những âu tàu như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Núi Le, Tốc Tan chính là những điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. Nhiệm vụ chủ yếu của các trung tâm này là cung ứng dịch vụ hậu cần, sửa chữa, thay thế vật liệu tàu cá, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn, giữ vững môi trường hòa bình, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác đánh bắt hải sản.
Phục vụ miễn phí vì ngư dân
Xuất phát từ nhu cầu sửa chữa tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định… chẳng may bị hỏng hóc khi đang khai thác, đánh bắt thủy - hải sản trên vùng biển đảo Trường Sa, từ cuối tháng 11/2016, Hải đoàn 129 Hải quân (Vũng Tàu) chính thức đưa vào vận hành sử dụng ba trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật.
Ba trung tâm này được đặt tại ba âu tàu ở đảo Sinh Tồn và 2 làng chài tại đảo Núi Le và đảo Tốc Tan. Nhiệm vụ chủ yếu của ba trung tâm là cung ứng dịch vụ hậu cần, sửa chữa, thay thế vật liệu tàu cá, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn, giữ vững môi trường hòa bình, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác đánh bắt hải sản.
Khó có thể nói hết khó khăn trong những ngày đầu xây dựng, song ngay sau khi đưa vào sử dụng, cả ba âu tàu đều phát huy được tác dụng. Các âu tàu thường xuyên tiếp nhận nhiều lượt tàu cá của ngư dân bị hỏng hóc vào sửa chữa và thay thế vật liệu miễn phí, bảo đảm an toàn cho các ghe tàu bám biển vươn khơi.
Một trong ba âu tàu thường xuyên tiếp nhận, sửa chữa hỏng hóc miễn phí cho ngư dân là Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn. Điển hình là vụ sửa chữa ngày 23/12/2017. Lúc đó vào khoảng 15 giờ. Trong khi những “lính thợ” ở đây đang làm nhiệm vụ thì nhận được lệnh tiếp nhận tàu câu cá ngừ đại dương Bình Định số hiệu BĐ 95662TS bị gãy trục các đăng. Trên tinh thần “vì ngư dân phục vụ”, những người lính thợ bắt tay ngay vào công việc. Sau hơn 10 giờ tích cực sửa chữa, tiếng máy tàu BĐ 95662TS nổ giòn tan trong niềm xúc động của những ngư dân và niềm vui của những người lính thợ.
Chủ tàu cá kiêm thuyền trưởng Lê Công Chương (Tam Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định) nắm chặt tay từng cán bộ nhân viên. Ông chỉ biết nói lời cảm ơn trong rưng rưng xúc động. Trước khi tàu cá tiếp tục ra khơi, những người “lính thợ” ở đây còn cấp cho tàu cá BĐ 95662TS 200 lít nước ngọt và động viên ngư dân yên tâm bám biển.
Phó Hải đoàn trưởng về kinh tế, Thiếu tá Lê Thanh Sơn cho biết: Với kết cấu hiện đại, quy hoạch tập trung rộng hơn 3,6ha; sâu gần 5m, đầy đủ cơ sở hạ tầng như đèn chiếu sáng, bờ kè dài vững chắc, âu tàu đảo Sinh Tồn có thể tiếp nhận đến 100 ghe tàu của ngư dân vào trú tránh bão và sửa chữa.
“Tất cả các ghe tàu vào đây đều được giúp đỡ sửa chữa, cấp nước ngọt. Những vật liệu nhỏ được thay thế miễn phí, thợ tay nghề tốt, sửa chữa nhiệt tình, trách nhiệm. Âu tàu thực sự là điểm tựa của ngư dân”, Thiếu tá Lê Thanh Sơn nhấn mạnh.
Hiện đại hóa các âu tàu
Đến bây giờ, ông Lê Công Chương vẫn bồi hồi khi nhắc lại thời điểm được cán bộ nhân viên, lính thợ ở Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật Đoàn 129 ở đảo Sinh Tồn sửa chữa tàu cá. Qua điện thoại từ một đồng nghiệp cung cấp, giọng ông Chương xúc động bảo, lúc tàu cá của ông bị vỡ trục các đăng còn cách đất liền chừng 200 hải lý và trôi dạt trên biển. Trước khi được hai tàu cá bạn cùng quê Bình Định lai kéo vào âu tàu đảo Sinh Tồn, ông đã phát tín hiệu cấp cứu. Một tàu hàng của nước ngoài xuất hiện ngay sau đó nhưng không cứu, vì tàu không có người gặp nạn.
“Khi được hai tàu bạn kéo vào âu tàu Sinh Tồn, rồi được các anh ở đó sửa chữa miễn phí, đúng là tui mừng rơi nước mắt. Không có các đồng chí ở Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn, tàu chúng tôi phải vào đất liền, tốn kém xăng dầu, ngày công lao động cả trăm triệu đồng. Tui cũng thông báo cho các tàu bạn về âu tàu này rồi. Các chiến sỹ luôn sẵn sàng giúp đỡ. Bây giờ đi đánh bắt hải sản, chúng tui hoàn toàn yên tâm. Nếu gặp nạn, phát tín hiệu cấp cứu liền, nếu tàu hỏng máy sẽ vào các âu tàu để sửa chữa”, ông Chương hồ hởi nói.
Hiện, trên quần đảo Trường Sa, những âu tàu như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Núi Le, Tốc Tan thực sự là điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. Trong tương lai gần, những âu tàu này sẽ được hiện đại hóa, đủ sức chứa hàng ngàn tàu lớn nhỏ đến trú tránh bão tố. Các âu tàu có thể sửa chữa tàu có công suất lên đến 2.000 DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải 1.000 - 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão và thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật.
Được biết, đến năm 2020, quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa sẽ có 6 khu neo đậu kết hợp cảng cá tại các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Đá Tây, Nam Yết, Phan Vinh. Ngoài ra, khu bảo tàng biển cũng đi vào hoạt động.
Ngoài âu tàu ở các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Núi Le, Tốc Tan, còn có âu tàu ở đảo Đá Tây. Đây là âu tàu thuộc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá của Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam.
Ông Mai Khả Dục, thợ sửa tàu có thâm niên 27 năm cho hàng trăm lượt ghe tàu cho ngư dân ở vùng biển đảo này cho biết, tính bình quân mỗi quý các âu tàu này sửa chữa, cung ứng vật tư nghề biển cho hàng chục ghe tàu. Ngoài ra, trung tâm dịch vụ này cũng thu mua hải sản của ngư dân và sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn bất cứ trong điều kiện thời tiết nào.
“Khi biển có bão tố, tất cả các tàu cá của ngư dân đều có thể vào âu tàu tránh bão. Nếu bị hỏng máy, hoặc tai nạn lao động, ngư dân cũng đến đây. Chúng tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ và sửa chữa miễn phí giúp ngư dân yên tâm bám biển”, ông Dục nhấn mạnh.
Giữa những dãy núi trùng điệp, những con đường đất gồ ghề, cậu học sinh nghèo hiếu học Giàng A Ký (dân tộc Mông) đã nuôi một ước mơ trở thành bác sĩ để chăm sóc và cứu giúp người dân nơi quê nhà. Đối mặt với khó khăn của cuộc sống, đã có lúc, Ký tưởng mình phải bỏ cuộc giữa chừng. Cho đến khi hy vọng được gieo mầm từ Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin…
Hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nén đau thương cùng nhau nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trong sự sẻ chia của đồng bào khắp mọi miền đất nước.
Ngày 11/10, tại thành phố Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan đại diện của Liên hợp quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai (13/10) với chủ đề: “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai”.