Biển Hà Tĩnh từ cuối tháng 4 đến nay không còn sôi động như xưa. Sau cú sốc về sự cố môi trường biển khiến ngư dân, ngành du lịch biển thất thu và hàng nghìn người lao động thất nghiệp với muôn vàn khó khăn trước mắt.
Vẫn đau đáu một tình yêu với biển
Đại bộ phận ngư dân từ Cửa Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên)… những nơi mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cháy bỏng một tình yêu với biển. Họ vẫn cần mẫn ra khơi dù bữa được, bữa mất, bữa đi, bữa bỏ, nhưng bởi đó là nghề gắn bó bao đời, không chỉ vì mưu sinh mà phần nhiều nhớ biển. Với họ, biển luôn là nhà, là nguồn sống bất tận cho dù có những lúc “biển chết”, không còn cá tôm.
Ngư dân Đậu Xuân Lanh (ngụ xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh) tâm sự: “Mấy chục năm nay sống bám biển, giờ lên bờ, xa biển, không biết làm gì mà sống. Giờ chỉ mong biển sớm sạch trở lại, hải sản an toàn khôi phục niềm tin người tiêu dùng để ngày ngày còn ra khơi”.
Biển Thạch Hải vắng tanh giữa mùa hè
Đứng trước biển anh Lanh kể rằng trước đây biển sạch, cá, tôm, ốc nhiều lắm. Ngày ngày, chồng vác lưới ra biển là có ngay hải sản sạch để ăn và cho vợ đi bán kiếm thêm thu nhập. Giờ hải sản ít, đánh bắt về bán rẻ cũng không ai mua vì sợ nhiễm độc. Nhà không có ruộng vườn, mấy chục năm nay sống được là nhờ vào biển, giờ biển ô nhiễm không biết những ngày tháng sắp tới sẽ sinh sống ra sao, hai vợ chồng lo đến mất ăn, mất ngủ vì chẳng biết lấy đâu ra tiền cho con cái chuẩn bị nhập học.
Vợ anh tiếp lời từ ngày biển khó, lâu lâu nhớ biển anh lại ra khơi để vừa giữ nghề vừa tránh cho thuyền bị hư hỏng. Trước đây, cứ vào thời điểm này, ban đêm, ngoài biển tấp nập, người người phấn khởi vì được nhiều tôm, cá. Đâu như bây giờ...
Trong khi đó, anh Trần Công Hoan (Xuân Hòa, Thạch Bằng, Lộc Hà) là chủ một chiếc thuyền có công suất 20 CV - công cụ nuôi sống không những gia đình anh mà còn nhiều người khác theo anh đi bạn. Những năm trước, vào dịp này, thuyền liên tục bám biển, cá lúc nào cũng đầy ắp khoang, cập bờ là lái buôn đã chờ sẵn thu mua, bán xong lại ra khơi. Giờ mỗi chuyến ra khơi thì may lắm mới đủ chi phí. “Nghề biển chỉ trông chờ vào mùa này để dành dụm cho mùa đông nên dù biết biển “hèn” cũng phải gắng mà đi, biết đâu lại được nhiều tôm, cá, vốn liếng tích cóp được vợ chồng tôi đã đầu tư hết vào chiếc thuyền này, nếu không đi cũng sợ hỏng thuyền” – anh Hoan chia sẻ.
Bữa cơm thiếu cá tôm
Có mặt tại biển Xuân Hải (Thạch Bằng, Lộc Hà), chúng tôi ngỡ ngàng trước khung cảnh quá đỗi vắng lặng đến tái tê. Một dãy bờ biển dài mênh mông cát trắng chỉ có lác đác vài người bán hàng, không có ai tắm biển. Những dãy ô che, ghế nghỉ không có người ngồi, phao bơi chất đống bên bờ. Hàng chục kiốt, nhà hàng dọc biển vắng tanh vắng ngắt. “Năm ngoái, vào dịp này biển Xuân Hải chật cứng, suốt 4 tháng nay, sáng nào cũng mở quán ra, tối đóng lại mà không có khách nào ghé. Bởi lẽ, ai cũng sợ hải sản nhiễm độc, không dám ăn. Ở đây, quán nào cũng như vậy cả”, anh Trần Đình Nhu, một chủ nhà hàng ở biển Xuân Hải rầu rĩ chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Bính, Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng, cho biết: "Người dân sợ cá nhiễm độc nên ngư dân đánh bắt về rất khó bán, nếu bán được giá cũng không được như xưa, các hộ làm du lịch hàng quán kinh doanh hải sản vắng tanh, ngư dân lâu nay vốn gắn liền với biển nên việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ không hề dễ dàng, đặc biệt với lao động lớn tuổi. Chỉ mong Chính phủ, tỉnh sớm có hướng giải quyết để ổn định đời sống cho người dân, người dân có thể yên tâm ăn hải sản".
Còn ở xã vùng biển Cẩm Nhượng, thời điểm này, chính quyền địa phương cũng đang trăn trở với bài toán việc làm cho gần 10.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 4.000 lao động trực tiếp trên biển và hàng nghìn lao động khác dựa vào biển để mưu sinh.
Các nhà hàng, quán ăn hải sản khốn đốn giữa mùa hè vì không có khách
Bà Thân Thị Nghị, Giám đốc khách sạn Thiên Ý, cho biết, sau sự cố môi trường ngành du lịch lâm vào tình cảnh “sống dở chết dở. Chúng tôi khốn đốn ngay giữa mùa hè. Bãi biển nào cũng vắng như “chùa bà Đanh”, chúng tôi muốn chính quyền trả lời sớm nhất độ an toàn về biển và hải sản để khách yên tâm về biển Thiên Cầm. Đề nghị, khoản đền bù do Formosa chi trả về sự cố môi trường cũng cần được xem xét để hỗ trợ các DN kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn... trong thời gian chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố.
Khác với những mùa biển trước, cánh đàn ông Thạch Kim, Lộc Hà chiều chiều quanh quẩn ở nhà. Một số người đi Sài Gòn, ra Hà Nội và các tỉnh khác kiếm kế sinh nhai. Với họ, giờ cá, tôm đã cạn nên chẳng đi biển làm gì cho lỗ công. Mấy tháng nay, không thể ra khơi đánh cá, ông Bình, ngư dân Thạch Kim nhớ biển quay quắt. Đất chật, người đông, không có đất nông nghiệp, biển chết, những ngư dân như ông thành người thất nghiệp, phải đối mặt vô vàn khó khăn.
Người dân thất nghiệp và vẫn sốc sau sự cố môi trường biển
Theo ông Bình, dù rất thèm cá nhưng gia đình ông và các ngư dân vẫn chưa dám ăn vì sợ nhiễm độc. “Bao năm sống với biển, lớn lên nhờ con cá, bữa ăn mà thiếu cá tôm, chúng tôi thèm lắm. Dù đã nghe công bố nước biển miền Trung “đạt chuẩn” để tắm và nuôi thủy sản nhưng nói thật giờ chẳng ai dám ăn vì sợ nhiễm độc, ảnh hưởng sức khỏe” - ông Bình lo lắng.
Nỗi buồn đang ngự trị trong nhiều xóm chài ở các tỉnh miền Trung. Những buổi chiều muộn nhìn ra biển, trong ánh mắt khắc khoải của các ngư dân như tự hỏi: “Bao giờ biển thật sự sạch trở lại, bao giờ có thể yên tâm ăn cá tôm?”.
Trà Giang
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.