Ông Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long cho biết, Hoàng thành Thăng Long sẽ cho người dân và du khách tham quan các dấu tích khảo cổ học mới phát lộ và được khai quật trong thời gian gần đây vào dịp Tết Đinh Dậu.
Tại Lễ khai mạc chương trình Tết Đinh Dậu, ông Trần Việt Anh chia sẻ rằng, 13 năm nay, các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, phát hiện nhiều dấu tích di sản qua các tầng từ thời Đại La, Lý, Trần, Lê Trung hưng, Lê sơ, Nguyễn… đến thời hiện đại. Công cuộc khảo cổ này một phần để sáng tỏ nơi ngự trị của các triều đại suốt 13 thế kỷ, đồng thời cũng để phục vụ công tác nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên.
“Tuy nhiên, do công tác bảo quản hiện vật chưa đảm bảo điều kiện, nên sau mỗi năm khai quật, các nhà khảo cổ lại lấp cát các hố khai quật nhằm giữ nguyên hiện trạng. Ngoài giới chuyên môn, rất ít công chúng được chiêm ngưỡng khối di sản dưới lòng đất này. Mới đây, UBND TP. Hà Nội cho phép mở cửa các hố khai quật để du khách được tham quan và việc này sẽ được thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán 2017”, ông Việt Anh nói.
Các hố khảo cổ khai quật trong khuôn viên di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: TL.
Theo ông Việt Anh, trong dịp này, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ phục vụ khách tham quan khu vực di tích khảo cổ học mới phát lộ với nhiều tầng văn hóa đa dạng và các dấu tích khảo cổ học tiêu biểu như: dấu tích kiến trúc thời Lê Trung Hưng và thời Lý; dấu tích bó nền gạch, đường đi lát gạch; dấu tích kiến trúc thời Lý; hệ thống bó nền gạch, sân gạch vồ; dấu tích bó nền hoa chanh thời Lê sơ; dấu tích đường nước thời Lý… Đồng thời tái hiện không gian dâng hương điện Kính Thiên, giúp du khách có những hình dung ban đầu về kết quả nghiên cứu điện Kính Thiên trong thời gian qua, từ đó tiếp tục nghiên cứu hoàn trả không gian Điện Kính Thiên trong tương lai.
Bên cạnh đó, từ ngày 20/1 đến 28/2/2017, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các nhà sưu tầm, các nghệ nhân, các làng nghề truyền thống để trưng bày, giới thiệu những bộ sưu tập hiện vật độc đáo tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Triển lãm Tranh Tết truyền thống Việt Nam giới thiệu 3 dòng tranh dân gian Việt Nam tiêu biểu là tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ qua bộ sưu tập của Bảo tàng gốm sứ Hà Nội; Triển lãm Triều phục Việt Nam giới thiệu bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trịnh Bách và Trinh Family Foudation với 15 bộ triều phục của chúa Trịnh và vua Nguyễn như: Áo Ngự hàn Viên Long của Chúa Trịnh; Áo Đoạn kép của Chúa Trịnh; Hoàng (Long) Bào Đại Triều mùa Xuân - Hạ của Hoàng đế; Áo Cát Phục Viên Long của Vua Đồng Khánh…
Thông qua bộ sưu tập sẽ giúp du khách tìm hiểu về nghệ thuật thêu may truyền thống Việt Nam, cảm nhận sự tài hoa, khéo léo của người thợ thủ công và nét độc đáo, tinh xảo của trang phục cung đình truyền thống.
Triển lãm ảnh di sản Việt Nam giới thiệu 100 tác phẩm xuất sắc được lựa chọn từ cuộc thi ảnh di sản Việt Nam, đem đến cho người xem những cảm xúc chân thực về vẻ đẹp của đất nước, quê hương, con người Việt Nam muôn màu, muôn vẻ và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Vào dịp Tết Đinh Dậu, Hoàng thành Thăng Long sẽ tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi.
Tại sân Đoan Môn được trang trí một số mô hình tiểu cảnh hoa với hình ảnh Rồng chầu, hình ảnh giỏ hoa và biểu tượng Cung chúc tân xuân, kết hợp trưng bày cây ảnh nghệ thuật với nhiều dáng thế độc đáo như “Ngũ phúc”, “phượng bay”, “huynh đệ”, “rồng sa”, “sóng đôi”, “ long hội”, “phượng vũ”, tạo hiệu ứng màu sắc, hình ảnh tươi đẹp của mùa xuân, tạo thêm không gian để du khách tham quan, chụp ảnh.
Trong những ngày đầu xuân, du khách đến Hoàng thành Thăng Long cũng sẽ được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như: lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế; biểu diễn múa rối nước tạo không khí vui tươi, ấm áp, giàu bản sắc văn hóa của mùa xuân mới.
Theo Hà Tùng Long/Dantri.com.vn
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.