Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 4 năm 2022 | 16:1

Người dân Sóc Sơn “bức xúc” vì trạm bê tông Thăng Long gây ô nhiễm môi trường

Người dân xã Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) bức xúc trước việc doanh nghiệp tự ý xây dựng trạm trộn bê tông trên đất nông nghiệp, vi phạm quy định hành lang an toàn đê điều, quy định về bảo vệ môi trường…

Ngang nhiên hoạt động chui

Mới đây, nhiều hộ dân tại xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) phản ánh tới báo chí về việc trạm trộn bê tông của Công ty Thăng Long xả thải gây ô nhiễm trực tiếp đến môi trường; Tình trạng xe bê tông trọng tải lớn quần nát tuyến đê; Bê tông thừa không được thu gom, xử lý mà đổ thẳng ra chân đê gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty Thăng Long xây dựng bến bãi tập kết than, quặng, VLXD, trạm bê tông tươi trên diện tích hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp tại cánh đồng Soi Phủ thôn An Lạc, xã Trung Giã tiếp giáp phía bên mặt ngoài đê ven sông Cầu.

Ghi nhận tại hiện trường, nơi đây giống như một công trường đang hoạt động rầm rầm với nhiều máy móc, xe cộ, trang thiết bị hiện đại... và hàng chục xe bồn bê tông trọng tải lớn gắn mác “GẠCH KHÔNG NUNG THĂNG LONG” đang đỗ trước khu vực trạm trộn bê tông thương phẩm. Đáng chú ý, bê tông thừa không được thu gom, xử lý mà đổ thẳng ra chân đê, hồ nước tưới tiêu nông nghiệp của người dân gây ô nhiễm nghiêm trọng.

 

9847-1650459475-z3353823319460-1a7e5367664543e3ed9e9ee96ff22228.jpg
Trạm trộn bê tông gắn mác "GẠCH KHÔNG NUNG THĂNG LONG" của công ty Thăng Long.

 

Có mặt nhiều ngày tại tuyến đường tỉnh 296 kết nối huyện Sóc Sơn với huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang gần khu vực ra vào trạm trộn bê tông Thăng Long hoạt động, PV tận mắt chứng kiến hàng loạt các xe bồn trọng tải lớn ra vào liên tục, con đường vào trạm bụi bay mù mịt trong những ngày nắng, những ngày mưa thì bùn đất nhão nhoét rơi vãi khắp nơi khiến ai cũng phải lắc đầu ngao ngán.

Trước thực trạng tập kết VLXD, trạm trộn bê tông lấn chiếm hành lang đê điều không đủ điều kiện hoạt động của Công ty Thăng Long đang hoạt động tại khu đất trên, đe dọa nghiêm trọng hành lang bảo vệ đê sông Cầu. PV Tòa soạn Môi trường và Đô thị Viêt Nam điện tử đã liên hệ làm việc với UBND xã Trung Giã, ông Khổng Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã cho biết việc trạm bê tông Thăng Long hoạt động là có giấy phép, khi PV đề cập cung cấp tài liệu liên quan thì ông Hoàn lại từ chối vì đang bận giải quyết đơn thư của công dân và sẽ kiểm tra lại và thông tin cho PV sau.

Tại một thời điểm khác, PV tiếp tục liên hệ với ông Hoàn, ông Hoàn lại cho hay: “Vì anh mới chuyển sang làm Chủ tịch UBND xã được mấy tháng nên cũng rõ thông tin về trạm trộn này và đang cho văn phòng kiểm tra lại và cung cấp cho PV sau”.

Được biết ngày 11/5/2021, ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đã ký Quyết định số 1656/QĐ-UBND, quyết định Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại khu vực bãi sông, ngã ba sông Công, sông Cầu thuộc địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn.

Công khai hoạt động là vậy, thế nhưng mọi hoạt động của trạm bê tông không đủ điều kiện cấp phép hoạt động của Công ty Thăng Long vẫn đang diễn ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng không thể xử lý, xóa mối nguy cho người dân?

Không chỉ vậy, hiện dư luận còn đặt ra nghi vấn có sự dung túng, bao che của cơ quan chức năng địa phương cho trạm bê tông của Công ty Thăng Long này vẫn tiếp tục tồn tại trong nhiều năm liền và ngang nhiên hoạt động… chui?

Hà Nội kiên quyết đình chỉ hoạt động các công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường

UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 1137/UBND-ĐT về việc tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiệm vụ "Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh" theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) hoàn thành trong năm 2022.

Trên cơ sở đó, Sở tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ và hướng dẫn các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, tiếp tục triển khai công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Các đơn vị thuộc Sở hoàn thiện và vận hành ổn định, liên tục hệ thống quan trắc chất lượng không khí nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho người dân trên địa bàn thành phố.

Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo đảm xóa bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố trong năm 2022; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng nơi quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Thành phố giao Sở Xây dựng kiểm tra các điểm đổ, tập kết chất thải rắn xây dựng và các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình xây dựng có quy mô lớn trên địa bàn các quận. Thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng vi phạm, để phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường và đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định.

Sở Giao thông Vận tải triển khai hiệu quả Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030"...

Trên cơ sở thông tin chất lượng không khí của thành phố, Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND thành phố phương án phân luồng, hạn chế giao thông trong những ngày không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng...

Đặc biệt, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra tình trạng sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ trên địa bàn.

Từ năm 2026, nhà bán lẻ cung cấp túi nylon dùng một lần sẽ bị xử phạt

Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết dự kiến từ năm 2026, nhà bán lẻ cung cấp túi nylon sử dụng một lần cho khách hàng sẽ bị xử phạt. Do vậy, việc mở rộng Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nylon dùng một lần tại Việt Nam, với sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà bán lẻ trên phạm vi cả nước là điều rất cần thiết.

Thông tin thêm tại hội thảo tổng kết Dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nylon dùng một lần tại Việt Nam,” diễn ra ngày 20/4, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết ô nhiễm rác thải nhựa được coi là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất.

Theo Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, trung bình, số lượng túi nylon sử dụng một lần tại các siêu thị Việt Nam, hiện chiếm khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi nylon/năm (trong đó 46/48 siêu thị đang cung cấp túi nylon miễn phí; trung bình, mỗi siêu thị tiêu thụ khoảng 1.454 túi nylon mỗi ngày).

 

lachuoi1.jpg
Nhiều siêu thị đã cam kết sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nylon. (Ảnh: TTXVN phát)

 

Các sản phẩm từ nhựa, túi nylon ra đời đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, do đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, túi nylon sử dụng một lần đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.

Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường, từ năm 2020, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Sở Công thương thành phố Hà Nội đã triển khai dự án “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nylon dùng một lần,” nhằm thiết lập, vận hành liên minh các siêu thị để cùng đưa ra các giải pháp giảm thiểu việc sử dụng túi nylon dùng một lần tại các siêu thị và chuyển sang sử dụng túi thân thiện với môi trường hơn. Trong khuôn khổ dự án trên, Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nylon đã được thành lập với sự tham gia của 16 thành viên trên địa bàn Hà Nội.

Trong thời gian qua, dự án đã phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương thành phố Hà Nội và các nhà bán lẻ triển khai các hoạt động như ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các thành viên của liên minh; huy động được sự tham gia của nhiều sáng kiến liên quan đến giảm chất thải nhựa, qua đó từng bước thay đổi hành vi của khách hàng.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội khẳng định việc triển khai các hoạt động của liên minh đã góp phần thực hiện Kế hoạch 266/KH-UBND ngày 25/11/2021 về thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2022 trên địa bàn.

Với những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường bày tỏ trong thời gian tới sẽ tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của các bộ, ngành và địa phương, cũng như các nhà tài trợ để mở rộng Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nylon không chỉ trong địa bàn Hà Nội mà trên cả nước.

Trước mắt, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường sẽ phối hợp với Sở Công thương Hà Nội và các đơn vị bán lẻ triển khai kế hoạch “Ngày không sử dụng túi nylon;” triển khai hoạt động truyền thông thay đổi hành vi của khách hàng trong giảm túi nylon sử dụng một lần; thực kiện kế hoạch giảm thiểu túi nylon trong cả hệ thống./.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top