Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 10 năm 2020 | 14:55

Người dân vùng lũ Hà Tĩnh rũ bùn làm lại từ đầu

Lũ đi qua, tất cả những gì còn lại là một đống bùn lầy, người mất, núi lở, nhà sập, tài sản bị lũ cuốn trôi... Người dân vùng lũ Hà Tĩnh đang phải gắng gượng đứng lên rũ bùn làm lại từ đầu…

t30.jpg
Lúa mọc mầm, lấm lem bùn đất để lại bên đường, dân vùng lũ không còn sức để phơi dọn.

 

Sớm ổn định cuộc sống cho người dân

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, mưa lũ đã khiến 6 người tử vong, 42.456 hộ/151.288 người bị ảnh hưởng. Tài sản của nhân dân tại các xã bị ngập sâu, thiệt hại rất lớn. Cùng với đó, có 132ha lúa mùa, nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu; 2.317ha nuôi trồng thủy sản bị ngập và thiệt hại; 40 trạm y tế, 1 bệnh viện bị ngập lụt, hư hỏng nghiêm trọng; nhiều hóa chất, thuốc men, trang thiết bị bị thiệt hại, đặc biệt tại BVĐK huyện Cẩm Xuyên. Người dân vùng lũ vẫn đang phải chịu cảnh thiếu nước, mất điện, nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh phát sinh trầm trọng sau lũ.

Vừa chở đống lúa mọc mầm tua rủa ra phơi, ông Phạm Văn Nhân (thôn Nam Bắc Thành, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên) vừa chảy nước mắt khi mọi của cải gia đình tích góp bao năm đã trôi theo dòng nước bạc vô tình.

“Còn 20 bì lúa trữ để ăn đến mùa giáp hạt cũng mọc mầm, lúa này phơi để xay cho lợn, gà chứ người có ăn được nữa đâu. Lợn, gà cũng trôi hết, tiếc của nên tôi phơi rồi tính sau”, ông Nhân vừa nói vừa khóc.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng: Sau lũ, Hà Tĩnh tập trung giúp người dân vệ sinh, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh khu vực bị ngập lũ; Phân bổ, sử dụng nguồn hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng; củng cố sản xuất sau mưa lũ. Tỉnh sẽ sớm kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn giống cây, con và hỗ trợ nguồn lực khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng bị hư hại, xây dựng các trạm quan trắc, dự báo lũ và giải pháp chống ngập cho TP. Hà Tĩnh, nhằm sớm ổn định bước đầu cho nhân dân; ưu tiên cho việc sửa chữa, khôi phục trạm xá, bệnh viện, trường học để chữa bệnh và tạo điều kiện cho học sinh đến trường sớm nhất. Từng bước khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Giao thông, điện, thông tin liên lạc, công trình thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng... phục hồi sản xuất vụ Đông và vụ Đông Xuân sau lũ để cứu đói cho nhân dân. Về lâu dài sẽ kêu gọi, huy động nguồn lực để xây dựng các nhà cộng đồng giúp bà con tránh lũ.

“Qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau...”

Trong lũ dữ, tình người được sưởi ấm khi mấy ngày qua, trên facebook, nhiều đơn vị, cá nhân, đội nhóm trên địa bàn Hà Tĩnh đã đăng tin hỗ trợ, giúp đỡ người gặp nạn, cứu hộ xe cộ, cung cấp chỗ ở miễn phí, tìm chỗ nấu ăn cho người sơ tán, lực lượng cứu hộ… Những dòng thông tin ấy được nhiều người chia sẻ, khiến ai cũng thấy ấm lòng.

 

t30a.jpg

Trong cơn hồng thuỷ, những bếp lửa đượm tình yêu thương bập bùng cháy đỏ, những nồi bánh chưng, những nắm xôi vừa chín tới được người người cùng nhau “nấu” bằng cả tấm lòng để nhanh chóng đưa đến với bà con vùng lũ. Không ai nói với ai, những tấm lòng thiện nguyện cứ thế nối đuôi nhau lao vào vùng lũ.

Tính đến chiều 24/10, Hà Tĩnh đã nhận được sự ủng hộ và đăng ký ủng hộ của hơn 370 tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 40 tỷ đồng gồm tiền và hàng hóa.

Trong khó khăn, người Hà Tĩnh lại nhắc với nhau nhiều hơn về những câu hát “Quê tôi ngàn năm khó nhọc, mà sống chắt chiu câu nghĩa tình”; “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”. Thật hạnh phúc khi cái sự “hiểu tận” ấy là nghĩa đồng bào sâu nặng, là sự ấm áp của tình người….

 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top