Mặc dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, đầu óc minh mẫn. Khi kể về những trận đánh của mình, giọng ông sôi nổi, phấn khích đầy tự hào.
Một ngày cuối năm, tôi tìm về xã Duy Minh (Duy Tiên - Hà Nam) tìm gặp ông Vũ Quang Thuận, sinh năm 1937, người đã từng vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường, tham gia hơn 300 trận đánh lớn nhỏ.
Ông Thuận mãi tự hào với những năm tháng chiến trận của mình. |
Hành trình Nam tiến
Câu chuyện bắt đầu từ cuối tháng 4/1958, ông trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Lúc này, chàng tân binh của làng Ninh Lão mới 21 tuổi. Sau ba tháng huấn luyện, ông được phân công về Đại đội 1, Tiểu đoàn 17, Pháo binh 120 ly mặt đất thuộc Trung đoàn 46, Quân khu 3 Nam Định. Với phẩm chất nhanh nhẹn, luôn đạt thành tích xuất sắc trong rèn luyện, năm 1960 ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được đơn vị cử đi học lớp tiểu đội trưởng, học viết văn và sáng tác kịch của Trung đoàn 46, học lớp địa chất công trình quốc phòng.
Đầu năm 1962, ông chuyển về Ty Công nghiệp Hà Nam với cương vị Bí thư đoàn chuyên trách, Chi ủy viên Chi bộ nhà máy gỗ rồi cưới vợ sau đấy hai năm. Cũng chính thời gian này xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964), đế quốc Mỹ chính thức dùng không quân đánh phá miền Bắc.
Ngày 7/3/1965, ông nhận lệnh tái ngũ, đợi ngày Nam tiến. Ông ra trận và nhớ như in lời hứa với mẹ lúc lên đường: “Con sẽ về khi chiến tranh kết thúc”. Lời hứa ấy xuôi theo nước mắt trên gò má gầy hao của mẹ và khuất dần trong đoàn xe nhận quân.
Tháng 6/1965 đoàn quân của ông chính thức lên tàu vào Nam. Địa điểm dừng chân đầu tiên là Lệ Thủy (Quảng Bình). Đây là vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống và là nơi tập kết quân từ Bắc vào Nam chi viện cho chiến trường Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, chiến trường Bình Trị Thiên – là trạm đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn.
Từng đoàn quân, với “bước chân nát đá”, “mối thù nặng vai” leo lên từng bậc núi đá tai mèo dựng đứng điệp trùng. Lúc này, ai nấy đều mệt mỏi, đôi chân phồng rộp. Cứ thế, vừa đi vừa nghỉ, càng vào gần Nam, cảnh chiến tranh càng tàn khốc, hai bên đường hành quân nhiều đoạn trống vắng, cây cối ngổn ngang một màu đen do bom đạn đốt cháy, những hố sâu rộng hàng chục mét cày xới tung tóe từng gốc cây, nhuộm một màu đỏ quạch của đất đỏ ba gian.
Đối mặt quân thù
Ông vẫn nhớ trận đánh đầu tiên của Tiểu đoàn 7 thuộc Trung đoàn 3 Sao Vàng, Sư đoàn 22 vào đại đội Bảo an ở núi Thụ (Quảng Ngãi), do bị lộ bí mật tác chiến nên 20% quân số đã nằm lại với “đất mẹ”. Cũng từ bài học đầu tiên đó mà sau này bản thân ông và tiểu đoàn đã thận trọng hơn, từ đó ít tổn hao hơn. Với khả năng phân tích, chuẩn bị chiến trường, tổ chức cách đánh hợp lý nên ông được cấp trên tín nhiệm phong quân hàm, chức vụ. Chính sáng kiến của ông về “đánh địch công kiên có hỏa lực mạnh” đã được cấp trên đưa vào giáo trình giảng dạy chiến thuật cho bộ đội.
Từng sống chết với bao trận đánh ác liệt ở Minh Long, Núi Thụ, Hoài Nhơn, Tư Nghĩa, Đá Chẻ, Đức Phổ… nhưng có lẽ trận đánh khiến ông nhớ nhất là trận Bình Đông (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Lúc này ông là Trung đội trưởng Trung đội 1, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 22, Sư đoàn 3.
Đó là những ngày cuối tháng 6/1969, đơn vị hành quân qua làng Bình Đông, quan sát có điểm bất lợi do đây là đồng bằng, không có địa hình che khuất, địch có thể tấn công bất cứ lúc nào. Chưa dứt nỗi lo, ông bất ngờ nghe tiếng pháo, hỏa lực, cối 60 ly, xe tăng của địch tiến sát đơn vị khoảng 150 mét rồi dội đạn vào đội hình của ta.
Với cương vị đại đội trưởng lại kinh qua nhiều trận địa, ông bình tĩnh quán triệt anh em phải đợi cho xe tăng lại gần khoảng 50 mét trở lại mới được nổ súng B40, B41. Để lấy khí thế, ông dùng khẩu B40 của đồng chí xạ thủ nhằm vào chiếc xe tăng đầu đàn của địch bóp cò. Nó khựng lại bốc cháy, khói đen thành cột, lính Mỹ lùi xa, bắn liên tiếp cối M79 vào vị trí của ông. Sau phát đạn đầu ông khai hỏa, các mũi khác cũng bắn cháy thêm 2-3 chiếc xe tăng. Gần 1 tiếng đồng hồ cầm cự, đại đội của ông đã thương vong tới 1/3 quân số. Lúc này, địch lại tiếp viện thêm xe tăng và đông quân hơn. Thậm chí “chúng tôi bắn không xuể”, ông Thuận nói.
Hòng xóa sổ đại đội của ông, khoảng 15 giờ chiều, địch tiếp viện thêm lực lượng. Lần này xe tăng nhiều hơn nhưng lính bộ binh ít hơn và tiến sát vào trận địa. Nắm trước tình thế và thực lực của ta, do không còn đạn B40 và B41, hơn nữa ba máy PRC25 đều bị phá hỏng nên không liên lạc được với tiểu đoàn. Ông nghĩ ra phương án và quán triệt anh em dùng súng AK bắn tỉa những tên nhô đầu lên nóc xe tăng buộc chúng phải tụt xuống. Đồng thời, dùng đạn bắn xối xả vào đầu xe như hàng ngàn chiếc búa đinh đập vào khiến chúng bị tiếng vọng không chịu được phải lui lại.
“Không bắt được hổ”, lại thương vong nhiều, khoảng 20 giờ cùng ngày địch gần như rút hẳn, lúc này ông tranh thủ cho sơ cứu thương binh, chôn cất những người hy sinh và cho trinh sát tìm đường rút quân khỏi trận địa. Ông còn nhớ khi về đến tiểu đoàn đã 9 giờ sáng ngày hôm sau, đích thân Tiểu đoàn trưởng Phan Thao ra bắt tay, xin lỗi rồi giải thích vì máy liên lạc bị phá hỏng, cử người đến đại đội ông truyền lệnh lui quân nhưng nửa đường đã hy sinh.
Theo thống kê của trinh sát trận Bình Đông, quân ta hy sinh 56 đồng chí; số lính Mỹ tử vong khoảng 300 người, bắn cháy 10 xe tăng và một máy bay trực thăng chiến đấu.
Sau trận này, ông liên tiếp được điều 4 lần đi làm đại đội trưởng ở các tiểu đoàn trong Sư đoàn 22 với nhiệm vụ xốc lại tinh thần chiến đấu cho anh em. Tháng 7/1970 ông được phong quân hàm thượng úy và có quyết định làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9. Cũng thời gian này đơn vị của ông đưọc lệnh hành quân về tỉnh Phú Yên đánh giặc.
Đầu tháng 7/1975, ông tiếp tục tham gia đội quân tình nguyện giúp Campuchia. Đất nước hòa bình, với thành tích trên dưới 300 trận đánh lớn nhỏ, ông được giao nhiệm vụ về viết sử ở Tỉnh đội Phú Yên cuối năm 1975. Năm 1978 – 1979 ông có quyết định ra Bắc học ngành tòa án rồi về làm thẩm phán Quân đoàn 2 đến lúc nghỉ hưu (1983).
Dấu chân người lính từng qua những trận đánh ác liệt của ông Thuận và đồng đội khiến chúng tôi thực sự thán phục, càng hiểu thêm, trân trọng hơn những hy sinh của thế hệ ông cha để đất nước có hòa bình.
Nhất Nam
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.