Với ưu điểm vốn đầu tư ban đầu không lớn, không tốn nhiều nhân lực, mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Lâm Sơn (Lương Sơn - Hòa Bình) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm mật ong Lâm Sơn được ưa chuộng, là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình.
Gia đình ông Phạm Văn Hải ở xóm Kẽm đã có 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong, hiện có 130 đàn ong nội. Ông Hải chia sẻ: Nghề nuôi ong không khó nhưng phải nắm bắt được kỹ thuật nuôi, hiểu được tập tính làm việc hoạt động của con ong thì mới thấy nuôi nó đơn giản. Thứ 2 là nghề không đòi hỏi nhiều nhân lực và phù hợp với mọi lứa tuổi. Với số lượng 130 đàn ong, mỗi năm ông Hải thu trên 2 tấn mật.
Theo ông Hải, mật đạt chất lượng, thơm ngon phải kể đến loài mật từ hoa nhãn, vải và táo. Mật từ những loại hoa này có giá dao động từ 200.000 – 220.000 đồng/lít (một năm ông cũng chỉ thu được 7 - 8 tạ mật từ nhãn, vải, táo), còn lại là mật rừng, mật lá cây và được bán theo cân là chủ yếu, lúc giá cao thì được 80.000 - 100.000 đồng/kg, lúc giá thấp 35.000 - 40.000 đồng/kg, tùy thị trường và từng thời điểm. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu được khoảng 120 triệu đồng.
Mỗi năm đến mùa hoa nở, ông Hải lại di chuyển đàn đến nơi có nguồn mật dồi dào. Địa điểm ông liên hệ và di chuyển đến chủ yếu là ở Hưng Yên, Hoài Đức (Hà Nội) và thường di chuyển đàn 2 - 3 lần/năm.
Với vốn đầu tư ban đầu không lớn, không ít người đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng - vật nuôi không hiệu quả để nuôi ong. Ông Đỗ Văn Niên ở xóm Lam Sơn, nuôi 90 đàn ong, cho biết: Nuôi ong phụ thuộc nhiều yếu tố như người nuôi cần có tính cần mẫn, tỷ mỉ quan sát đàn không để cầu ong nhiều, chúa để già đàn ong sẽ kém chất lượng. Ngoài ra, ong sống trong quần thể lớn nên khả năng nhiễm và lây lan bệnh rất cao, do đó việc phòng, chống bệnh cho ong, dập bệnh ngay tại thời điểm phát hiện cũng được đặt lên hàng đầu.
Với 12 năm nuôi ong, ông Niên gặp biết bao khó khăn, nhưng bằng tình yêu với nghề, ông đã biến nó thành động lực và đem lại thành công với thu nhập 100 triệu đồng/năm. Và với kinh nghiệm của mình, ông sẵn sàng chia sẻ với những hộ khác mới nuôi ong để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình.
Lâm Sơn hiện có gần 30 hộ nuôi ong, nhà nhiều khoảng 200 đàn, nhà ít 20 - 30 đàn. Các hộ nuôi ong đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản phẩm từ ong được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, nhờ đó chất lượng ngày càng được nâng lên, khẳng định được thương hiệu, uy tín. Sản phẩm mật ong không chỉ tiêu thụ trong tỉnh Hòa Bình mà còn đến được với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Sản phẩm khác từ ong như sữa ong chúa, phấn hoa… đều được ưa chuộng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.