Hỏi thăm ông Nguyễn Văn Hưng ở thôn Núm, xã Dĩnh Trì, TP. Bắc Giang (Bắc Giang), hầu như ai cũng biết bởi ông là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi nhất, nhì xã, là Hội trưởng Chi hội Nông dân và là Phó trưởng thôn tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Ông Hưng chăm sóc những cành đào phục vụ Tết Nguyên đán.
Trở về từ chiến trường, với ý chí, nghị lực của một người lính, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, cuối cùng ông Hưng cũng tìm ra được hướng phù hợp để bảo đảm cuộc sống cho 9 thành viên trong gia đình chỉ trên phần đất canh tác 3,5 sào ruộng (1 sào Bắc Bộ = 360m2).
Tâm sự với chúng tôi, ông Hưng cho biết, trước kia gia đình ông có khoảng 5 sào ruộng, ông luôn trăn trở làm gì, làm như thế nào để đảm bảo cuộc sống đủ đầy cho con cháu, nhất là khi gia đình bị thu hồi 1,5 sào ruộng để chuyển sang mục đích sử dụng khác, chỉ còn vẻn vẹn 3,5 sào. Ông đã nhiều lần chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà vẫn không thành công. Rồi ông quyết định nấu rượu, tận dụng những phụ phẩm để nuôi lợn. Tuy nhiên, những năm đầu, ông gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi, đàn lợn mắc bệnh không được phát hiện kịp thời, điều trị không đúng hướng, nhiều khi chết hàng loạt, chưa kể đến giá cả thị trường bấp bênh, có thời điểm giá lợn hơi giảm mạnh khiến ông thua lỗ nhiều.
Năm 1998, ông quyết định giành phần đất nông nghiệp ít ỏi của gia đình để trồng đào, trở thành một trong những người tiên phong đưa cây đào về trồng trên đồng đất Dĩnh Trì. Có lẽ đây là hướng phát triển kinh tế đúng đắn và phù hợp với ông. Nhờ hơn hai mươi năm kinh nghiệm, giờ đây ông đã thực sự chủ động được cả vốn cũng như kỹ thuật chăm sóc cây đào. Chính vì thế mà hầu như năm nào ông cũng bán được nhiều đào nhất nhì xã. Ông Hưng cho biết: “Mỗi sào tôi trồng được khoảng 180 cây. Với giá đào một năm tuổi dao động trong khoảng 130.000 - 170.000 đồng/cây, đào hai năm tuổi 270.000- 300.000 đồng/cây, trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 25-27 triệu đồng/sào. Tổng thu nhập gần 100 triệu đồng/năm”.
Những năm trước, ông còn trồng thêm hoa dơn, tuy nhiên thu nhập từ loại hoa này không cao nên ông đã chuyển hết diện tích đất sang trồng đào.
Với ông Hưng, khó khăn nhất trong quá trình trồng đào chính là việc điều tiết làm sao cho đào ra hoa đúng thời điểm Tết. Muốn điều tiết được, buộc người trồng đào phải dày dạn kinh nghiệm, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để can thiệp kịp thời. Những năm thời tiết ấp áp như năm nay muốn cho đào nở đúng dịp thì phải tuốt lá muộn hơn so với những năm thời tiết giá lạnh kéo dài. Vào trung tuần tháng 11, nếu thấy nụ đào mẩy chuẩn bị nở, ông hãm bằng cách vạc gốc, chặt rễ xung quanh; còn năm nào thời tiết lạnh kéo dài, hoa lâu nở, ông bơm nước kết hợp tưới phân kali để thúc đào nở sớm. Trong quá trình chăm sóc phải thường xuyên kiểm tra phát hiện kịp thời bệnh trên cây đào để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Theo ông Hưng, bệnh thường gặp trên cây hoa đào là bọ đỏ, rệp sáp và nấm. Mỗi loại bệnh dùng thuốc đặc trị khác nhau, nếu bệnh nặng cần phun liên tục 5 ngày một lần, phun 2-3 lần liên tục.
Ông Hưng cũng là người rất thích tìm tòi học hỏi, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật do Hội Làm vườn, Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Qua các lớp tập huấn đó, ông mạnh dạn đưa những tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đưa các giống đào mới về trồng thử nghiệm. Không những làm kinh tế giỏi, ông còn có kinh nghiệm 10 năm làm Hội trưởng Chi hội Nông dân, làm Phó trưởng thôn và nay là Hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Núm, luôn năng động, đi đầu trong các phong trào thể dục, thể thao của địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng thôn Núm, khẳng định, gia đình ông Nguyễn Văn Hưng là một trong số những gia đình tiêu biểu trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Nguyễn Thị Thanh
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.