Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 1 năm 2022 | 13:26

Nguy cơ cháy nổ tại kho xưởng: Truy trách nhiệm người đứng đầu

Theo đại diện Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội việc các nhà xưởng không đủ điều kiện PCCC đã được quy định trách nhiệm chính thuộc chủ tịch UBND cấp xã, phường.

Cháy nổ diễn biến phức tạp dịp cuôi năm 

Cận Tết Nguyên đán, các vụ cháy kho xưởng tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 30/12/2021, tại một cửa hàng gas thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm xảy ra cháy, ngọn lửa lan sang dãy kho vải bên cạnh, bùng phát dữ dội. Vụ việc gây thiệt hại cho hai kho vải hàng chục tỷ đồng, khiến nhiều bà con tiểu thương “mất Tết”, rất may không có thiệt hại về người.

Trước đó, 1 vụ cháy kho xưởng chứa cồn tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức đã thiêu rụi và làm sập gần 2.000m2 nhà xưởng, cùng tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng... Trước đó, nhà xưởng đã được Công an huyện Hoài Đức khuyến cáo khắc phục tồn tại trong an toàn PCCC, nhưng cơ sở này đã không chấp hành.

 

ccccccccc.jpg
Hàng loạt nhà xưởng “3 không” trên ở xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội

 

Bên cạnh đó, trên nhiều địa bàn có quỹ đất rộng đang bị tận dụng xây dựng nhà xưởng có nhiều nhà xưởng “3 không”: không giấy phép, không đánh giá tác động môi trường, không được nghiệm thu PCCC.

Khoang Mái là do một số, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, rẽ vào từ đường gom Đại lộ Thăng Long khoảng 200m là gần 20 nhà xưởng san sát nhau như một cụm công nghiệp. Người dân tại đây cho biết, đa số nhà xưởng do người nơi khác mua lại rồi xây dựng. Từ khi các nhà xưởng hoạt động, đường sá ô nhiễm nghiêm trọng, an toàn cháy nổ không được đảm bảo khiến người dân luôn trong tình trạng lo lắng.

Tại khu vực ngoài đê các ngõ 95, 97 đường Gia Thượng, phường Thượng Thanh (quận Long Biên) cũng xuất hiện hàng loạt cơ sở sản xuất, tập kết vật liệu, ảnh hưởng đến hành lang đê. Ông Hưng (người dân tổ 18, phường Thượng Thanh) nói rằng, các nhà xưởng có hàng trăm công nhân làm việc ngày đêm. Tất cả đều được xây dựng trên đất nông nghiệp, không giấy phép, không phòng cháy chữa cháy. “Đặc biệt có những xưởng sản xuất sơn, sản xuất cồn, nếu xảy ra cháy nổ thì vô cùng nguy hiểm”, ông Hưng nói.

Tại phố Đại Linh, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), năm 2019 tại đây xảy ra vụ cháy nhà xưởng khiến 8 người chết. Đến nay, khu vực này vẫn tồn tại hàng chục nhà xưởng.

Quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương

Theo UBND xã Đồng Trúc, các nhà xưởng tại thôn Khoang Mái là do một số hộ dân chuyển nhượng đất cho người ngoài địa phương đến để xây dựng. UBND xã Đồng Trúc phối hợp Đội quản lý trật tự xây dựng huyện lập biên bản vi phạm, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính và đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế. Nhưng sau thời gian xử lý, nhà xưởng vẫn còn và hoạt động rầm rộ.

Ngày 20/12/2021, UBND quận Nam Từ Liêm có văn bản giao Phòng TN&MT kiểm tra, rà soát, chỉ đạo phường Trung Văn lập lập hồ sơ xử lý dứt điểm 4 cơ sở sản xuất, tái chế nhựa tại ngõ 1 và hẻm 28/8/41 phố Đại Linh. Tuy nhiên, đến thời điểm ghi nhận, các cơ sở sản xuất vẫn hoạt động công khai.

Một cán bộ UBND phường Thượng Thanh, quận Long Biên nói rằng, các nhà xưởng tại ngõ 95, 97 đường Gia Thượng đã được phân cấp trong phụ lục là do Công an phụ trách kiểm tra, xử lý. UBND phường chỉ phối hợp Công an rà soát, kiểm tra các dạng nhà vừa kết hợp kinh doanh và nhà ở.

Tuy nhiên, đại diện Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu hộ cứu nạn, Công an thành phố Hà Nội khẳng định: “Để xảy ra cháy nổ tại các nhà xưởng là trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp xã, phường. Điều này đã được quy định rõ trong Nghị định 136/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy. Theo vị này, việc quy trách nhiệm, kết hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCCC với chính quyền địa phương hiệu quả hơn trong ngăn chặn các cơ sở hoạt động. Bởi chính quyền địa phương có thể đề xuất về cắt điện, cắt nước, không cho công nhân làm “chui” bên trong nhà xưởng - việc trước đây chưa xử lý dứt điểm được.

Ngăn chặn “bà hỏa” dịp cuối năm tại các nhà ở cao tầng

Theo Công an thành phố Hà Nội, năm 2021, Thủ đô xảy ra 355 vụ cháy, trong đó có 8 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy nghiêm trọng. Các vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản chủ yếu vẫn xảy ra ở kho, xưởng sản xuất (47/355 vụ, chiếm 13,2%). Nguyên nhân trực tiếp xảy ra cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống, thiết bị điện (252/355 vụ, chiếm 71%).

Thực tế, không chỉ riêng khu vực đông dân cư mà các khu vực chung cư, tòa nhà văn phòng cao tầng cũng tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ. Đối với những địa điểm cháy là các tầng cao, thì khả năng dập lửa, hạn chế thiệt hại hoặc cứu hộ người dân cũng sẽ gặp nhiều trở ngại hơn. Vậy nên, để hạn chế nguy cơ cháy nổ dịp cuối năm cũng như nâng cao hiệu quả của hoạt động PCCC, lực lượng PCCC&CNCH tại các quận, huyện đã tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, thường xuyên phối hợp cùng các tòa nhà, chung cư, văn phòng thực hiện diễn tập, đồng thời kiểm tra điều kiện PCCC tại các chung cư, tòa nhà văn phòng.

 

ccccc2.jpg
Chung cư cao tầng bị cháy (Ảnh minh hoạ)

 

Việc xảy ra cháy nổ tại các chung cư, nhà cao tầng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có các nguyên nhân chủ yếu như do chập điện, sự cố máy móc, thiết bị trong các tòa nhà. Đặc biệt, ở các khu chung cư cao tầng, điện được lắp mạch ngầm nên việc phát hiện ra rò rỉ, sự cố khó khăn. Nếu như điện bị chập mạch và gặp các vật dễ cháy, bắt lửa thì đám cháy sẽ bùng phát rất nhanh.

Do các hộ gia đình thường bố trí vật dụng sinh hoạt trên lối thoát nạn như thang bộ, cửa đi… làm tăng mức độ nguy hiểm khi có cháy xảy ra, làm ảnh hưởng đến công tác tự thoát nạn, cứu nạn và cứu hộ. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khách quan như, phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn công trình được xây dựng không phù hợp với đặc điểm thực tế của tòa nhà; nhiều cơ sở không tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn định kỳ theo quy định. Không phổ biến, hướng dẫn người dân sống trong tòa nhà các biện pháp thoát nạn khi sự cố xảy ra…

Để đảm bảo an toàn PCCC của người dân, theo Thiếu tá Ngô Việt Dũng - Đội phó Đội PCCC&CNCH Công an quận Bắc Từ Liêm: Các khu chung cư, nhà cao tầng phải nghiêm túc thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, đây là yếu tố quyết định các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn PCCC sau này của công trình. Chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư của Bộ Công an quy định về thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC đối với các công trình xây dựng.Trong quá trình thực hiện thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC phải tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC.

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng tại các gian phòng, căn hộ trong các toà nhà cao tầng, người sử dụng cần nắm và thực hiện các biện pháp cơ bản sau nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nhà cao tầng, cụ thể: Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở gần nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít nhất. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có chứa xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong khu vực tầng 1 hoặc tầng hầm các nhà ở nhiều tầng phải cách xa nguồn sinh lửa, sinh nhiệt.

Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín, phải sắp xếp gọn gàng không gây cản trở lối thoát nạn. Không đưa xe đạp điện lên các tầng để sạc điện. Không bố trí nơi sạc xe đạp điện cùng với khu vực xe máy tại khu vực gara xe và phải quy hoạch khu để sạc xe đạp điện ra khu vực riêng và có biện pháp bảo đảm an toàn PCCC phù hợp. Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế nguy cơ gây cháy lan, cháy lớn./.

 

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top