Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 8 năm 2021 | 18:7

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng: Các nhà cùng xắn tay hành động và đồng hành vượt khó

Do đứt gãy chuỗi cung ứng, người chăn nuôi và nhà vườn tại nhiều tỉnh rơi vào tình trạng khó tiêu thụ nông sản. Nông dân và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ , các nhà DN - Nhà nông- Nhà nước cần chủ động và đồng hành vượt khó,

 photo-1-162985154504121416582031.jpgẢnh minh họa. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

 

Nông dân khóc ròng vì hàng ùn ứ

Tỉnh Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi lợn - liên tiếp hứng chịu các đợt thua lỗ nặng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại các địa phương phía Nam hồi cuối tháng 5 vừa qua. Sức tiêu thụ thịt lợn trên thị trường giảm mạnh bên cạnh việc vận chuyển, giết mổ khó khăn khiến một số trại lợn chấp nhận lỗ để bán tháo đàn. Số còn lại "nuôi" hy vọng giá sẽ tăng trở lại nên tiếp tục cầm cự song không được bao lâu thì "vỡ mộng" bởi diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến các địa phương phải tăng cường những biện pháp giãn cách. "Cuối tuần qua, khi có thông tin TP HCM siết chặt giãn cách xã hội, nhiều người chăn nuôi lợn ở Đồng Nai lo ngại giá lợn giảm mạnh trong thời gian tới nên đã bán gấp và bị thương lái ép giá tại trại xuống còn 46.000-48.000 đồng/kg, giảm thêm 4.000 đồng/kg so với đầu tuần trước" - ông Trần Văn Thắng, người chăn nuôi lợn ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), ngao ngán.

Theo ông Trần Quang Trung, người chăn nuôi lợn ở huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), giá lợn tại trại vẫn trên đà giảm tiếp do sức tiêu thụ ở các kênh bán lẻ gặp khó khăn, đẩy người chăn nuôi vào thế "chết đứng" bởi không biết nên bán tháo hay tiếp tục nuôi. "Nhiều hộ nấn ná giữ lợn nuôi tiếp khiến trọng lượng mỗi con tăng lên đến 150-200kg, vượt trọng lượng chuẩn 100 kg/con nên rất khó bán, thương lái ép giá thê thảm", ông Trung nói.

Ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nhìn nhận chuỗi cung ứng bị đứt gãy là nguyên nhân chính khiến gia súc, gia cầm phải "nằm" chuồng, không tiêu thụ được.

Thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho thấy, giá lợn xuất chuồng đã giảm liên tục, từ mức hơn 70.000 đồng/kg vào tháng 5 xuống còn 54.000-56.000 đồng/kg vào đầu tháng 8 và thời điểm hiện tại chỉ ở mức 50.000-52.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi lợn thời gian qua tăng khá cao, chi phí lên tới hơn 60.000 đồng/kg do giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tăng khoảng 35%. Với giá thành chăn nuôi khoảng 7 triệu đồng/con lợn 100 kg và giá xuất bán khoảng 5 triệu đồng, người chăn nuôi bị lỗ 2 triệu đồng/con lợn.

Tại nhiều trại gà ở tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, người chăn nuôi cũng chua xót kể gà nuôi đến ngày xuất chuồng nhưng không ai đến mua, phải bán lẻ hoặc mang đi làm từ thiện song không thấm vào đâu bởi mỗi trại gà có tới hàng chục ngàn con. Giá gà công nghiệp tại chuồng hiện chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg, rẻ hơn rau!

Ông Nguyễn Thanh Hậu, chủ một trang trại lớn ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay, hầu hết trại chăn nuôi lớn đều phải vay vốn ngân hàng, khi tiêu thụ gặp khó thì chắc chắn không có dòng tiền để trả gốc và lãi vay. Tuy vậy, đa phần hộ chăn nuôi không dám "than vãn" hoặc xin gia hạn trả nợ bởi sợ bị ngân hàng đánh giá khách hàng có nợ xấu, khó vay vốn về sau. "Trại chăn nuôi của chúng tôi hiện chỉ duy trì khoảng 100.000 con gà, bằng một nửa so với bình thường. Song, do thị trường tiêu thụ chính là TP HCM siết chặt giãn cách trong 2 tuần khiến hoạt động tiêu thụ đột ngột dừng lại, chúng tôi trở tay không kịp. Sau vài ngày nữa, nếu tình hình không khá hơn, chúng tôi cũng phải tìm cách bán tháo đàn vì mỗi ngày, chỉ riêng chi phí thức ăn chăn nuôi đã hơn 150 triệu đồng, càng để lâu càng lỗ nặng" - ông Hậu tính toán.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm miền Đông, nhiều trại không bán được gà, buộc phải nuôi tiếp khiến trọng lượng gà tăng lên, dẫn đến tỉ lệ bị chết tăng cao. Chưa kể, giá bán gà quá thấp trong khi giá thành cao khiến người chăn nuôi lỗ rất nặng. Giá bán cao nhất đối với gà đạt chuẩn xuất chuồng khoảng 2,5 kg/con là 8.000-9.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi hiện lên đến 26.000-28.000 đồng/kg, tức người nuôi gà bị lỗ khoảng 20.000 đồng/kg.

Các hiệp hội chăn nuôi kiến nghị nên có quy định rõ ràng cho việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào TP HCM. Đồng thời, cần giải pháp linh động trong việc kiểm soát lò mổ, rút ngắn thời gian đóng cửa lò mổ do có F0 cũng như tổ chức tiêm vắc-xin cho người lao động tại lò mổ…

Không chỉ chăn nuôi, nhiều chủ vườn cho biết, giá chôm chôm trong những năm vừa qua chưa bao giờ thê thảm đến thế do ảnh hưởng mạnh từ dịch COVID-19. Vận chuyển gặp nhiều khó khăn, nhiều người dân đành phải ngậm ngùi bán với giá chưa đến 5.000 đồng/kg.

Cụ thể, với các loại chôm chôm thường giá chỉ từ 1.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg. Với giá thành này, nhiều người dân không đủ chi phí phân bón, chăm sóc và nhân công gặt hái nên đành phải cắt bỏ. Với các loại quả khác như chôm chôm nhãn hay chôm chôm thái thì giá thành cao hơn nhưng cũng chỉ rơi vào 8.000 đồng cho đến dưới 10.000 đồng/kg.

photo-1-16297651446461544334766.jpg
Loại chôm chôm thường giá tận vườn chỉ từ 1.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg.

 

Lý giải nguyên nhân về tình trạng rớt giá này, nhiều người dân cho biết tình trạng này là do các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều phải giãn cách xã hội nên gần như các chủ đầu mối gặp khó khăn lớn trong đầu ra của sản phẩm. Không chỉ vậy, việc vận chuyển, giao hàng cũng gặp không ít khó khăn.

Khác với các loại hoa quả khác như nhãn, mít có thể sấy khô thì chôm chôm kén hơn về nguyên liệu dữ trữ nên tình trạng hàng tồn khiến người dân cũng gặp không ít khó khăn đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, kéo dài.

 

Khó vận chuyển, lưu thông hàng hóa

Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay trong thời gian này, nguồn cung sản phẩm chăn nuôi khá đa dạng nhưng nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Cụ thể, trong thời gian giãn cách, lượng lợn cung cấp cho TP HCM mỗi ngày là 6.300 con, giảm 37% so với thời điểm trước giãn cách; gà công nghiệp là 190.000 con, giảm 28%. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ trong giai đoạn này giảm nhiều so với trước nên lượng thịt lợn, gà được giết mổ hiện vẫn đủ để cung cấp cho người dân.

Riêng trong ngày 24-8, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, lượng thịt lợn, gà về thành phố tiếp tục giảm hơn 60% so với hôm trước, chỉ còn 1.222 con lợn và 26.698 con gà. Nguyên nhân là bởi các phương tiện vận chuyển thịt lợn từ các cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), Hòa Phú, Lộc An và Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) ra các hệ thống siêu thị không xuất trình được giấy đi đường theo quy định mới nên gặp khó khăn trong di chuyển.

Cùng ngày, Chi cục Chăn nuôi - Thú y TP HCM xác nhận cơ sở giết mổ An Nhơn (quận Gò Vấp) và Vissan (quận Bình Thạnh) không nhập mới gia súc, gia cầm do gặp khó trong việc xin giấy đi đường cho đội ngũ công nhân giết mổ và phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm sống vào cơ sở cũng như vận chuyển trở lại hệ thống phân phối.

Chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang hình thức chính ngạch

Bộ Công Thương  cho hay, ngày 23/8, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để trao đổi về tình hình thương mại Việt Nam - Trung Quốc và các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, thông quan các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Trong Công thư gửi đi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ giữa tháng 7/2021, Sở Thương mại Vân Nam (Trung Quốc) tạm dừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới. Đến trung tuần tháng 8, thanh long và nhiều trái cây, nông sản Việt không thể xuất khẩu qua Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới giáp tỉnh Vân Nam.

Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu rau củ, nông sản từ Vân Nam (Trung Quốc) qua các địa phương biên giới Việt Nam vẫn đang diễn ra thuận lợi với trung bình khoảng 400 xe hàng mỗi ngày.

Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị người đồng cấp phía Trung Quốc quan tâm, chỉ đạo tỉnh Vân Nam dỡ bỏ biện pháp hạn chế nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Việt Nam.

Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và các cơ quan quản lý cửa khẩu của cả Trung Quốc và Việt Nam tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng ký Công văn hoả tốc số 511 gửi UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị phối hợp, chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai các biện pháp cấp bách tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, thông quan hàng hóa qua cửa khẩu.

Công văn nêu rõ: Thời gian qua, cùng phối hợp với UBND các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản cung cấp thông tin, đồng thời khuyến nghị các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp chủ động điều tiết luồng hàng lên các tỉnh biên giới phía Bắc để tránh nguy cơ ùn tắc, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu.

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch. Thực tiễn cho thấy hàng hóa xuất khẩu chính ngạch có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ đường biên.

Trong trường hợp vì lý do khách quan nên chưa chuyển ngay sang xuất khẩu chính ngạch, đề nghị chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng. Đối với nông sản, cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan.

Trước đó, từ ngày 18/8, phía Trung Quốc thông báo yêu cầu thay đổi quy trình giao nhận hàng qua Cửa khẩu Tân Thanh với lý do để nâng cấp công tác phòng chống dịch của Trung Quốc. Theo đó, phía bạn tuyệt đối không cho tài xế và chủ hàng đưa xe hàng sang bên phía Trung Quốc và phải giao xe hàng để tài xế của phía Trung Quốc đưa đến nơi giao hàng tại khu vực cửa khẩu Pò Chài. Sau khi hết hàng trên xe, tài xế phía Trung Quốc sẽ điều khiển xe không ra bãi trao trả cho tài xế phía Việt Nam.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, những thay đổi về quy trình nhận hàng của Trung Quốc sẽ phát sinh một số khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, xuất hàng chậm hơn cũng như sẽ phát sinh một số rủi ro. Cục cũng đề nghị Sở Công Thương các địa phương có khuyến cáo đến các doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, chủ động trong việc vận chuyển nông sản xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn trong thời gian này để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Doanh nghiệp "bắt tay" các đơn vị tính phương án lưu thông hàng hóa đến tay người tiêu dùng

Đối với thị trường trong nước, nhiều cửa hàng, siêu thị chủ động liên hệ với UBND phường, đăng thông tin lên Fanpage, nhóm Zalo để chào hàng và cung ứng thực phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Theo hệ thống VinMart/VinMart+, đơn hàng qua các kênh đặt hàng trực tuyến và điện thoại tăng mạnh. Tuy nhiên hiện nay, VinMart/VinMart+ chưa giao được hàng đến tay người tiêu dùng do nhân viên của hệ thống không được phép đi giao hàng.

photo-1-16297228699561005475918.jpg
Lực lượng dân quân đi chợ hộ cho người dân quận 8.

 

Hệ thống này đã chủ động liên hệ trực tiếp làm việc với các phường/tổ dân phố để tìm phương án phối hợp với các lực lượng chức năng giao hàng đến người dân. Bên cạnh đó là kết nối chương trình "Đi chợ hộ" với các phường/tổ dân phố... nhằm nắm bắt nhu cầu, đề xuất danh mục hàng hóa thiết yếu cung ứng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ 10% phường và tổ dân phố đã có phản hồi, 90% còn lại chưa có phản hồi.

"Hiện tại, chúng tôi đang chờ sự chỉ đạo của Sở Công Thương TP HCM để sớm tháo gỡ những vướng mắc trong khâu giao hàng, phục vụ hàng hóa kịp thời đến nhân dân. Đồng thời, nắm bắt được nhu cầu thực tế của người dân, lên kế hoạch dự trữ hàng hóa phù hợp, đặc biệt với nhóm hàng tươi sống cần tiêu thụ trong ngày", bà Nguyễn Thị Phương, Phó TGĐ Thường trực Công ty VinCommerce, cho hay.

Theo hướng dẫn của thành phố, hầu hết siêu thị đã triển khai hình thức bán hàng hóa thiết yếu thông qua hình thức combo để công tác chuẩn bị, cung ứng trong những ngày tới được thuận tiện, nhanh chóng.

Hệ thống siêu thị Aeon tại TP HCM đã ngưng các kênh bán hàng trực tuyến (qua điện thoại, tin nhắn, các ứng dụng). Aeon Tân Phú đang làm việc với đại diện 2 phường Sơn Kỳ và Tân Quý để chuẩn bị hàng hóa theo các đơn đặt hàng của từng tổ dân phố/ phường theo tần suất và khu vực quy định. Danh sách các combo hàng hóa dựa trên nhu cầu cơ bản của người dân, bảo đảm đầy đủ thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ dùng sát khuẩn… sử dụng trong 2 tuần.

Hệ thống bán lẻ Satra bao gồm 3 siêu thị (Satramart Siêu thị Sài Gòn, Siêu thị Phạm Hùng và Siêu thị Củ Chi) cùng chuỗi hơn 100 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods tại TP vẫn mở cửa hoạt động từ 7 giờ đến 16 giờ 30 hằng ngày, thực hiện kinh doanh "3 tại chỗ", đồng thời kết hợp chính quyền địa phương phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân theo hình thức "đi chợ hộ" của Tổ Covid-19 cộng đồng.

Hệ thống Central Retail cũng đã chuẩn bị nhiều loại combo khác nhau, theo nhóm dinh dưỡng, vitamin, rau, củ thịt cá... với nhiều mức giá khác nhau. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông tập đoàn Central Retail, cho biết các siêu thị thuộc hệ thống đã làm việc với chính quyền địa phương về phương án đặt hàng, giao hàng cho người dân.

nong-san-5.jpg
Các Bộ, ngành và các địa phương chủ động phương án tiêu thụ nông sản cho nông dân trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: Vũ Long)

 

"Với hệ thống đại siêu thị GO!, Big C, chúng tôi có thể cung ứng hàng hóa cho các ban ngành đoàn thể liên quận nếu có nhu cầu, giao bằng xe tải theo hướng dẫn của TP. Đối với các siêu thị Topsmarket, chúng tôi cung ứng hàng hóa cho các phường, đại diện cán bộ phường sẽ giao đến các hộ dân sinh sống trên địa bàn một cách nhanh chóng thuận tiện nhất có thể", bà Vân nói./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top