Ngày 16/6, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn có cuộc họp đánh giá kết quả công tác năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, phương hướng 6 tháng cuối năm 2016. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (TKCN) và lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên của Ủy ban.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn
Tại cuộc họp, nhấn mạnh vai trò của công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, “chúng ta phải kiểm điểm xem đã làm được gì, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức nhân dân, các bộ, ngành về công tác “4 tại chỗ”.
Khi nghe báo cáo về công tác tìm kiếm phi công Trần Quang Khải của máy bay chiến đấu Su-30 gặp nạn ngày 14/6/2016, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tiếp tục tập trung nguồn lực, tìm bằng được phi công.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ 3 định hướng chính cho công tác TKCN. Một là, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mọi cơ quan chức năng trong tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Hai là, mọi tai nạn, thiên tai đều phải được chỉ đạo, xử lý kịp thời. Ba là, các cấp, các ngành và người dân không trông chờ, ỷ lại, phải chủ động xử lý trên tinh thần “4 tại chỗ”.
Thủ tướng đánh giá cao kết quả đạt được của Ủy ban Quốc gia TKCN thời gian qua, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Tuy nhiên, công tác dự báo, cảnh báo còn nhiều bất cập, chưa chủ động. Chế độ trực, theo dõi, nắm tình hình theo phân cấp ở một số vụ việc còn chưa kịp thời, phối hợp hiệp đồng thiếu chặt chẽ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể, với tinh thần “tính mạng con người là trên hết”.
Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương có sự thay đổi bộ máy nhân sự sau cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vừa qua, cần khẩn trương rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo, ban chỉ huy về phòng chống thiên tai, TKCN.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền , nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp các ngành, người dân trong phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai, hạn chế tư tưởng chủ quan, “giữ nhà không chịu di dời” tránh thiên tai.
Duy trì nghiêm chế độ trực 24/24h, nắm chắc tình hình sự cố thiên tai, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, kịp thời tham mưu, đề xuất triển khai các biện pháp ứng phó.
Thực hiện tốt hơn Luật Phòng chống thiên tai, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác này. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án phòng tránh thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn, như là mưa lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất trên diện rộng, động đất, sóng thần và đặc biệt là bão mạnh, siêu bão. Chỉ đạo nâng cao công tác huấn luyện, diễn tập, hội thao ứng phó tình huống, sự cố, nhất là các tình huống mà nước ta hay gặp phải như bão mạnh…
Các địa phương đều phải có quy chế, phương án cứu nạn, chủ động di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Bộ Quốc phòng luôn sẵn sàng lực lượng dành cho công tác cứu nạn, cứu hộ, với tinh thần cơ quan quân sự là trung tâm tham mưu của công tác này. Bộ Công an nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy. Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tăng cường trao đổi hợp tác với các nước về công tác TKCN trên biển, đẩy mạnh đàm phán vùng TKCN trên biển giữa Việt Nam và các nước theo kế hoạch thực hiện Công ước SAR 79 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cao chất lượng công tác dự báo. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, chỉ đạo thực hiện tốt việc điều tiết, vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, bảo đảm an toàn công trình vùng hạ du trong mùa mưa lũ.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN duy trì nghiêm chế độ trực 24/24h, tiếp tục thực hiện kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là tham mưu kịp thời hơn cho Thủ tướng, cho Ủy ban. Đừng để tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là người dân, mà Chính phủ, Ủy ban không biết, không có chỉ đạo, Thủ tướng lưu ý.
Để nâng cao hiệu quả của công tác TKCN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần làm tốt công tác dự báo, cảnh báo bởi “dự báo sai dẫn tới ứng phó sai”; rà soát lại việc bố trí dân cư, “dứt khoát không để bà con sống tại những nơi nguy hiểm”. Địa phương cần tích cực vào cuộc trong vấn đề này.
Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều cho rằng, do tác động của biến đổi khí hậu, những tháng tiếp theo trong năm 2016, tình hình thời tiết, khí tiếp sẽ tiếp tục diễn biến bất thường, cực đoan và khó lường. Số cơn bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam sẽ tương đương hoặc ít hơn so với trung bình nhiều năm, tuy nhiên cường độ sẽ rất mạnh, bất thường. Các loại hình thiên tai khác như giông lốc, mưa đá, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, rét đậm, rét hại, nắng nóng, hạn hán… sẽ tiếp tục diễn biến bất thường. Cùng với đó, sự phát triển kinh tế trên các vùng, miền, đặc biệt là các công trình giao thông, khai thác tài nguyên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, sự cố khó lường có thể xảy ra trên cả đất liền và trên biển.
P.V
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.