Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên TBT Đỗ Mười đã áp dụng nhiều chính sách mới, đưa lạm phát từ ba con số về một con số (dưới 10%).
Lạm phát ba con số và giá cả tăng liên tục
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược |
Vào thời điểm ông Đỗ Mười làm Chủ tịch HĐBT, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược là Viện trưởng Viện kinh tế thế giới, được phân công làm Tổ trưởng Tổ Nghiên cứu chống lạm phát của Ủy ban Khoa học xã hội. Trong trí nhớ của ông, nguyên TBT Đỗ Mười là người rất lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và khi đã sử dụng họ thì rất quyết liệt. Thời đó, không có Tổ tư vấn nên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã dùng quan hệ cá nhân với các học giả, lắng nghe, sàng lọc để đưa ra quyết sách. Nếu bắt gặp ý tưởng đúng, ý tưởng hay thì cho triển khai ngay.
Bối cảnh đất nước những năm 80 của thế kỷ trước, theo mô tả của chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, đó là thời kỳ đầy khó khăn. Lạm phát lên tới ba con số. Giá cả tăng liên tục, kinh tế đình đốn, hàng hóa khan hiếm. Nếu không cương quyết kiểm soát lạm phát chắc sẽ rất khó tiếp tục công cuộc đổi mới. Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười phải vào cuộc đương đầu với cơn sốt lạm phát.
Mặc dù Đại hội VI của Đảng (1986) đưa ra quyết định xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp nhưng quan điểm kinh tế của Đảng lúc bấy giờ vẫn xem thuộc tính thứ nhất của kinh tế là kế hoạch, thuộc tính thứ hai mới là hàng hóa. Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho biết: Từ năm 1986 đến năm 1989, chúng ta thực hiện cơ chế đổi mới trong thực tiễn chưa được bao nhiêu bởi vì lúc đó, lạm phát rất cao và các quan hệ kinh tế kế hoạch, bao cấp vẫn còn chi phối. Phải đến năm 1989, khi ông Đỗ Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì công cuộc chống lạm phát mới thật sự đạt kết quả, được dư luận thế giới đánh giá cao. Chính năm đó, chúng ta đã chấm dứt được lạm phát.
Chấm dứt lạm phát ngay sau khi triển khai vào năm 1989
Tại thời điểm đó, hơn 40 đề án chống lạm phát đã được đặt lên bàn Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười, trong đó có cả đề án của đoàn chuyên gia kinh tế Liên Xô. Mặc dù Đề án của ông Võ Đại Lược không được đánh giá cao nhưng Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười lại quyết định chọn bởi lẽ, các đề án kia đưa ra giải pháp chống lạm phát trên cơ sở kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp. Còn đề án của ông Võ Đại Lược lại dựa trên quan hệ thị trường.
Tuy đề án chống lạm phát của chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược không được nhiều vị lãnh đạo ủng hộ vì nó mang nhiều yếu tố mới nhưng Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười vẫn quyết định triển khai thí điểm ở Hải Phòng với 2 giải pháp chính là: lãi suất dương và tự do hóa kinh tế.
Sau 1 tháng triển khai, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười xuống kiểm tra thực tiễn thì thấy rằng, tình hình quá tốt. Nếu như trước đó, tất cả hàng hóa đều phân phối như vải vóc, xăm xe… nhà nào không dùng đến thì cho vào kho. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng tồn tại những kho hàng dự trữ kiểu đó. Nhưng khi lãi suất tăng lên 12% thì họ thấy rằng, không cần giữ cái kho hàng ấy nữa. Tất cả đều mang hàng hóa ra ngoài chợ để bán vì họ được tự do buôn bán. Họ bán lấy tiền để gửi tiết kiệm. Chỉ trong mấy ngày mà hàng hóa tràn ra thị trường. Giá cả tự nhiên tụt xuống. Lạm phát đang từ 9%/tháng thì nay tụt xuống còn 1-2%/tháng.
“Sau khi kiểm tra kết quả bước đầu ở Hải Phòng, ông Đỗ Mười có gọi tôi lên và nói rằng, sẽ cho áp dụng ở Hà Nội và sau đó, áp dụng trong cả nước. Và thực tế, khi chính sách này được triển khai trên cả nước thì tình thế thay đổi hoàn toàn. Giá cả giảm, hàng hóa dồi dào, lưu thông tốt hơn”, ông Võ Đại Lược nhớ lại.
“Khi chúng ta chống lạm phát thì các tổ chức quốc tế như IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) khuyến cáo Việt Nam phải dự trữ ngoại tệ khoảng 1 tỷ USD trong khi chúng ta chỉ có khoảng 20 triệu USD. Điều kỳ lạ ở chỗ, chưa cần đợi đến hết năm mà chỉ cần giữa năm 1989, lần đầu tiên, chúng ta có dự trữ ngoại tệ trên 100 triệu USD bởi lẽ, xuất khẩu gia tăng”.
Ông Võ Đại Lược nhắc lại chuyện này và cho biết: “Khi lạm phát giảm từ 100% xuống dưới 10%, ông Đỗ Mười đã yêu cầu nhóm của chúng tôi làm một bản báo cáo để ông trình bày trước Bộ Chính trị. Sau cuộc họp của Bộ Chính trị, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười cho gọi nhóm chuyên gia lên và đề nghị sửa lại quan điểm, kinh tế quốc doanh chỉ còn dưới 15% GDP, không chiếm 80-90% GDP như trước nữa bằng cách: cho phá sản, bán, khoán, cho thuê và cổ phần hóa. Như vậy, chính sách cổ phần hóa có từ thời ông Đỗ Mười, tức là từ năm 1989.
Từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo
Nút thắt lạm phát và thiếu thốn hàng hóa được giải quyết, dấu ấn tiếp theo của Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười là giải quyết bài toán lương thực, thực phẩm.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm nhà máy ximăng Hải Phòng, ngày 25/3/1991. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN) |
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho biết: Khi đó, mỗi năm Chính phủ bỏ ra vài trăm tỷ để mua gạo của nông dân với giá cao. Sau đó bán lại cho các tỉnh, thành phố, bán lại cho công nhân viên chức với giá thấp. Như vậy, mỗi năm ngân hàng phải in ra 300 tỷ để mua gạo với giá cao. Và đó cũng là nguyên nhân khiến lạm phát tăng. Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười cho rằng, đã đến lúc, Nhà nước không cần phải in tiền để lo lương thực, thực phẩm cho dân chúng nữa. Giải pháp quan trọng nhất là cho dân được tự do buôn bán. Nông dân có gạo, có cá, có tôm… thì mang ra thành phố bán.
“Tôi còn nhớ, trước Tết âm lịch năm 1989, chính sách này bắt đầu được triển khai tại Hà Nội. Sau Tết thì ông Đỗ Mười có gọi tôi lên và bảo: Tình hình quá tốt. Nông dân được tự do mang gạo, mang gà, mang cá, mang tôm vào thành phố bán khiến cho hàng hóa ở thủ đô thêm phong phú và các cô mậu dịch viên ế ẩm. Đương nhiên, hàng của mậu dịch thì chất lượng không bằng, giá cũng không rẻ hơn bao nhiêu. Vì vậy, dân không nhất thiết phải mua hàng của mậu dịch nữa, nghĩa là chế độ tem phiếu không còn ý nghĩa gì nữa.
Sau Hà Nội thì chính sách này được triển khai rộng rãi trên toàn quốc”, ông Võ Đại Lược kể lại đầy phấn chấn.
Nếu như đầu năm 1989, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười còn yêu cầu đưa vào kế hoạch nhập khẩu 200.000 tấn lương thực thì đến khoảng tháng 6, tháng 7, Việt Nam không những không phải nhập lương thực mà còn thừa lương thực. Sau bao nhiêu năm, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu hơn 1 triệu tấn lương thực. Nền kinh tế kế hoạch là một nền kinh tế bao giờ cũng thiếu vì các chỉ tiêu đặt ra không sát. Còn khi đã thực hiện kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường thì không bao giờ thiếu hàng hóa. Đó là điều dễ hiểu bởi nó cân đối cung-cầu và khuyến khích sản xuất khiến cho hàng hóa dư thừa.
Theo ông Võ Đại Lược, sau này, sở dĩ không ai cản được chính sách về kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa, thực hiện tự do hóa kinh tế bởi cứ làm đến đâu là thắng lợi đến đó. Sức mạnh của nó là sức mạnh thực tế.
Sau Đại hội VII (1991), Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười lên làm Tổng Bí thư và ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng. Đây cũng là thời kỳ kinh tế Việt Nam phát triển tốt nhất với tăng trưởng kinh tế từ 8-9% (1991-1997).
Gần 30 năm quen biết và gần gũi với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhận định: “Có thể nói rằng, ông ấy là một con người hết lòng vì nước, vì dân. Khi quyết định bất kỳ một giải pháp gì, ông ấy cũng tính đến việc này có lợi gì cho sự phát triển của đất nước, có lợi gì cho cuộc sống của người dân. Việc lắng nghe và trân trọng các ý kiến của học giả cũng là một điều hết sức đáng quý ở ông Đỗ Mười. Và đặc biệt, ông ấy là một con người rất gần gũi quần chúng, bình dị”.
Sau khi rời chức vụ Tổng Bí thư, ông Đỗ Mười làm Cố vấn một thời gian rồi nghỉ hẳn. Tuy nhiên, ông rất quan tâm đến tình hình đất nước. Khi ông còn khỏe, còn tỉnh táo, vài tháng, ông lại gọi chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược đến nhà. Theo quan sát của ông Võ Đại Lược: “Khi thấy vấn đề gì chưa đúng, còn trăn trở thì ông Đỗ Mười lại nhấc điện thoại lên và gọi cho các vị lãnh đạo, có những cuộc điện thoại rất gay gắt. Nếu không đau đáu với sự phát triển của đất nước thì không phải bận tâm suy nghĩ như vậy”./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.