NHCSXH huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã triển khai đồng bộ các giải pháp, kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Trong 6 tháng đầu năm, NHCSXH huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp, kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tính đến ngày 30/6, tổng dư nợ NHCSXH huyện Bố Trạch đạt 470 tỷ đồng, tăng 27.039 triệu đồng so với đầu năm 2018, đạt 99,16% kế hoạch giao, đạt 87,2% kế hoạch tăng trưởng, với 15.478 hộ còn dư nợ. Bình quân dư nợ 30,3 triệu đồng/hộ, tăng 2 triệu đồng/hộ so với năm 2017.
Dư nợ tăng tập trung vào các chương trình: Hộ mới thoát nghèo 17.404 triệu đồng, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 13.148 triệu đồng, hộ cận nghèo 1.021 triệu đồng, giải quyết việc làm 2.312 triệu đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 5.200 triệu đồng, hộ nghèo làm nhà ở theo QĐ 33/2015/QĐ-TTg 800 triệu đồng,... Nợ quá hạn 376 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,08% trên tổng dư nợ, giảm 19 triệu đồng so với đầu năm.
Công tác huy động vốn đến nay đạt 71.408 triệu đồng, tăng so với đầu năm 12.513 triệu đồng; đạt 99,3% kế hoạch năm, đạt 96,3% kế hoạch tăng trưởng. Trong đó: Huy động từ các tổ chức, cá nhân đạt 51.060 triệu đồng, huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 19.798 triệu đồng, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương tăng 500 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch giao tăng trưởng. Công tác thu lãi, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng tín dụng, đào tạo tập huấn được quan tâm triển khai hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, chất lượng tín dụng tại một số xã chưa thật sự ổn định do nhiều hộ vay vốn bỏ đi khỏi địa phương đã chuyển nợ quá hạn nhưng vẫn chưa xác định được nơi cư trú để thu hồi vốn, lãi tồn đọng trên địa bàn một số xã còn cao chủ yếu là ở các chương trình đã hết thời gian gia hạn như: Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ nghèo về nhà ở theo quyết định 167, vốn cho vay nhà ở xã hội theo nghị định 100 của Chính phủ quá ít trong khi nhu cầu vay vốn rất lớn…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị họp phiên thường kỳ quý II năm 2018 của NHCSXH do Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Bố Trạch tổ chức, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hồng, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đề nghị các cấp, các ngành, hội đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, hạn chế tình trạng phát sinh nợ quá hạn sau phiên giao dịch.
Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu và nắm bắt được chính sách tín dụng, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tích cực huy động tiền gửi tiết kiệm từ cộng đồng dân cư, tham mưu cho UBND huyện cho vay đối tượng nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ trên địa bàn và hoàn thành các chỉ tiếu kế hoạch tín dụng năm 2018.