Tính đến 7h ngày 18/7, bão số 2 đã làm 4 người chết, 5 người mất tích, 19 người bị thương; 54 nhà bị sập, đổ hoàn toàn, 4.152 nhà bị tốc mái, 26 nhà bị ngập nước, 31 nhà phải di dời…
Bão số 2 "tàn phá" vùng biển Cửa Lò (Nghệ An). Ảnh: Zing.vn
Ngày 18/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) họp đánh giá về công tác ứng phó với bão số 2. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, tính đến 7h ngày 18/7, bão số 2 đã làm 4 người chết, 5 người mất tích, 19 người bị thương.
Có 54 nhà bị sập, đổ hoàn toàn, 4.152 nhà bị tốc mái, 26 nhà bị ngập nước, 31 nhà phải di dời. Tàu cá bị chìm là 53 chiếc, 2 xà lan và 1 tàu lai dắt hải quân bị chìm ở Quảng Bình, 7 tàu hàng bị mắc cạn tại Quảng Bình.
Tổng diện tích bị ngập do ảnh hưởng của mưa bão số 2 tính đến 19h ngày 17/7 là 49.270 ha. Trong đó diện tích lúa bị ngập là 38.791 ha. Diện tích hoa màu bị ngập là 10.479 ha. Hiện các tỉnh đang tập trung bơm tiêu, đến sáng nay diện tích ngập úng đã giảm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần phải rút ra một số bài học kinh nghiệm sau cơn bão số 2, tập trung vào việc quản lý, tổ chức sắp xếp tàu thuyền cập bờ một cách hợp lý; phải kiên quyết bằng mọi biện pháp đưa người lên bờ và cư trú tại nơi an toàn và cần có các biện pháp quyết liệt hơn trong quản lý các phương tiện vãng lai.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu cần thông tin, cảnh báo liên tục, thường xuyên đối với những người dân ở những vùng có nguy cơ, nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, quản lý việc sinh hoạt, sản xuất, đi lại của người dân trong vùng này cả trước, trong và sau mưa lũ. Phải có ngay các giải pháp xử lý đối với các hồ chứa nước sản xuất, đặc biệt đối với các hồ ở miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và khu vực miền Trung.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm người mất tích (4 thuyền viên tàu VTB26 và 1 người ở Yên Bái). Tiếp tục tổ chức cứu chữa người bị thương. Thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người chết, nhà bị sập, đổ. Huy động lực lượng giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu không để người dân bị đói, rét và không có chỗ ở. Khẩn trương triển khai khôi phục hệ thống điện phục vụ dân sinh và tập trung bơm tiêu rút nước tại các khu vực bị ngập úng, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau khi nước rút.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ để chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời. Đặc biệt cần quan tâm, chú trọng chỉ đạo quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình xả lũ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.
Theo Phương Liên/BaoChinhphu.vn
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.