Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 28 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 5 tháng 11 năm 2016 | 11:27

Nhớ thiếu tướng Trần Văn Giang

Ngày 3-11, vừa đi công tác về thì tôi nhận được hung tin từ một đồng nghiệp “Thiếu tướng Trần Văn Giang đã ra đi về cõi vĩnh hằng”. Nghe chưa dứt câu nói, tai tôi ù đi, mắt nhòa lệ. Vậy là tôi đã mất cơ hội diện kiến ông lần cuối.

Thiếu tướng Trần Văn Giang sinh ngày 7-2-1924 tại làng Sưa, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng trong một gia đình nhà nho yêu nước. Ngay từ thuở ấu thơ, ông đã tỏ rõ là người thông minh, ham học hỏi, giàu lòng thương người và có tinh thần cách mạng sâu sắc. Khi còn là học sinh trường Thăng Long, được giác ngộ tinh thần yêu nước của các thầy giáo và học sinh nhà trường, ông đã tích cực tham gia phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên Hà Nội, tham gia công tác tuyên truyền, vận động, rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược giành độc lập, tự do cho nước nhà tại Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.

Thiếu tướng Trần Văn Giang

Tháng 1-1945, Trần Văn Giang tham gia hoạt động Việt Minh bí mật vùng Ninh Giang, Hải Dương, sau đó là cán bộ Việt Minh TP. Hải Phòng. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, từ Chi đội trưởng kiêm Chính trị viên Chi đội Bắc Bắc đến Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn và sau này phát triển lên giữ các cương vị: Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội, Hải Phòng, Chính ủy Sư đoàn Phòng không 361, Chính ủy Quân chủng Hải quân. Sau khi được nghỉ hưu, thiếu tướng Trần Văn Giang là một trong những người sáng lập ra Hội Cựu Chiến binh TP. Hồ Chí Minh và tham gia công tác Hội Cựu chiến binh thành phố đến năm 1997.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trên cương vị Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Pháo cao xạ 367, thiếu tướng Trần Văn Giang đã cùng với lãnh đạo chỉ huy đơn vị làm tốt công tác lãnh đạo về tư tưởng và tổ chức, quán triệt và thực hiện phương châm của Bộ Chỉ huy chiến dịch từ “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Tổ chức cho trung đoàn phối hợp với các đơn vị tham gia chiến dịch trút lưới lửa lên đầu quân Pháp, cùng với quân và dân ta làm nên một Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên các cương vị công tác: Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội, Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng không Hải Phòng và đặc biệt trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, với cương vị Chính ủy Sư đoàn Phòng không 361 (Sư đoàn Phòng không Cận Vệ Đỏ), bảo vệ thủ đô Hà Nội, thiếu tướng Trần Văn Giang đã đi đến từng trận địa pháo cao xạ, kiểm tra, động viên bộ đội nêu cao ý chí tiến công, quyết tâm chiến đấu đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tác phong gần gũi, sâu sát của thiếu tướng Trần Văn Giang đã góp phần cùng lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị, địa phương bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của chúng vào thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng tháng Chạp năm 1972, tạo nên một Điện Biên Phủ trên không, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ký Hiệp định Paris năm 1973. Có thể khẳng định, thiếu tướng Trần Văn Giang là một trong số ít cán bộ trực tiếp chỉ huy hai trận Điện Biên Phủ vĩ đại của dân tộc ta.

Thiếu tướng Trần Văn Giang chỉ huy đánh máy bay B52

Tháng 7-1974, đồng chí Trần Văn Giang được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân chủng Hải Quân, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm cùng đơn vị chuẩn bị lực lượng giải phóng Trường Sa, các đảo của Việt Nam trên vùng vịnh Thái Lan. Ông đã cùng với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Những năm công tác tại Quân chủng Hải quân, thiếu tướng Trần Văn Giang đã cùng với lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam lớn mạnh, trưởng thành.

Trong cuộc sống đời thường, thiếu tướng Trần Văn Giang là một cán bộ giản dị, mẫu mực, khiêm nhường, có lòng khoan dung, độ lượng, thương yêu cấp dưới, hết lòng vì gia đình. Trong công việc, Ông là cán bộ mưu trí, dũng cảm, dày dạn kinh nghiệm trận mạc, sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ trong lãnh đạo, chỉ huy. Nhớ lại những lần được gặp ông, với ánh mắt trìu mến, nụ cười đôn hậu của một vị tướng tài ba, lòng tôi như thắt lại. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh thiếu tướng Trần Văn Giang, người đã gắn bó một thời với biển trời Tổ quốc.

Nguyễn Mạnh Cương

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top