Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 12 năm 2021 | 15:43

Nhức nhối ô nhiễm môi trường làng nghề

Thiếu kinh phí để đầu tư xây dựng hạ tầng thu gom xử lý nước thải, quy hoạch manh mún, tự phát đang báo động tình trạng ô nhiễm môi trường từ các làng nghề.

Nhìn đâu cũng thấy ô nhiễm

Thực tế, làng nghề là một hình thái kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, góp phần ổn định an sinh xã hội. Làng nghề cũng là nhân tố cấu thành nét văn hoá đặc trưng của từng vùng miền, làng xã có lịch sử hình thành, phát triển từ nhiều đời để đóng góp vào cung – cầu thị trường hàng hoá, giao thương…

Vậy nhưng, trong vài thập niên trở lại đây, cùng với tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường, các làng nghề cũng có sự gia tăng cả quy mô lẫn số lượng. Đặc biệt, ở những nơi có quy mô mật độ dân số ngày càng tăng khiến hạ tầng phục vụ cho công tác xử lý môi trường quá tải cũng trở thành gánh nặng cho xã hội.

 

lang-nghe.jpg
Tình trạng nhiều làng nghề gây ô nhiễm môi trường trong khi hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, hiệu quả.

 

Qua thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Trong đó, có 60% làng nghề tập trung khu vực phía Bắc, miền Trung chiếm khoảng 23,6% và miền Nam chiếm khoảng 16,6%. Nhìn chung các làng nghề đều phát triển theo hướng manh mún, tự phát, chưa được đưa vào quy hoạch nên hoạt động theo kiểu “mạnh ai, nhà đó mở nghề” nên ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm rác thải và khí thải xảy ra phổ biến.

Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, có tới 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa, số còn lại đều nằm trong nguy cơ xảy ra ô nhiễm. Trong đó, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép ở mức báo động.

Riêng tại Nghệ An có 153 làng nghề được công nhận nhưng từ năm 2019, cơ quan chức năng địa phương đã khoanh vùng 67 làng nghề không được khuyến khích phát triển vì nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Cụ thể, số làng nghề không được khuyến khích phát triển gồm: Chế biến nông sản thực phẩm (25 làng nghề); nghề mộc, trống (21 làng nghề); chế biến hải sản (10 làng nghề); ươm tơ (3 làng nghề)…

Đáng quan tâm, các làng nghề được liệt kê vào danh sách “đen” này chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, đồng bằng ven biển nơi tập trung đông dân cư, gần các sông, kênh, rạch nên nguy cơ xả thải ra môi trường chưa qua xử lý rất cao.

Thiếu kinh phí, yếu hạ tầng

Thực trạng trên đang là vấn đề thách thức đối với bài toán phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường trong vài thập niên trở lại đây. Quy hoạch không gian, hạ tầng kỹ thuật để tập trung xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường từ các làng nghề vẫn chưa được chú trọng, kịp thời ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước.

Ngay tại tỉnh Nghệ An với số lượng hàng trăm làng nghề đang tồn tại ở nhiều huyện, thị, thành phố nhưng công tác đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn chưa thể bố trí.

Ở làng nghề bún bánh Quy Chính, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, Nghệ An với hàng trăm hộ kinh doanh tham gia sản xuất bún bánh và có truyền thống từ lâu đời và tình trạng ô nhiễm môi trường cũng có “thâm niên” hàng chục năm. Cả làng có hơn 240 hộ kinh doanh tham gia sản xuất bún bánh, phân bố đều ở 2 xóm Quy Chính 1 và Quy Chính 2. Vào năm 2006, UBND tỉnh Nghệ An công nhận Quy Chính là làng nghề nhưng cũng từ đó đến năm 2019 mới được địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn, cho biết: “Gần đây, được sự quan tâm của cấp trên, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An đã triển khai dự án “xử lý, thu gom nước thải tại làng nghề bún bánh Quy Chính, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn” từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dự án đến nay đã hoàn thành và đang phát huy được hiệu quả rõ rệt là chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài hàng mấy chục năm qua tại địa phương chúng tôi…”.

Đây mới chỉ là 01 trong những điểm làng nghề được tỉnh Nghệ An quan tâm, tập trung đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Vậy nhưng, để “phủ sóng” được các điểm làng nghề hạn chế tối đa tình trạng gây nhiễm môi trường trên địa bàn cả nước vẫn chưa thể xử lý dứt điểm trong nay mai bởi kinh phí triển khai còn hạn hẹp. Mặt khác, công tác xây dựng quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường để di dời các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm hiện nay vẫn chưa được chú trọng, triển khai có hiệu quả.

Nhiều mô hình hay

Nói đi cũng cần phải nói lại, so với giai đoạn 2011 - 2015, công tác BVMT tại các làng nghề giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chuyển biến, một số mô hình xử lý chất thải làng nghề đã được triển khai, bước đầu đã hạn chế được ô nhiễm môi trường như: làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, tỉnh Bến Tre; làng nghề sản xuất bột kết hợp chăn nuôi heo xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; làng nghề sản xuất gạch thủ công xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp...; nhiều làng nghề áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm hạn chế phát thải chất thải ra môi trường (như: làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội; làng nghề bánh đa Kế, thành phố Bắc Giang; làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang...).

 

langnghebanhtrangmylong.jpg
Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, tỉnh Bến Tre

 

Nhiều phong trào, mô hình BVMT đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế góp phần tạo nên một diện mạo mới về môi trường ở nông thôn như: mô hình “dòng sông không rác” của Nam Định; mô hình “biến bãi rác thành vườn hoa” tại Đồng Tháp; mô hình trồng hoa, cây xanh “từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông tại Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long...; mô hình “tôn giáo tham gia BVMT, giảm nghèo bền vững” tại Hậu Giang, Thanh Hóa, Nam Định...; mô hình tuyến đường hoa ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Nai.

Hiện, đã có 39/47 làng nghề (đạt 72%) xử lý triệt để hoặc xây dựng dự án xử lý ô nhiễm môi trường, còn 08/47 làng nghề (28%) chưa có dự án xử lý ô nhiễm môi trường.

Các biện pháp cứng rắn làm sạch môi trường làng nghề

Bên cạnh việc áp dụng những mô hình, còn có các biện pháp cứng rắn nhằm làm sạch môi trường làng nghề. Đơn cử như tại làng nghề giấy Phong Khê ở phường Phong Khê (TP, Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Theo ông Nguyễn Đình Phương – PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh: Mới đây tỉnh Bắc Ninh ban hành Văn bản số 2253/UBND-NN.TN tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen lẫn khu dân cư đang hoạt động tại phường Phong Khê.

Đoàn kiểm tra có trách nhiệm xử lý nghiêm tất cả các cơ sở không bảo đảm các tiêu chí về môi trường vẫn cố tình hoạt động, kiên quyết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp mạnh tay với số tiền lớn và đình chỉ hoạt động. Đây là động thái quyết liệt nhằm siết chặt công tác bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều năm tại đây.

Vẫn theo ông Phương, hiện lực lượng liên ngành đã tháo dỡ tất cả hệ thống xả thải không đúng quy định, trái phép ra sông Ngũ Huyện Khê; tháo dỡ toàn bộ đường ống dẫn nước lấy nước mặt từ đập Phú Lâm không có giấy phép; yêu cầu dọn sạch rác thải 2 bên bờ sông Ngũ Huyện Khê; đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn; triển khai lắp đặt camera giám sát tại các điểm nóng trên địa bàn…

Đã có gần 40 cơ sở sản xuất vi phạm về môi trường bị xử lý, số tiền hơn chục tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động sản xuất lên đến 9 tháng.

 

 

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top