Sáng 31/3, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tổng cục Chính trị đã tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang (LLVT).
Trong khuôn khổ các hoạt động hướng đến kỷ niệm 60 năm ngày Tạp chí Văn nghệ quân đội (VNQĐ) ra số đầu tiên (1/1957 - 1/2017), tiếp tục cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, từ ngày 18/3 đến 31/3, tại Nhà sáng tác Đà Lạt, Tạp chí Văn nghệ quân đội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Trại sáng tác văn học năm 2016.
Tại trại sáng tác lần này, Ban tổ chức đã mời các nhà văn, nhà thơ đã từng đoạt giải cao trong các cuộc thi truyện ngắn và thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội và vẫn lấy đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT làm trọng tâm, đồng thời khai thác các mảng đề tài khác.
Quang cảnh buổi lễ bế mạc.
Ngay trong ngày khai mạc, các nhà văn, nhà thơ đã sôi nổi thảo luận nhằm trả lời câu hỏi: Viết về chiến tranh như thế nào cho hấp dẫn? Nhiều tác giả và độc giả là những cựu chiến binh đã thẳng thắn chỉ ra những cái được và chưa được của dòng văn học này. Bằng sự trải nghiệm và tri thức chiến tranh phong phú, không ít ý kiến đã khiến các nhà văn giật mình vì những nhận thức ấu trĩ, thiên lệch khi viết về chiến tranh. Điều đó thêm một lần khẳng định, chiến tranh là một đề tài lớn, đã và đang nhận được sự quan tâm nhiều người. Nó đầy hứa hẹn, nhưng khai thác để có những tác phẩm giá trị không dễ. Nó đã và đang là một sự mời gọi nhưng cũng là thách thức đối với mỗi nhà văn nói chung và ở trại viết này nói riêng.
Sau 15 ngày, được tiếp xúc với các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, thăm những khu di tích chiến tranh, gặp gỡ những cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, các trại viên đã bắt tay vào sáng tạo. 18 tác phẩm văn xuôi, 40 tác phẩm thơ là minh chứng cho nỗ lực lao động nghệ thuật ở trại viết này. Có thể nhận thấy rất rõ, những tác phẩm viết về chiến tranh đã không ngần ngại khi phản ánh những mất mát hy sinh cũng như những sai lầm ấu trĩ. Nhiều tác phẩm đã có nhiều tìm tòi, đột phá về tư duy sáng tạo, cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Về văn xuôi, ở mảng đề tài chiến tranh và LLVT, các tác giả sinh ra và trưởng thành trong chiến tranh, bằng sự từng trải và kinh nghiệm thực tế đang chiếm lợi thế. Nhà văn Hữu Phương từng phát biểu: “Trách nhiệm của nhà văn là phải nói và viết đầy đủ, cả mất mát, đau thương, sai sót trong chiến tranh. Bởi chiến tranh không chỉ đơn giản là thắng và thua”. Với quan niệm này, ông đã cho ra đời hai truyện ngắn dầy dặn: “Làng cửa ngõ mặt trận”, là câu chuyện trớ trêu ở vùng đất “quân đến, quân đi, nối nhau. Làng không khi mô vắng lính”. Những người dân nơi đây đã sẵn sàng để bộ đội trú quân trong nhà, chấp nhận mọi hiểm nguy, từ bom đạn kẻ thù có thể dội xuống bất cứ lúc nào cho tới nguy cơ từ những mối quan hệ khó tránh giữa những người lính chuẩn bị đi vào vùng lửa đạn với những thành viên trong gia đình. Và hệ quả là bà mẹ trong truyện đã phải đối diện với một sự thực có sức tàn phá còn hơn cả bom đạn: Nàng dâu của bà đã phải lòng một người lính trẻ trong khi con trai bà đang ở chiến trường. Chuyện bị phát giác, đơn vị và chính quyền địa phương đang trông chờ vào thái độ của bà để xử lý vụ việc. Trừng phạt hay tha thứ? Tình huống cấp bách, đòi hỏi bà phải có quyết định ngay để kịp cho đơn vị hành quân chiến đấu. Và bà mẹ đã chọn vế thứ hai. Nếu chỉ dừng ở đó thì câu chuyện không có gì đáng kể. Nhưng Hữu Phương đã vượt qua được cái khuôn sáo. Ông chỉ lấy tình huống đó làm cái cớ để triển khai một câu chuyện có không gian, thời gian dài rộng, mà ở đó, thân phận người lính và những hệ luỵ chiến tranh còn đeo đẳng tới tận bây giờ. Và thời gian đã chứng minh dự cảm của bà mẹ về chiến tranh đã đúng, quyết định của bà đã đúng.
Các đại biểu đến dự.
Ở truyện "Ngàn lau gió cuốn", Hữu Phương lại chọn một vấn đề khá nhạy cảm. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, sự cảnh giác được nâng cao. Cao đến nỗi con người trong cuộc chiến dễ có những nhận định sai lầm. Người tưởng trong sáng, trung thành lại hoá ra phản bội; kẻ tưởng là đen tối, tráo trở lại hoá ra người thành thật thẳng ngay. Sự cảnh giác đến mức mất cảnh giác đã phải trả một cái giá bằng máu; và xót xa hơn, nó đã đẩy những người muốn đi theo chính nghĩa văng ra khỏi thời cuộc.
Lê Hoài Lương là nhà văn sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Bình Định trong những năm chiến tranh nên có góc nhìn khá lạ về cuộc chiến. "Đường về còn dài" là câu chuyện về một gia đình có chồng đi tập kết, vợ ở nhà nuôi con, chịu đựng mọi o ép, cám dỗ… nên có thêm hai đứa con với hai người đàn ông khác. Chiến tranh kết thúc, người chồng trở về. Cái khó khăn không phải là giải quyết ổn thoả mối quan hệ chồng chéo giữa những người trong gia đình, mà là sự dung hoà giữa hai cha con. Hai con người, hai sản phẩm giáo dục của hai chế độ có lý tưởng, quan niệm sống khác nhau đã tạo ra một khoảng cách khủng khiếp. Hai con người máu mủ ấy như hai đường ray lạnh lẽo chạy song song suốt một thời gian dài, để rồi khi sự nhận thức trưởng thành, có thể hiểu nhau, thông cảm và dung hợp với nhau thì không còn cơ hội. Đây là tác phẩm có tính khái quát cao, phản ánh sự tổn thất vô cùng lớn của đất nước sau những tháng năm dài chia cắt. Khoảng cách địa lí đã được nối liền sau ngày thống nhất, nhưng để nối được lòng người thì phải mất một thời gian rất dài.
Tác phẩm thứ hai của Lê Hoài Lương là truyện ngắn "Một con người". Đây là câu chuyện kể về nỗi đau của một người lính chịu sự giày vò hắt hủi của cộng đồng vì tội đào ngũ và nỗi đau nhiễm chất độc da cam nhưng vẫn cố sống, cố vươn lên.
Ở truyện: "Trong khu rừng yên tĩnh", Lê Hoài Lương lại khai thác bi kịch tình yêu trong chiến tranh. Một chiến sĩ thông minh, dũng cảm, tài hoa, đã lập được nhiều chiến công, chiếm được tình cảm của một cô gái đẹp. Nhưng tình yêu của họ đã vấp phải sự đánh phá quyết liệt từ kẻ có thế lực với những thủ đoạn bỉ ổi, gian manh. Phải rời đội ngũ, để chứng minh sự trong sạch của mình, anh đã tự phát chiến đấu và hi sinh trong cô đơn trong rừng vắng.
Nhà văn Lê Hoài Lương phát biểu
Cũng viết về chủ đề tình yêu nhưng truyện "Rạng đông" của Trần Thanh Cảnh là mối tình ở một làng quê Bắc Bộ. Hai người lính cùng chiến đấu ở một mặt trận. Trong một trận đánh, một người bị địch bắt và bị vu là chiêu hồi, để rồi hàng chục năm sau, những đứa con của hai người lính ấy dù rất yêu nhau nhưng buộc phải chia tay bởi định kiến. Sau nhiều năm chịu đựng cuộc sống hôn nhân không tình yêu, họ bỗng nhận ra không thể thiếu nhau. Họ đã cương quyết dứt bỏ mọi ràng buộc để tìm lại nhau như một sự tất yếu. Và sự tái hợp của họ như một cây cầu nối lại quan hệ của hai người lính đã bị đứt gãy bởi những hiểu lầm thời chiến tranh.
Cũng lấy cảm hứng từ chiến tranh, Trần Thanh Cảnh còn có thêm truyện ngắn "Hoa trúc đào ven suối" viết khá hóm hỉnh, sinh động về đời sống gian khổ khó khăn nhưng cũng rất lãng mạn của bộ đội thời chiến tranh biên giới phía Bắc.
Có thể nhận thấy rất rõ, những tác phẩm viết về chiến tranh ở trại sáng tác này đã không ngần ngại khi phản ánh những mất mát hi sinh cũng như những sai lầm ấu trĩ. Tuy nhiên họ đã viết bằng một sự điềm tĩnh cần thiết. Các nhà văn nhận ra rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, khi viết về chiến tranh, mọi sự cổ suý, tô hồng thái quá hoặc cay cú, hằn học cực đoan đều bất cập. Chỉ có thái độ khách quan, trung thực, coi chiến tranh là đối tượng thẩm mĩ để khai thác những giá trị nhân văn nhân bản mới là cách hữu hiệu để tiếp cận độc giả. Và hơn nữa, các nhà văn đã nhận thức rằng,số phận dân tộc ta luôn bị buộc vào các cuộc chiến tranh. Viết về chiến tranh là viết về quá khứ của dân tộc. Nhà văn phải viết làm sao để độc giả hiểu đúng quá khứ ấy. Bởi có hiểu đúng quá khứ mới biết trân trọng hiện tại và có trách nhiệm với tương lai.
Ở trại viết này, tác giả Nguyễn Văn Toan đã hoàn thành truyện ngắn “Nhau của núi” viết về một phong tục đặc sắc của người Tày. Tác giả Nguyễn Luân có hai truyện ngắn "Ngôi nhà trong sương" và "Bên kia núi" giàu cảnh sắc và tình cảm của người Nùng. Tác giả Đặng Minh Sáng có truyện ngắn "Một ông vua láu cá" với cái nhìn mới mẻ về đồng bào Tây Nguyên trước sự xâm lăng văn hoá. Tác giả Trần Thanh Cảnh có truyện ngắn “Giã bạn” viết về văn hoá Quan họ. Tác giả Đinh Phương có một câu chuyện bi hài về đời sống văn nghệ sĩ thông qua truyện ngắn "Hai mẹ con và nhà thơ cùng phố". Tác giả Hồ Huy Sơn có truyện ngắn "Vợ vắng nhà", phản ánh bi kịch của một gia đình nông dân phải li tán tha phương cầu thực trong giai đoạn đất nước chuyển mình từ nền sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp hoá.
Những tác giả kể trên hầu hết có tuổi đời rất trẻ, sinh sống ở nhiều vùng văn hoá khác nhau. Họ mới bước vào con đường sáng tác nên thường viết về những cái thân thuộc nhất, máu thịt nhất bằng cảm quan trong trẻo và kỹ thuật tươi mới. Những tác phẩm của họ đã và đang giúp cho Văn nghệ quân đội sinh sắc và đa dạng hơn cả về biên độ đề tài lẫn nghệ thuật truyện ngắn.
Cuộc thi thơ 2015-2016 của tạp chí Văn nghệ quân đội đang vào giai đoạn nước rút. Trại viết Đà Lạt có 6 tác giả thơ tham dự. Đây là những cây bút đã ghi được dấu ấn trên tạp chí cũng như trên văn đàn. Nhà thơ Nguyễn Giúp đã có những câu thơ hào sảng mà chất ngất ưu tình: Đi đi rồi mười năm hai mươi năm quay về/ Trái ớt vườn nhà còn cay xé lưỡi/ Cột kèo sừng sững đội mái âm dương/ Trăm năm một sợi tóc xanh buông rụng hai sợi tóc sương mây trắng… Những bài thơ: Mơ thấy ta quay về, Ao khuya, Tiếng chim trong khu rừng cũ... của Nguyễn Giúp xúc cảm được đẩy đến tận cùng, tàng ẩn cái chất Quảng da diết trong anh: Đêm/Ngọn nến tận cùng cháy/Chim tận cùng hót/ Anh tận cùng đi/ Và em vắt những giọt nước mắt cuối cùng.
Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã góp cho trại viết 04 chùm thơ, trong đó những bài: Trên đỉnh núi Voi, Đầy vơi Đà Lạt, Từ vết trăng lăn… với những hình ảnh gợi mở, rất đằm: Khật khừ bước/Lễnh loãng ngọn gió bám vai/ Vác hoàng hôn lên bậc cửa nhà sàn. Thơ của Nguyễn Thánh Ngã, một mặt là thứ men nồng hấp dụ; mặt khác là những trăn trở với những biến động của đất nước hôm qua và hôm nay: Chúng con những người lính trẻ/ Chưa ăn no câu Kiều đã hiểu giặc sau lưng...
Còn Trần Võ Thành Văn, trong cái nhìn trẻ trung sôi nổi luôn hiện lên một “cái tôi”, cá tính nhưng không quẩn quanh, huyền bí. Trong lao động văn chương, anh cố gắng vươn tới cái mới để cho ra đời những câu thơ rất mềm, rất động: Buổi tối ở rừng/Gối đầu trăng nguyên sinh/Sỏi nâu chưa từng tiến hoá/Lăn qua ta cay cực hoài thai…
Ở trại viết này, nhà thơ Ngô Thị Thanh Vân đã viết được những câu thơ về nỗi đau hậu chiến đầy ám ảnh: Ta đi qua ba mươi lăm mùa mưa/Hơn trăm lần xích người đàn ông dại ngây vào chân giường chỉ để mong người được sống… rồi cuối cùng là bung tỏa, giải thoát: Khi đón ông trở về với đất/Trăm người khóc. Cha cười. Rất thật/ Nụ cười hiền từ bi! Đây là những câu thơ được viết ra bằng sự giằng xé mãnh liệt trong bài: Đối thoại với bazan. Và trong sự “đối thoại” này, chị đã thắng.
Nhà thơ Nguyễn Giúp phát biểu.
Từ thành phố “hoa phượng đỏ” đến xứ “hoa phượng tím”, nhà thơ Trần Ngọc Mỹ đã bị cảnh sắc và con người Đà Lạt hớp hồn. Tình đất, tình người Đà Lạt ùa vào trang viết của mình, chị đã nhanh chóng cho ra đời những bài thơ: Vào phòng tranh thêu, Mùa anh, Dòng sông không ánh sao, Và ngày mắc cạn… Những câu thơ có góc nhìn rất mới: Phượng bung mình đốt trời sắc tím/ Ai người khâu vá/ Những mảnh vỡ lạo xạo về em…và những câu thơ rất gợi cảm, khát khao đến cháy bỏng: Em chẳng thể mãi đẹp/ Nhưng mãi làm thơ/ Nhanh lên /Hư hỏng, em chờ!.
Đối với Văn nghệ quân đội, việc đánh giá thành công ở mỗi trại viết không tính bằng số lượng bản thảo thu hoạch tại trại, mà được tính bằng số tác phẩm được đăng tải trên tạp chí. Với Trại viết Đà Lạt 2016, tỷ lệ bản thảo có thể in khá cao. Đó là những thành quả bước đầu đáng quý. Nhưng có một thứ đáng quý hơn, là qua trại viết này, Văn nghệ quân đội đã nhận được rất nhiều tình cảm của các đơn vị quân đội, các văn nghệ sĩ, các cựu chiến binh và các độc giả thân thiết trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Những cuộc tiếp xúc, giao lưu, trao đổi đã giúp trại viên có thêm cảm hứng, động lực và kinh nghiệm sáng tác; giúp cho các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn trẻ những tư liệu quý giá để hình thành tư duy văn chươngnói chung, văn học đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nói riêng cho hành trình sáng tạo lâu dài.
Minh Tuấn- Hoài Trung
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.