Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 3 năm 2022 | 10:41

Những gương sáng Thanh niên khởi nghiệp

Từ nhiều năm nay, các cấp bộ đoàn trong cả nước triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm tạo điều kiện cho lực lượng thanh niên - “chủ nhân” tương lai của đất nước khởi nghiệp, làm giàu.

Từ đó, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, truyền cảm hứng cho lực lượng trẻ xung kích, không ngừng sáng tạo và đổi mới diện mạo nông thôn.

Nhân Tháng Thanh niên 2022, Kinh tế nông thôn xin giới thiệu một số gương thanh niên sáng tạo khởi nghiệp.  

Khát vọng thoát nghèo

Ở Quan Sơn (Thanh Hóa), ai cũng biết đến tấm gương thanh niên thoát nghèo Ngân Văn Học (bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy).  Học là con thứ hai trong gia đình nghèo có 4 người con, bố mất sớm, cuộc sống nhiều khó khăn. Sau khi tốt nghiệp THCS, anh tạm gác việc học hành, ở nhà giúp mẹ làm đồi, làm ruộng. Khi mùa vụ xong, Học đi chặt luồng, chặt vầu thuê cho các hộ dân trong xã để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nhưng cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn.

 

1-anh-ngân-văn-học-mạnh-dạn-đầu-tư-thay-đổi-cách-làm-kinh-tế-áp-dụng-khoa-học-kỹ-thuật-vào-sản-xuất-nên-cây-trồng-đạt-hiệu-quả-cao.jpg
Ngân Văn Học mạnh dạn đầu tư thay đổi cách làm kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây trồng đạt hiệu quả cao

 

Với khát vọng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và thoát cảnh nghèo khó, năm 2015, anh quyết định vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với khoản tiền tiết kiệm của gia đình, đầu tư xây dựng mô hình trồng dưa lưới, rau, quả tổng hợp.

Anh mạnh dạn cải tạo 4 sào đất trồng luồng kém hiệu quả sang trồng dưa lưới và trồng rau màu chính vụ, trái vụ và bước đầu cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng/năm.

Trên đà thành công, Học tiếp tục đầu tư mua đất của các hộ dân xung quanh, cải tạo, mở rộng diện tích sản xuất. Đến cuối năm 2020, anh đầu tư xây dựng hệ thống nhà trồng dưa lưới, rau sạch áp dụng công nghệ tưới phun tự động. Hiện nay, mô hình mang lại thu nhập cho gia đình 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Lữ Anh Hướng, Bí thư Đoàn xã Sơn Thủy, cho biết: Ngân Văn Học là thanh niên có nghị lực, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Anh trở thành tấm gương sáng cho thanh niên xã Sơn Thủy noi theo.

Thành công từ thay đổi cách làm kinh tế

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Lê Văn Thuận (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) luôn ấp ủ ước mơ được lập nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất quê nhà. Anh không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất mới nhằm nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình và người dân địa phương.

 

3-thử-sức-với-mô-hình-trồng-nấm-rơm-trong-nhà-kín-anh-thuận-có-lợi-nhuận-30-triệu-đồng-tháng.jpg
Thử sức với mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín, anh Thuận có lợi nhuận 30 triệu đồng tháng.

 

Sau 2 năm làm việc cho một công ty chuyên về trồng nấm rơm ở Đồng Tháp, sau khi đã tích lũy được vốn kiến thức và kinh nghiệm. Năm 2018, anh trở về địa phương khảo sát nhu cầu thị trường cũng như tiềm năng phát triển của mô hình và quyết định thử sức với mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín.

Để đảm bảo năng suất nấm và chủ động hơn trong sản xuất, Thuận tự tìm tòi, nghiên cứu và tự sản xuất ra meo giống. So với meo giống ngoài thị trường thì meo giống của anh đảm bảo chất lượng và vì thế năng suất nấm cũng cao hơn. Thường thì mỗi vụ nấm rơm kéo dài hơn 1 tháng và thu hoạch được 2 đợt, mỗi đợt cách nhau 7 - 8 ngày. Đợt 1 thu hoạch trong 5 ngày; sau đó khoảng 3 ngày thu hoạch đợt 2.

Từ 3 nhà trồng ban đầu, đến nay Thuận đã mở được cơ sở trồng nấm rơm với 18 nhà trồng; mỗi nhà rộng 30m2 và được xây dựng theo đúng quy cách kỹ thuật, đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và nấm phát triển tốt, cho năng suất cao; trung bình mỗi tấn rơm nguyên liệu, cơ sở anh thu được 120-130 kg nấm.

Hiện, mỗi ngày cơ sở của Thuận thu hoạch 20-30 kg nấm; ngày thu hoạch rộ, lượng nấm tăng lên 50-60kg. Nấm được bán cho tiểu thương ở chợ thị trấn Vĩnh Hưng với giá 50 ngàn đồng/kg và lượng nấm hiện tại của cơ sở không đủ cung cấp cho nhu cầu của thị trường. Theo ước tính, mỗi tháng cơ sở của anh có tổng doanh thu 80-90 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu lợi nhuận gần 30 triệu đồng/tháng.

Cơ sở của anh hiện tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương gần 5 triệu đồng/người/tháng, cùng 2 lao động thời vụ khi tới đợt thu hoạch nấm với tiền công 25 ngàn đồng/tiếng.

Bên cạnh đó, Thuận còn hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho 2 hộ ở xã Hòa Bình (Tam Nông - Đồng Tháp), bước đầu đạt được hiệu quả khá cao.

Thuận đang ấp ủ nhiều ước mơ, dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất nấm. Trong đó, anh đang phối hợp nghiên cứu để tạo ra sản phẩm meo nấm dạng lỏng, nhằm thay thế cho meo giống dạng rắn hiện nay. Qua đó, giúp bản thân và người nông dân trồng nấm giảm bớt chi phí, đạt năng suất và lợi nhuận cao hơn.

Đất cằn nở hoa

Có lẽ câu chuyện về đoàn viên Lê Sỹ Thuật (thôn Mộc Hải, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) là minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ nhiệt huyết.

Thấy diện tích đất đồng lúa bạt ngàn tại địa phương bị bà con bỏ hoang nhiều năm vì hoạt động không mang lại hiệu quả,  Thuật bàn với bố mẹ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Đoàn thanh niên cho vay thêm 50 triệu theo nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, rồi bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại tổng hợp.

 

4-mô-hình-trang-trạng-tổng-hợp-cho-thu-nhập-hàng-trăm-triệu-đồngnăm-của-đoàn-viên-lê-sỹ-thuật.jpg
Mô hình trang trạng tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồngnăm của đoàn viên Lê Sỹ Thuật.

 

Đến nay, trên diện tích 5ha được cải tạo, phân vùng, Thuật đã trồng 600 gốc bưởi các loại và xen 1.200 gốc ổi. Tận dụng diện tích đất đai và nguồn thức ăn dồi dào, anh còn xây dựng chuồng trại để chăn nuôi 300 con lợn, 10 con trâu, bò và hàng nghìn con gà, vịt. Đến nay, sau hơn 5 năm thành lập, mô hình của Thuật đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Phát huy tinh thần tuổi trẻ, không ngừng tìm tòi cái mới, năm 2020, Lê Sỹ Thuật nuôi thử nghiệm mô hình tôm càng xanh xen lúa thành công nên  năm 2021, anh cải tạo lại ao hồ và nuôi đại trà.

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh Lê Thành Đông, ngoài việc đồng hành, tư vấn thanh niên về các quy trình thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; tổ chức Đoàn còn hỗ trợ thanh niên nông thôn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục, vốn vay; hỗ trợ ngày công san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu, xây dựng hàng rào, chuồng trại, nhà xưởng; hướng dẫn các các quy trình, xây dựng sản phẩm OCOP, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh niên...

Khởi nghiệp từ nuôi cá lồng

Tốt nghiệp Trung cấp nông nghiệp, chị Lò Thị Dung (dân tộc Thái, ở bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) tham gia hoạt động Đoàn tại địa phương. Nhận thấy mặt nước lòng hồ thủy điện trên địa bàn là lợi thế lớn, chị Dung đã đứng ra huy động thanh niên trong bản góp vốn và vay thêm vốn hỗ trợ từ Trung ương Đoàn để phát triển mô hình nuôi cá lồng.

 

5-mô-hình-nuôi-cá-lồng-của-thanh-niên-hợp-tác-xã-thẩm-phé.jpg
Mô hình nuôi cá lồng của thanh niên Hợp tác xã Thẩm Phé.

 

Là Giám đốc Hợp tác xã Thẩm Phé, chị Lò Thị Dung chia sẻ, khó khăn nhất là vốn để đầu tư sản xuất, sau đó là nhiều thanh niên trong bản không tin tưởng có thể tận dụng mặt nước lòng hồ để nuôi cá. Sau 1 năm nuôi, lồng cá đầu tiên đã cho hiệu quả, vì thế việc vận động thanh niên mới dễ dàng hơn. Đến nay hợp tác xã đã huy động được hơn 20 thành viên tham gia, với 12 lồng cá lăng, trắm, chép...

“Hợp tác xã được hỗ trợ vay vốn nguồn 120 của Trung ương Đoàn và đã sửa sang, tu sửa lại nhà, lồng bè để phục vụ cho hoạt động nuôi thủy sản của hợp tác xã. Mong muốn những năm tới đây được Đảng, Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện cho hợp tác xã tiếp cận vay thêm nhiều nguồn vốn ưu đãi; để cho hợp tác xã có thể mở rộng thêm quy mô. Tạo thêm cơ hội cho các sinh viên ra trường chưa có việc làm, cùng tham gia xây dựng hợp tác xã”, chị Lò Thị Dung cho biết.

Xã Hua Nà có lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng và chăn nuôi đại gia súc. Từ mô hình trồng ổi ban đầu, đến nay thanh niên trong xã đã thành lập hơn 20 mô hình phát triển kinh tế như: nuôi cá, trồng dâu tây, dược liệu và chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Hợp tác xã Hua Nà cũng là mô hình điển hình kinh tế tập thể của tỉnh Lai Châu, với sản phẩm OCOP đặc trưng “ổi Hua Nà”.

Anh Đỗ Văn Tuấn, Bí thư xã Đoàn Hùa Nà,  chia sẻ: “Hợp tác xã đang quản lý 6ha ổi, khoảng 5.000m2 dâu tây và 5.000m2 cây dược liệu. Hoạt động của hợp tác xã trong thời gian vừa qua đã tạo việc làm cho từ 20 đến 25 lao động địa phương, đặc biệt là cho các bạn trẻ. Thời gian tới, Đoàn xã có nhiều định hướng cho thanh niên, ví dụ như tiến tới sẽ phát triển về du lịch sinh thái, kết hợp các diện tích cây ăn quả, nhằm tạo đầu ra, tạo thương hiệu của sản phẩm”.

Phát triển mô hình “Vườn ươm thanh niên”

Thực hiện phong trào “Tuổi trẻ tỉnh Bình Dương chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, phát huy vai trò, sức trẻ của thanh niên trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều mô hình “Vườn ươm thanh niên” được các cơ sở Đoàn triển khai một cách sáng tạo, mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ. Điển hình là mô hình của  anh Đặng Trung Đạt (phường Hưng Định, TP.Thuận An).

 

2-đặng-trung-đạt-chia-sẻ-kinh-nghiệm-trồng-và-chăm-sóc-cây-kiểng.jpg
Đặng Trung Đạt chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây kiểng.

 

Năm 2017, với số vốn 500 triệu đồng nhưng với niềm đam mê, phát triển kinh doanh các loại cây kiểng, anh Đạt mua các loại cây kiểng được khai thác từ rừng về trồng. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, vườn cây của anh bị sâu bệnh nhiều. Tuy nhiên, với tinh thần không bỏ cuộc, anh đã khắc phục được những khó khăn, mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm diện tích.

Đến nay, tổng diện tích vườn cây của anh là 30.000m2, trồng các loại cây như sống đời (15.000 cây), vạn thọ (2.000 cây), hướng dương (5.000 cây), mào gà (2.000 cây), mai vàng (1.000 cây), sen đá (2.000 cây), xương rồng (1.000 cây)… Ngoài ra, anh còn hướng dẫn cho đoàn viên trong chi đoàn và các khác cùng nhân rộng mô hình trồng và kinh doanh. Hiện nay, mỗi năm anh thu nhập trên 1 tỷ đồng từ vườn cây.

Mô hình vườn ươm thanh niên, vườn cây sinh kế là cách làm sáng tạo. Từ những thành công bước đầu,  thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, góp phần đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế địa phương.

Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, chính quyền các cấp trên cả nước định hướng thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội  Và để các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ vươn xa, rất cần có thêm sự ưu đãi về vốn và  tạo lập chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

 

Môi trường khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thuận lợi nhất

Phát biểu tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020, Thủ tướng (hiện là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Các bạn không chỉ là tiềm năng của tương lai, là nguồn lực và tài nguyên hiện tại, mà sẽ là chủ nhân của đất nước. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thuận lợi nhất".

Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được coi là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Khởi nghiệp không chỉ là con đường chinh phục ước mơ của mỗi đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Việt Nam mà còn góp phần hiện thực hóa khát vọng lớn hơn của toàn dân tộc, đó là khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam “Phồn vinh, hạnh phúc” theo ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Có thể khẳng định rằng, cùng với sự định hướng và hỗ trợ thiết thực của các tổ chức, cấp bộ Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, ĐVTN cả nước với tinh thần xung kích, sáng tạo, lòng nhiệt huyết, đam mê và mong ước cống hiến cho quê hương, đất nước… đã trở thành một lực lượng đông đảo, tiên phong trong các phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Chính những hoạt động thiết thực này, mà đến nay, trên khắp các địa phương trong cả nước, nhiều loại hình câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên phát triển kinh tế được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả; những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập vài trăm triệu đồng trên năm đã ra đời; các chương trình giao lưu, toạ đàm, trao đổi, các khoá học, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất được tổ chức ở nhiều cấp bộ Đoàn trong cả nước; Trung ương ĐTNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành và các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho ĐVTN có nhu cầu khởi nghiệp, lập nghiệp.

Đồng thời, các cấp tổ chức Đoàn cũng tổ chức tìm kiếm, phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên, hỗ trợ hiện thực hoá các mô hình khởi nghiệp khả thi của thanh niên; tư vấn, hỗ trợ thông tin, thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách và những kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Cùng với đó, Trung ương Đoàn và các tổ chức Đoàn địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, vinh danh các doanh nhân trẻ và ĐVTN có mô hình kinh tế tiêu biểu, đổi mới sáng tạo...


 

Hữu Thắng (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top