Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 6 năm 2021 | 18:15

Những hy sinh thầm lặng của “người lính áo trắng” giữa tâm dịch Nghệ An

Chiến trường nào cũng có gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 những gian lao vất vả và hy sinh của những y, bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch đã làm xúc động, chạm đến biết bao trái tim người Việt

Những hy sinh thầm lặng

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Nghệ An đang bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt. Với phương châm “Chống dịch như chống giặc” toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang đồng tâm,đồng lòng, đồng sức, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chống lại đại dịch COVID-19.

Trong cuộc chiến cam go, hiểm nguy đó, không thể kể hết tinh thần chống dịch kiên cường, quả cảm của đội ngũ y, bác sĩ. Họ là những “người lính áo trắng” nơi tuyến đầu “chống giặc”. Những ngày qua, không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh là những đêm dài thức trắng, những suất cơm hộp ăn vội, những khuôn mặt in đậm hình khẩu trang, những mái đầu thêm điểm bạc và những nếp chân chim ngày càng hằn sâu hơn... của những “người lính áo trắng”. Có mặt để tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, những “người lính áo trắng” luôn hàng ngày túc trực 24/24, lao vào ổ dịch bất kể ngày đêm.

 

Những đêm trắng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Những đêm trắng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

 

Trong trang nhật ký viết vội mà 1 trong 52 cán bộ y tế tỉnh Nghệ An đã viết trên chuyến xe từ Hà Tĩnh về Nghệ An để nhận nhiệm vụ mới khiến người đọc không khỏi xúc động. Sau hơn 1 tuần tình nguyện chi viện phòng chống dịch Covid-19 tại Hà Tĩnh, không phút nghỉ ngơi, họ lại bước vào cuộc chiến nơi “quê nhà”: “16g ngày 16/6, xe chở chúng tôi lăn bánh qua cầu Bến Thuỷ, biết bao lần đi qua biển báo “Thành phố Vinh xin kính chào Quý khách”, nhưng lần này khi đọc dòng chữ đó trong chúng tôi trào dâng biết bao cảm xúc khó diễn đạt thành lời. 8 ngày xa nhà, cũng đã thành nỗi nhớ để anh chị em bỗng vỡ oà mà cười, mà reo lên khi gặp lại. Xe cứ thế vun vút đi, bạn này bảo sắp đi qua nhà em, bạn kia nói rẽ trái là về nhà tớ, rẽ phải là nhà bà ngoại, là nhà bà nội, nơi gửi bé đầu, nơi gửi bé sau... Tất cả chỉ xoay quanh "nhà tớ, con tớ"… và có lẽ còn có cả những lời nói thầm về “người thương, người yêu” của tớ nữa...

Nỗi nhớ nhưng chỉ là những tiếng xôn xao kể vậy thôi, bởi đã được quán triệt “Không ai được phép dừng lại gặp người nhà”. Chúng tôi chỉ có thể tạm gác lại tất cả những xúc cảm, tất cả những hình ảnh thân thương đó, tiến về phía trước, nhiệt huyết và khí thế cho "mặt trận" còn nhiều cam go đang chờ”.

 

Đoàn công tác chi viện cho Hà Tĩnh, gian lao vất vả nhưng vẫn một niềm tin sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Đoàn công tác chi viện cho Hà Tĩnh, gian lao vất vả nhưng vẫn một niềm tin sẽ chiến thắng dịch bệnh.

 

Là những giọt nước mắt ướt nhòa khi không thể làm tròn bổn phận làm con lúc cha mẹ ốm đau, lòng đau nhói nhìn đứa con thơ khóc ngằn ngặt đòi sữa mẹ, lo lắng đến nao lòng cho sức khỏe của người thân mà chẳng thể ở bên chăm sóc, là nỗi buồn của người mẹ chẳng thể ở bên động viên con trước bước ngoặt cuộc đời, trong kỳ thi quan trọng sắp tới… Tất cả những nỗi niềm ấy, họ - những người chiến sĩ áo trắng của nhân dân gói gém và dấu kín trong tim, để tiếp tục kiên cường đứng vững trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 chưa biết ngày nào kết thúc. 

Những kỹ thuật viên vẫn cần mẫn âm thầm phía sau cánh cửa phòng xét nghiệm dù ngày hay đêm “làm bạn” với virus. Dù ở trong phòng thí nghiệm hay xuống vùng dịch, thì vẫn đầy rủi ro tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm. “Có những lúc đang chợp mắt bỗng bật dậy, mơ mơ hồ hồ, miệng khô khát nước, nuốt nước bọt thấy đau rát, cảm giác người gai gai, lạnh, nóng thất thường, nghĩ rằng mình bị nhiễm bệnh. Để rồi khi nhận được kết quả mẫu âm tính lại thở phào, nhẹ nhõm”. Đó là lời chia sẻ của một cán bộ CDC Nghệ An.

Đằng sau những chiến sỹ áo trắng luôn can trường trên trận chiến chống COVID-19 là gia đình, người thân, những đưa con thân yêu. Nhưng có lẽ chính những đứa con thân yêu của các y bác sĩ ấy là những người chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Vì dịch COVID- 19 mà những đứa trẻ thơ không còn được ăn bữa cơm mẹ nấu mỗi ngày, không được cha ân cần hỏi han, không được nghe chuyển kể mỗi đêm, không được cha mẹ ở bên chăm sóc lúc ốm đau… Các con bị "tước" đi niềm hạnh phúc giản đơn mà đáng lẽ mọi đứa trẻ đều có quyền được hưởng. Rồi thay vì vô tư lo nghĩ, giờ những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi đã “trưởng thành” hơn, thay cha mẹ chăm em, quán xuyến việc nhà… Họ và gia đình thân yêu của mình đã phải hy sinh những niềm hạnh phúc vốn có của bản thân vì cuộc chiến không tiếng súng này. 

 

 Những kỹ thuật viên của CDC Nghệ An ngày đêm “làm bạn” với virut.
Những kỹ thuật viên của CDC Nghệ An ngày đêm “làm bạn” với virut.

 

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn còn dài, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Những cán bộ y, bác sỹ là những người lính xông pha nơi tuyến đầu phòng chống dịch. Giữa mùa hè nóng nực, không quản ngày đêm, có những ngày “xông pha mặt trận” quên ăn, quên ngủ. Mỗi khi có ca dương tính với COVID -19 là áp lực đối với họ lại nâng lên gấp bội. Chắc có lẽ đây là một trong những ngày tháng khắc nghiệt nhất trong cuộc đời họ. Cho dù vậy, dù cho bước chân có mỏi, bàn tay dẫu có nhăn nheo vì đeo găng, mồ hôi có thấm đầy vai... tinh thần và ý chí của những “người lính áo trắng” chưa bao giờ tắt trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh dịch Covid-19 này.

Những câu chuyện mang “xúc cảm” đến bao trái tim

Chắc hẳn chúng ta không thể không xót xa khi nhìn thấy khi nữ điều dưỡng Nguyễn Diệu Hằng đã ngất xỉu vì kiệt sức sau những đêm trắng lấy mẫu xét nghiệm ở Diễn Châu. Dù kiệt sức nhưng sau khi được đồng nghiệp tiếp nước, tiếp cả những câu chuyện vui, nụ cười chị đã rạng ngời trở lại cho ngày mai tiếp tục bước vào trận chiến. Chị là 1 trong 52 chiến sỹ áo trắng xung phong lên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ khi tỉnh bạn Hà Tĩnh “lâm nguy” sau hơn 1 tuần làm nhiệm vụ được điều về tiếp tục bước vào trận chiến ở “quê nhà”. Qua phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, dù đã nhiều ngày chưa thấy mặt chồng, mặt con, chị và 52 cán bộ, nhân viên y tế lại tỏa ra các vùng trọng yếu để lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, lao vào cuộc chiến, sau bộ đồ bảo hộ thẫm đẫm những giọt mồ hôi.

 

Nữ điều dưỡng Nguyễn Diệu Hằng kiệt sức khi làm nhiệm vụ.
Nữ điều dưỡng Nguyễn Diệu Hằng kiệt sức khi làm nhiệm vụ.

Là hình ảnh chị Nguyễn Thị Vân Anh (38 tuổi, nhân viên y tế P.Vinh Tân, TP.Vinh, Nghệ An) trong bộ đồ bảo hộ, chỉ dám đứng từ xa nhìn con khiến nhiều người rơi nước mắt. Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, chị gửi con cho ông bà để tham gia chống dịch. Chồng chị là anh Trần Quốc An, công tác tại Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, cũng vì nhiệm vụ trực chốt chống dịch mà nhiều tháng liền chưa về nhà. Khi vừa kết thúc công việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại phường Vinh Tân, TP.Vinh, chị nhận nhiệm vụ đến khu vực bị phong toả lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Bất ngờ, trong nhóm người chờ lấy mẫu chị nhận ra 2 con trai và bố mẹ chồng của mình. Đây là lần đầu tiên chị được gặp lại người thân sau 2 tuần xa cách trong đợt dịch mới. Trước đó, nhiều lần làm nhiệm vụ ngang qua nhà, chị không dám vào, chỉ đứng nhìn từ xa. Tranh thủ cơ hội hiếm hoi được gặp 2 con, trong trang phục bảo hộ, chị tuân thủ nguyên tắc giữ khoảng cách. Nhìn thấy con, chị cố kìm nén để không bật khóc, chẳng dám lại gần con, chỉ đứng từ xa dặn các con ở nhà ngoan ngoãn, nghe lời ông bà, để bố mẹ yên tâm công tác. Chị hứa với con: "hết dịch cả nhà sẽ đoàn tụ". 

 

Chị Vân Anh bất ngờ gặp bố, mẹ chồng và hai con đi lấy mẫu xét nghiệm trong khu phong tỏa, nhưng không thể đứng gần, phải giữ khoảng cách để phòng dịch COVID-19.
Chị Vân Anh bất ngờ gặp bố, mẹ chồng và hai con đi lấy mẫu xét nghiệm trong khu phong tỏa, nhưng không thể đứng gần, phải giữ khoảng cách để phòng dịch COVID-19.

Chúng ta sẽ không thể quên được hình ảnh nữ y bác sỹ của trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên cắt tóc để vào nhận nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến Hưng Nguyên. Giữa cái nắng cháy bỏng của dải đất miền Trung, trong bộ quần áo chống dịch bằng chất liệu gần như nylon, bức bối, khó chịu vô cùng... các chị đã không còn nghĩ tới chuyện xấu đẹp ở đời thường, các anh chị đã tự cắt tóc cho nhau, không cần phải salon sang trọng, không cần phải dầu thơm thượng hạng... tất cả chỉ một ý chí và quyết tâm “Vì Nhân dân phục vụ”.

 

Những nữ y bác sỹ của trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên cắt tóc để vào nhận nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến Hưng Nguyên
Những nữ y bác sỹ của trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên cắt tóc để vào nhận nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến Hưng Nguyên.

Là sau giây phút lặng đi của Giám đốc Sở Dương Đình Chỉnh chỉ nói được một câu "Thương anh em mình quá..." khi nhận được tin các anh em đồng nghiệp kiệt sức ngất xỉu sau những đêm trắng làm nhiệm vụ. Là những giây phút hiếm hoi ngã lưng chợp mắt trên vỉa vè của những tình nguyện viên sau những đêm thức trắng lấy mẫu xét nghiệp làm chúng ta không khỏi đau lòng.

 

Sau 11 ngày căng mình chống dịch, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vinh (Nghệ An) ngất xỉu, được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Sau 11 ngày căng mình chống dịch, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Vinh (Nghệ An) ngất xỉu, được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Và xúc động với tình cảm của 300 sinh viên Đại học y khoa Vinh nhận mệnh lệnh trái tim đã xông pha vào các điểm nóng ở TP. Vinh, với nỗ lực test nhanh hơn 500.000 người toàn thành phố. Họ đang ngày đêm chiến đấu với kẻ thù không hình mang tên Covid-19 với một tinh thần “Tất cả vì sức khỏe của Nhân dân”.

 

Phút ngả mình chợp mắt hiếm hoi trên vỉa hè của những tình nguyện viên sau những đêm thức trắng lấy mẫu xét nghiêm.
Phút ngả mình chợp mắt hiếm hoi trên vỉa hè của những tình nguyện viên sau những đêm thức trắng lấy mẫu xét nghiêm.

 

Cuộc chiến này, chẳng biết bao giờ mới kết thúc, sẽ còn nhiều câu chuyện chưa kể... Đằng sau những chiến sỹ áo trắng luôn can trường trên tuyến đầu chống dịch ấy là những nỗi niềm riêng, những gian khó, nguy hiểm luôn rình rập, những hy sinh thầm lặng không thể nói hết thành lời. Các anh, chị và các bạn thực sự là những “chiến sĩ áo trắng” đang dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

 

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
Tags
covid
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top