Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 2 năm 2016 | 2:59

Những mùa lúa xuân phơi phới…

Hàng nghìn năm trước, nông dân Việt vốn quen với hai vụ lúa chiêm và mùa, bà con cứ nhìn thời tiết mà chuẩn bị cho các công đoạn của mùa vụ. Nhưng có một người đã quyết tâm đi ngược lại những quy luật tự nhiên ấy, sáng tạo ra vụ lúa xuân, từ đây mở đường cho ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam liên tục gặt hái được những thành công mới. Đó là GS.Bùi Huy Đáp.

Cha đẻ của lúa xuân

Trong cuốn sách: “Bùi Huy Đáp – Cây đại thụ của nền khoa học nông nghiệp Việt Nam” do GS.TS. Ngô Thế Dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam chủ biên, khẳng định: “Có thể nói, một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nền nông nghiệp Việt Nam trong thế kỷ XX là công trình sáng tạo ra vụ lúa xuân của GS.Bùi Huy Đáp và các nhà khoa học Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, vụ lúa xuân (gieo cấy sau tiết lập xuân) sử dụng các giống lúa ngắn ngày có tiềm năng năng suất cao, thay thế cho lúa chiêm sử dụng các giống lúa cổ truyền dài ngày, năng suất thấp. Từ khi trở thành vụ sản xuất chính, vụ lúa xuân không những góp phần làm năng suất lúa toàn miền Bắc tăng lên 5 tấn thóc/ha mà còn thay đổi cả chế độ canh tác, mở đường cho các cây trồng vụ đông phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu nông dân”.

Cuốn sách về GS.Bùi Huy Đáp do GS.TS.Ngô Thế Dân chủ biên.

Trong những dòng hồi ký của mình, GS.Bùi Huy Đáp nhớ lại: “Theo dõi diễn biến của lúa chiêm những năm 1960, nhất là ở những vùng cấy lúa chiêm nhiều, tôi thấy có khoảng 10% diện tích bỏ hoang do thiếu sức kéo, lao động, làm không kịp; càng cấy muộn thì năng suất lúa càng giảm. Tôi đã dùng lúa ngắn ngày hơn, đó là lúa xuân để cấy vào chỗ phần trăm đất bị bỏ hoang này, với diện tích 100 mẫu ở xã Phí Trạch, Ứng Hòa (Hà Tây cũ). Ngay sau vụ đầu tiên đã thu hoạch được 100 tấn thóc. Năm sau, tôi đề nghị Hà Tây mở rộng việc áp dụng kinh nghiệm này trong toàn tỉnh, đây cũng là tỉnh đầu tiên hưởng ứng lúa xuân, sau đến Thái Bình, trước là để “phá hóa”, sau tiến lên thay cho lúa chiêm, thu hẹp dần lúa chiêm để cấy lúa mùa”.

Nhưng việc đưa lúa xuân vào sản xuất đại trà cũng gặp phải nhiều phản đối. Có nhà lãnh đạo khẳng định: “Miền Bắc từ ngàn đời nay chỉ có hai vụ, một vụ lúa chiêm, một vụ lúa mùa, đưa lúa xuân vào tức là ta chống lại thiên nhiên, chống lại quy luật của đất trời là con đường “diệt vong” của nông nghiệp. Một số địa phương “ngại” nói đến lúa xuân, thậm chí, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) còn có nghị quyết “cấm làm vụ xuân”. Kiên trì với con đường đã chọn, tháng 1/1966, GS.Bùi Huy Đáp cùng cộng sự về vận động tỉnh Nam Hà, huyện Hải Hậu làm vụ xuân. Ngay trong vụ đầu tiên, Hải Hậu đã thắng lớn, năng suất gấp 2 lần lúa chiêm. Cứ thế, lúa xuân lan sang Thái Bình, Nam Định; đến đầu những năm 1970 thì đã “phơi phới” ở khắp các cánh đồng miền Bắc.  Riêng Thái Bình trở thành “quê hương 5 tấn”, nổi tiếng khắp cả nước cũng nhờ lúa xuân.

Năm 1972, ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú đã đến gặp GS.Bùi Huy Đáp, nhờ ông lên tỉnh giúp chỉ đạo phát triển lúa xuân. Khi tỉnh Thái Bình có 90% diện tích cấy vụ xuân, được mùa lớn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm và nói: “Lúa chiêm đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó. Đã đến lúc cho nó nghỉ để nhường chỗ cho lúa xuân”.

GS.TS.Ngô Thế Dân đánh giá: “Nghiên cứu đề xuất thay thế lúa chiêm bằng vụ lúa xuân là một thành tựu khoa học nông nghiệp Việt Nam rất đáng được coi là một kỳ tích của thế kỷ XX”.

Không chỉ sáng tạo ra vụ lúa xuân, GS.Bùi Huy Đáp còn đề xuất làm thêm vụ đông dựa vào thời gian “đất nghỉ” giữa hai vụ khá dài. Thế là ngay từ đầu những năm 1970, vụ đông đã phát triển mạnh, nhiều địa phương coi vụ đông trở thành vụ sản xuất chính. Ngoài ra, những công trình nghiên cứu khoa học của ông cũng thật đáng nể như: Đặt tên cho lúa X1, CR203; xây dựng hệ thống kỹ thuật cho các loại cây trồng; ứng dụng kỹ thuật trồng cây ăn quả; làm bèo hoa dâu; trồng điền thanh mô… Với những cống hiến này, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1).

Những bài học quý

Theo GS.TS.Ngô Thế Dân, từ cuộc đời và sự nghiệp của GS.Bùi Huy Đáp, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý giá. Thứ nhất, nhà khoa học nông nghiệp phải tự hoàn thiện và luôn làm mới mình. Là người thông minh thiên bẩm, học giỏi từ nhỏ, lại được sự giáo dưỡng chu toàn của cha mẹ và sự chắp cánh của Đảng và Nhà nước, GS.Bùi Huy Đáp có cơ hội để thể hiện tài năng. Nhưng để có được sự ngưỡng mộ, khâm phục, sự thần tượng, để trở thành vị giáo sư uyên bác, có tầm nhìn chiến lược, có tài tổng kết đúc rút và tài thuyết trình như “rót vào tai”, ông đã phải học tập, rèn luyện kiên trì “ngày đi thực tế, ban đêm ngồi đọc viết có khi thâu đêm” (theo lời kể của Thư ký khoa học Đỗ Thế Trân). Ngay cả khi bị tai biến mạch máu não ổn định, không còn là người đi lại bình thường, ông vẫn đọc và viết thêm mấy cuốn sách nữa. Không chỉ thành thạo tiếng Pháp, ông còn tự học sử dụng tiếng Trung, tiếng Nga và tiếng Anh. Thời bấy giờ, cán bộ khoa học như ông không có điều kiện để đi tu nghiệp ở nước ngoài, những tri thức mà ông có chủ yếu do học tập, rèn luyện ở trong nước, học từ nông dân, từ đồng nghiệp, từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhà khoa học phải luôn làm mới mình bằng tài năng thì mới có được sự tín nhiệm của công chúng.

Thứ hai, nhà khoa học phải có phương pháp tiếp cận đúng, biết đưa vào hệ thống chính trị để hợp ý Đảng, lòng dân. Nước ta vốn là nước nông nghiệp, thời GS. Bùi Huy Đáp 90% dân số là nông dân, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như lãnh đạo các địa phương đều tập trung chỉ đạo lãnh đạo nông nghiệp.

Hiểu được thực tế này, GS. Bùi Huy Đáp và tập thể các nhà khoa học Việt Nam rất coi trọng việc tiếp cận đề xuất, thuyết phục lãnh đạo cấp ủy để đưa tiến bộ kỹ thuật về với nông dân. Cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng thường quan tâm, cố vấn GS.Bùi Huy Đáp làm lúa xuân; khuyến khích và biểu dương GS. Bùi Huy Đáp về tổng kết, đúc rút và đề xuất chuyển vụ lúa đông xuân và hè thu ở ĐBSCL. Có những bí thư tỉnh ủy phản đối làm lúa xuân, nhưng sau khi biết được ưu điểm nổi trội của vụ lúa này lại mời GS. Bùi Huy Đáp về chỉ đạo làm lúa xuân ở địa phương mình. Do phương pháp tiếp cận đúng mà giáo sư nhận được sự trân trọng, quý mến của hầu hết lãnh đạo địa phương.

Nhà khoa học nông nghiệp phải nắm được quy luật phát triển tự nhiên. Là nhà khoa học, nên tránh vận dụng, áp đặt những tiến bộ kỹ thuật nước ngoài một cách máy móc, dập khuôn. Trong quá trình phát triển nông nghiệp nước nhà đã từng xảy ra các sự kiện như trồng bông ở Đồng bằng sông Hồng theo chỉ đạo của chuyên gia nước ngoài, hay phong trào “cấy dồn lúa” dẫn đến thất bại cay đắng vì những việc này đều không theo quy luật tự nhiên. GS. Bùi Huy Đáp cũng đã từng thể hiện chính kiến. Nhiều người tâm đắc với ý tưởng của giáo sư: nông học phải theo hướng tiến hóa chứ không phải hướng cách mạng. “Đây là những bài học sinh thái về lòng người, cần ôn lại một cách nghiêm túc”. Sắp xếp mùa vụ để né tránh thời tiết  bất thuận; trồng xen, trồng gối, đa canh nông - lâm kết hợp chính là giải phải pháp giảm thiểu sự biến đổi của khí hậu; ứng phó và thích ứng với thiên nhiên vốn là giải pháp khôn ngoan hơn nhiều so với giải pháp can thiệp thô bạo.

Suốt cuộc đời lao động không biết mệt mỏi, GS.Bùi Huy Đáp đã cống hiến cho nền nông nghiệp Việt Nam những công trình vĩ đại và còn nguyên giá trị đến tận ngày nay.

Ghi nhận và tri ân những công lao to lớn của GS.Bùi Huy Đáp với nền nông nghiệp Việt Nam, các nhà khoa học nông nghiệp uy tín kiến nghị, truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho giáo sư và Hà Nội nên dành một con đường mang tên Bùi Huy Đáp. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã và đang làm hồ sơ thủ tục trình Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét và hiệp y với Bộ Khoa học và Công nghệ để GS. Bùi Huy Đáp được hưởng những phần thưởng xứng đáng.

GS.Bùi Huy Đáp sinh năm 1919 tại vùng chiêm trũng nghèo ở làng Bách Cốc, xã Thành Lợi (Vụ Bản - Nam Định). Ông đã trải qua nhiều cương vị công tác như: làm thày giáo ở Trường Canh nông Huế, Tổng thư ký Bộ Canh nông, Trưởng ban Canh nông khu 4, Giám đốc Viện Trồng trọt, Giám đốc Viện Khảo cứu nông lâm, Giám đốc Trường Đại học Nông – lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Vụ trưởng Vụ Khoa học, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước… Ông mất năm 2004 sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật.

Khánh Nguyên

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top