Dẫu đi trăm nơi, nghìn lối, nhưng mỗi lần về Thanh Chương (Nghệ An) vẫn không quên được mùi vị của “nhút” – thứ quà quê đậm tình Xứ Nghệ.
Không biết nhút có từ bao giờ, cũng chẳng biết có từ khi nào, chỉ biết rằng, nhút đã gắn liền với tên làng, tên xóm, là mảnh ghép quan trọng tạo nên bức tranh tổng thể huyện Thanh Chương bây giờ.
Mỗi độ hè sang, khi những chùm phượng vĩ nở rộ, dải bẳng lăng ngả nghiêng theo gió thì mùa thu hoạch mít để làm nhút bắt đầu. Những quả mít non (mít đang xanh) tầm 10kg được hái xuống, gọt sạch vỏ ngoài rồi băm nát thành sợi để làm nhút.
Bà Đoàn Thị Văn, khối 1A, thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương) kể: “Gia đình chúng tôi làm nhút từ bao đời, riêng đời tôi thì đã làm được 20 năm rồi, đây là nghề truyền thống mà cha ông để lại. Nhút ở đâu cũng có thể làm được, nhưng ở Thanh Chương – nhút đã thành thương hiệu”.
Nhút Thanh Chương nức tiếng khắp xứ Nghệ. Thậm chí từ Bắc vào Nam, hễ nhắc đến Thanh Chương người ta lại nghĩ nay đến nhút, một đặc sản, một thứ quà quê.
Bà Văn chia sẻ: “Làm nhút không khó, nói dễ thì rất dễ nhưng khó thì vô vàn. Vì sao có người làm thì ngon, dậy mùi, có người làm lại không được vậy. Tất cả phụ thuộc vào bàn tay của người làm. Bởi riêng với làm nhút, chỉ có thể làm bằng thủ công, có như vậy mới giữ nguyên được những giá trị vốn có của nó”.
Để có được 1 hộp nhút (2kg) thì phải chuẩn bị 3 đến 4kg mít xanh, chưa kể sả, hành tăm, ớt, nước sôi để nguội, muối trắng rang…
Làm nhút thường từ loại mít bở, có vỏ xanh mởn thì mới ngon. Mít được chọn làm không được non quá, cũng không được già quá. Bởi non thì không muối được, còn già thì ăn cứng, dai, các cụ già không dùng được.
Quả mít gọt sạch vỏ, rồi ngâm nước muối, nước gạo để khử mét. Khoảng 1, 2 tiếng sau thì đưa ruột mít trắng rửa sạch rồi thái nhỏ thành sợi. Việc này tùy vào sự khéo tay của mỗi người, thái càng nỏ càng tốt những phải thành sợi, không được vụn hay nát.
Tiếp đó, lại cho sợi mít vào vại làm bằng sứ, ngâm với nước muối pha với nồng độ vừa phải. Cho thêm một vài quả ớt, củ tỏi, lát gừng... thái nhỏ để tăng vị nồng khi thành nhút. Dùng vỉ đan bằng tre với hòn đá cuội sạch làm hòn đằn để nén chặt nhút trong vại.
Độ khoảng hơn 1 tuần sau, sợi mít trở nên vàng rộm, có mùi thơm đặc trưng, như vậy là đã thành nhút. Việc dùng vỉ tre với hòn đằn bằng đá cuội rất quan trọng. Các bà, các mẹ bảo rằng để kín gió trong thời gian ủ thành nhút.
Nhút được chế biến rất đơn giản, có thể vắt ráo nước rồi chấm nước mắm tỏi, nước tương ăn kèm rau. Cũng có thể làm nhút xào với dầu mỡ, một ít đường (Vì nhút có vị hơi mặn khi ngâm với muối để cất trữ được lâu ngày). Có thời gian thì làm món nhút nộm với nguyên liệu chính là nhút, thêm lạc, bánh đa, lá canh, lộc quế.
Những năm gần đây, nhút Thanh Chương còn là một sản phẩm đặc trưng để bán cho khách du lịch đến nơi đây lỡ “phải lòng” món ăn dân dã mà đậm đà này. Bên cạnh đó, đây còn là sản phẩm được bày bán tại hội chợ thương công thương vùng Bắc Trung Bộ được tổ chức tại Nghệ An.
Nhút là “đặc sản Thanh chương”. Gọi là đặc sản cho sang vậy thôi, chứ thực ra nhút là món phổ biến ở Thanh Chương, nhưng lại mang những hương vị rất riêng cả về vật chất lẫn tinh thần không nơi nào có được.
Có dịp ghé về vùng đất Thanh Chương, các bạn hãy một lần thưởng thức món ăn dân dã, thôn quê này, để hiểu hơn về con người, tính cách, sự nồng hậu của người dân nơi đây, để yêu hơn mảnh đất xứ Nghệ.
“Đừng khinh dưa nhút, tương cà
Tuy không lịch lãm nhưng mà sạch trong”.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.