Để thực hiện tốt công tác chốt chặn, kiểm soát cư dân qua lại biên giới trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, những chiến sĩ quân hàm xanh miền cao nguyên đá đã dựng lều bạt, ăn ngủ tại chỗ, túc trực 24/24 giờ trong tiết trời lạnh giá.
Hà Giang có 277km đường biên giới giáp với Trung Quốc; ngoài các cặp cửa khẩu còn có nhiều đường mòn, lối mở. Để thực hiện tốt công tác chốt chặn, kiểm soát cư dân qua lại biên giới trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, những chiến sĩ quân hàm xanh miền cao nguyên đá đã dựng lều bạt, ăn ngủ tại chỗ, túc trực 24/24 giờ trong tiết trời lạnh giá.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, từ ngày 26/1 (tức mùng 2 Tết Canh Tý), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng công an, dân quân và y tế địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm đội ngũ quân y tham gia phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; thành lập hàng chục tổ chốt chặn, 2 tổ cơ động sẵn sàng ứng phó cho các tuyến trọng điểm.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Hà, Phó chủ nhiệm hậu cần Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, cho biết: Là lực lượng cắm chốt ở địa bàn biên giới có nhiều đường mòn, lối mở, đặc biệt đây lại là tuyến biên giới giáp với Trung Quốc - nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo thành lập 38 tổ chốt chặn dọc biên giới; thành lập 2 tổ cơ động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh tại các tuyến trọng điểm. Lực lượng tham gia tại các điểm chốt chặn này được cung cấp đầy đủ khẩu trang, thuốc sát khuẩn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; đồng thời kiểm soát chặt chẽ những người qua lại, đặc biệt là tại các lối mở, đường mòn.
Tại điểm chốt chặn lối lên đường mòn gần mốc 419 trên địa bàn xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn), một chiếc lều bạt dã chiến được dựng ven đường, 6 chiến sĩ (gồm 4 chiến sĩ biên phòng và 2 chiến sĩ là công an và dân quân) thực hiện ăn ngủ tại chỗ, túc trực 24/24 giờ dưới tiết trời mưa rét thấu xương. Cứ vài ngày các anh lại thay phiên nhau về Đồn Biên phòng Đồng Văn cách đó hơn 5 km để tắm rửa.
Đại úy Lê Văn Hợp, cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú, cho biết, vì điểm chốt chặn không có điện, không có nước nên anh em ở đây gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, anh em động viên nhau vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ. “Trong thời gian cắm chốt tại đây, lực lượng làm nhiệm vụ đã ngăn chặn hàng chục lượt người qua lại biên giới trái phép, giải thích và tuyên truyền cho người dân hiểu về tình hình dịch bệnh; đồng thời cũng đưa một số lao động từ Trung Quốc trở về đến khu cách ly để được theo dõi và chăm sóc sức khỏe”, Đại úy Hợp nói.
Tại Trạm Y tế xã Lũng Cú, nơi đang có 9 công dân của 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc vừa từ Trung Quốc trở về được cách ly và theo dõi sức khỏe, ông Nguyễn Duy Đông, Phó Trạm trưởng, cho biết: Được sự hỗ trợ của quân y Đồn Biên phòng Lũng Cú, Trạm thành lập tổ phản ứng nhanh và đã tiếp nhận, cách ly theo dõi tình hình sức khỏe của 9 người (trong đó có 8 lao động từ Trung Quốc trở về, một người là thân nhân đi đón người nhà). Hiện 9 người này chưa có biểu hiện ho, sốt hay khó thở, tuy nhiên, họ vẫn sẽ được tiếp tục theo dõi trong những ngày tới.
Anh Thò Mí Xá (xã Niêm Sơn, huyện Mèo Mạc) là một trong số 9 người đang được theo dõi tại khu cách ly của Trạm Y tế xã Lũng Cú kể: Tôi đi lao động bên Trung Quốc, do lo sợ dịch bệnh nên về nước và được cán bộ biên phòng đưa vào trạm y tế xã chăm sóc sức khỏe. Hàng ngày, tôi được cán bộ biên phòng và y - bác sĩ thăm khám sức khỏe, lo chỗ ăn chỗ ngủ nên cảm thấy rất yên tâm.
Theo Thiếu tá Đỗ Đăng Nhiệm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú, những trường hợp cách ly và được theo dõi sức khỏe thì đơn vị chỉ đạo lực lượng quân y, đặc biệt là trạm quân dân y cùng kết hợp, theo dõi, chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần cho những công dân này.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các tổ chốt chặn, kiểm soát chặt 24/24 giờ tại các cửa khẩu, đặc biệt tại các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn tình trạng xuất - nhập cảnh trái phép, đồng thời tuyên truyền cho cư dân biên giới nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, Hà Giang chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào.
Qua công tác phòng, chống dịch Covid-19, một lần nữa hình ảnh người chiến sĩ quân hàm xanh lại mang đến cho người dân vùng biên viễn cực Bắc của Tổ quốc sự yên bình, yên tâm trong cuộc sống..
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.