Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 4 năm 2018 | 13:46

Nỗi đau ám ảnh nơi khúc sông “đoản mệnh” xứ Nghệ

Ngày ấy, 40 năm về trước (1978-2018), tại cống Hiệp Hòa nằm trên địa bàn xã Hòa Sơn (Đô Lương - Nghệ An),  xảy ra một vụ tai nạn khủng khiếp, cho đến bây giờ khi nghe câu chuyện được nhiều người kể lại tôi vẫn thấy ớn lạnh.

a.jpg
1.jpg
Cống Hiệp Hòa, nơi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng khiến hàng trăm người bị chôn sống dưới đống đất đá, cách đây 40 năm.

 

Những ám ảnh mất mát đau thương của gần 100 thanh niên đã bị vùi trong đống đổ nát, cướp đi bao ước vọng, bao khát khao tuổi trẻ đang sục sôi của những cuộc đời còn rất trẻ.

Bốn thập kỷ đã qua nhưng những con người nơi đây khi nhắc đến ngày định mệnh của 98 thanh niên xung phong ấy vẫn như mới ngày hôm qua, ánh mắt buồn sâu thẳm nhìn về dòng sông “đoản mệnh” thở dài. Đó mãi là nỗi đau thương, mất mát in hằn trong tâm trí người dân nơi đây.

Khúc sông “đoản mệnh”

Đã 11 giờ trưa nhưng ông Võ Văn Phương (xóm Yên Sơn 2 - xã Hòa Sơn) vẫn đứng một mình bên con kênh đào sát với cống Hiệp Hòa. Ông không cười, cũng không biểu hiện thái độ gì khi gặp khách lạ, chỉ nhìn xa xăm khi tôi hỏi về câu chuyện ngày ấy: “Tội lắm các chú ạ, chết là thiệt thân rồi nhưng đến bây giờ chỗ thắp hương để người sống tưởng nhớ cũng không có”.

Tôi tiến lại gần con kênh, nơi 98 người đã bị vùi chôn trong đống đổ nát. Con kênh đào chảy mạnh, mùa này đang là mùa tưới tiêu cho vụ lúa chiêm của ba huyện Diễn - Yên - Quỳnh (Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu). Cống Hiệp Hòa có ba cửa, một cửa âu, hai cửa van thuộc quản lý của thủy lợi bắc. Con sông đào có đoạn sâu đến 20m, có đoạn 10m, vách sâu thẳm toàn đá gồ ghề.

Ông Nguyễn Hoàng Cảnh, cụm trưởng cụm Hiệp Hòa không dấu được nỗi đau thương: “Năm ấy, tháng 8/1978, tôi đi bộ đội, thì ở quê nhà có chuyện xảy ra, nhà tôi chỉ cách cống Hiệp Hòa có một đoạn. Đến năm 1982 thì tôi về và làm cụm trưởng cụm Hiệp Hòa từ đó đến bây giờ. Năm 2005, tôi và vợ lập một cái miếu nhỏ để thắp hương cho những người đã hy sinh ở đây. Người nhà những người đã mất, đến để thắp hương mà không có chỗ nào nên vợ chồng tôi đã đào đá phía bên vách núi, lập một cái miếu nhỏ, bây giờ tôi qua lại thắp hương như miếu của nhà mình. Mỗi năm Tết đến, ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng, tôi đều thắp hương và cũng để nơi này bớt hiu quạnh. Nói thật với các chú, đêm chẳng có ai đi qua đây, ngày cũng ít người qua lại, chỉ có gia đình tôi xem đây như nơi thờ cúng người nhà. Tôi gắn bó ở đâu đã mấy chục năm rồi, gần gũi và thân thiết...”.

Gạt dòng nước mắt như muốn lăn vội, ông Cảnh đưa cho tôi xem địa chỉ, tên của 37 người ở xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, trong đó có 5 nam, còn lại là nữ, họ đều tuổi thanh niên. “Tôi chỉ mới tìm được tên và địa chỉ của 37 người ở xã Cát Văn, số còn lại ở các xã khác, tôi chưa đến được, nhưng tôi sẽ cố gắng tìm được hết...”.

2.jpg
3.jpg
Ông Cảnh cho xem danh sách 37 người hy sinh ở xã Cát Văn. 

 

Đại tang nơi công trường

Ngày 25/11/1977 âm lịch (tức ngày 3/1/1978), chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, tại cống Hiệp Hòa này, hàng trăm thanh niên trai, gái đang hăng say làm việc thì tai nạn ập đến. Vào khoảng 11giờ 55 phút ngày hôm đó, chỉ trong khoảng 30 giây, đất đồi hai bên do chất cao quá đã đổ ập xuống, vùi lấp tất cả.

Nguyên Phó ban quản lý nhân sự công trình Hiệp Hòa hồi đó, ông Lê Văn Liên, lý giải vụ sập đồi: “Đây là công trình triển khai đào đất ở hai bên mép sông để mở rộng dòng chảy, dẫn nước từ sông Lam về tưới tiêu cho vùng quê chiêm trũng của 3 huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Do để phục vụ kịp thời cho mùa màng nên triển khai xây dựng hơi hấp tấp, vội vàng, đào dốc quá nên đất đã đổ ập từ trên xuống.

Ông Liên minh chứng: “Thông thường, khi đào đất với độ sâu 10m, người ta nên đào theo hình chữ V, tức đào phía trên rộng, xuống phía dưới nhỏ dần. Ở đây người ta lại cho đào đứng, trên cũng như dưới nên vụ sập đất đã xảy ra”.

Cũng theo ông Liên, khúc sông này còn được gọi là khúc sông “đoản mệnh” vì địa thế hai bên khúc sông quá dốc. Trước đó, vào những năm đầu của thập niên 1930, lính Pháp đã xây dựng cống Hiệp Hòa để phục vụ cho hoạt động vận chuyển hàng hóa của chúng. Nhưng kế hoạch đã không được như ý nguyện, bởi trong lúc xây dựng, cống đã đổ sập làm chết rất nhiều lính Pháp. Sau sự cố đó, chúng đã bỏ dở, hiện phế tích ban đầu của cống Hiệp Hòa vẫn còn.

Ông Phan Văn Tùng, một công nhân cho biết: “Vụ việc xảy ra quá bất ngờ, cái giá do sơ suất trong thi công thì quá đắt. Trong đợt thi công ấy, người ta chú ý mở thêm cống thứ 4 và mở rộng hai bên để thuận tiện cho dòng chảy. Thế nhưng, thi công không đúng kỹ thuật, đất đắp cao quá, độ dốc đứng nên đất trên đồi chịu áp lực lớn đã trượt, sập xuống đè chết người”.

5.jpg
Miếu nhỏ được dựng lên để thắp hương tưởng nhớ 98 thanh niên hy sinh khi xây dựng cống Hiệp Hòa.

 

Ám ảnh tiếng kêu cứu thất thanh

Ông Võ Văn Phương nhớ lại: “Ngày ấy, đang giờ chính trưa, nghe tiếng động lớn, sau đó là tiếng hét inh ỏi, tôi chạy ra thì thấy cảnh hoảng loạn”. Theo nhân chứng này, các nạn nhân là những người làm ca chiều bắt đầu từ 12 giờ trưa. Để kịp tiến độ, những người làm ca chiều đã tranh thủ đến sớm, đứng theo dây chuyền để đưa đất đắp lên cao. Oái oăm thay, khi đang ăn dở cái bánh mỳ, đất trên đồi bỗng trượt xuống, “chôn sống” họ chỉ trong vài chục giây. Khi đưa các nạn nhân ra khỏi đống đất đá, nhiều người không khỏi rớt nước mắt khi thấy có nạn nhân còn chưa nuốt hết miếng bánh mỳ.

Trời quá trưa, ánh nắng hắt xuống dòng kênh đào chói chang, ánh nước dọi lên các tảng đá hai bên bờ kênh lênh láng. Dòng nước vẫn chảy về xuôi để phục vụ cho mùa màng tươi tốt, nhưng có ai biết rằng, cách đây 40 năm, cũng cái giờ trưa ấy, chính chỗ này đã cướp đi gần 100 sinh mạng của những con người đang phơi phới tuổi 20. Họ là những thanh niên xung phong được chính quyền điều động đi làm nhiệm vụ, nhiều người trong số đó đang tuổi đi học.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn ấy, chính quyền cùng với lực lượng bộ đội đã huy động hai chiếc xe thùng chở cồn và nước ra hiện trường để tắm rửa, khâm liệm cho nạn nhân. Sau đó, gia đình những người thiệt mạng đã đến nhận dạng, đưa thi thể người xấu số về quê an táng. Thật đau đớn, đến sáng hôm sau, thi thể một số nạn nhân vẫn phải nằm lạnh lẽo vì mặt mày đã bị biến dạng khiến thân nhân không thể nhận ra. Ám ảnh là vậy nhưng cho đến bây giờ, sau khi cái miếu nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Cảnh dựng lên để thắp hương ấy cũng rất cô đơn, lạnh lẽo.

 

 

 

 

Văn Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top