Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 14 tháng 3 năm 2016 | 11:26

Nỗi đau Gạc Ma không thể xóa nhòa

Ngày 14/3 năm nay, hơn 90 triệu đồng bào cả nước vọng tưởng 64 cán bộ liệt sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã hi sinh trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988. Lịch sử đã sang trang, quan hệ cũng có nhiều đổi khác, song trận tàn sát của hải quân Trung Quốc đối với các chiến sĩ hải quân Việt Nam ngày ấy không thể phai mờ. Gạc Ma mãi là nỗi đau mang hồn Tổ quốc.

9 người lính Trường Sa (mặc áo hải quân) bị Trung Quốc bắt giữ được thả về sau 3 năm giam giữ trái phép. Ảnh tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu.

Ngày tạm biệt là ngày đi mãi mãi

Trong số 42 người con của phường Hòa Cường, TP.Đà Nẵng nhập ngũ năm 1987, có 7 người nhập ngũ vào Đại đội 9 Trung đoàn 83 Công binh Hải quân. Ngày tạm biệt gia đình ra Trường Sa, cũng là ngày 7 chiến sĩ ra đi mãi mãi.

Trong nhiều câu chuyện kể về sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Trường Sa, lịch sử Quân chủng Hải quân mãi nhắc đến 7 chiến sĩ của Đại đội 9 thuộc Trung đoàn 83 Công binh Hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa – 88. 28 năm trôi qua - một khoảng thời gian khá dài so với dòng chảy của lịch sử, đủ để xóa nhòa nhiều ký ức. Song có một điều không thể nào quên trong tâm tưởng của thân nhân các liệt sĩ, đó là người thân của họ đã ngã xuống ở Trường Sa.

Tôi tìm đến gặp Anh hùng Đại úy Nguyễn Văn Lanh, hiện đang công tác tại Phòng Hậu cần hành chính phía Nam, Quân chủng Hải quân-  một trong các chiến sĩ của Đại đội 9 sống sót trở về. Ký ức trận hải chiến Trường Sa ùa về xúc động khi anh Lanh kể về sự hy sinh của 7 đồng đội.

Sau ngày lên đường nhập ngũ và huấn luyện tân binh, 7 người con của phường Hòa Cường được biên chế vào Đại đội 9 thuộc Trung đoàn 83 Công binh Hải quân. Trước dã tâm của Trung Quốc đem quân đánh chiếm trái phép một số đảo, điểm đảo trong quần đảo Trường Sa, toàn bộ chiến sĩ của Đại đội 9 được huy động đi đảo. “Phường Hòa Cường ngày ấy nghèo lắm. Người dân chủ yếu làm nghề biển nên nói đi Trường Sa là các chiến sĩ luôn sẵn sàng lên đường. Ngày lên đường, anh em chúng tôi hứa với gia đình sẽ trở về, không ngờ đó là ngày chia tay lần cuối”. Anh Lanh mắt đỏ hoe nhìn ra khoảng trống trước phòng làm việc, rồi quay lại kể. Chiều 13/3/1988, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 có mặt trên tàu HQ-604 chừng nửa tiếng đồng hồ thì tàu Trung Quốc đến. Sáng 14/3, sau khi bắn, giết hết số chiến sĩ giữ cờ trên đảo Gạc Ma, pháo 100 ly từ tàu chiến Trung Quốc bắt đầu nã vào tàu HQ-604 cho tới khi tàu chìm. Không dừng ở đó, tàu Trung Quốc tiếp tục truy sát những chiến sĩ còn sống sót. Một số chiến sĩ may mắn thoát được lúc đó cũng bị Trung Quốc truy lùng bắt làm tù binh đem về giam ở nhà tù Quảng Đông.

Bảy người con của phường Hòa Cường đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Trường Sa 88 sau khi kết thành vòng tròn bất tử giữ cờ trên đảo Gạc Ma là Trương Quốc Hùng, Trần Văn Tài, Phan Văn Sự, Nguyễn Hữu Lộc, Phan Văn Lợi, Lê Văn Sanh, Nguyễn Phú Đoàn. Đại đội 9, nơi trước đây các anh đã học tập, rèn luyện nay vẫn còn phiên hiệu, chỉ khác là khuyết 7 vị trí. 

1

Nguyễn Hữu Lộc

1968

Binh nhì

Chiến sĩ E83 Công Binh

tổ 22 Hoà Cường, Đà Nẵng

 

2

Trương Quốc Hùng

1967

Binh nhì

Chiến sĩ E83 Công Binh

tổ 55, Hoà Cường, Đà Nẵng

 

3

Nguyễn Phú Đoàn

1968

Binh nhất

Chiến sĩ E83 Công Binh

tổ 47, Hoà Cường, Đà Nẵng

 

4

Phạm Văn Lợi

1968

Binh nhất

Chiến sĩ E83 Công Binh

Tổ 53, Hoà Cường, Đà Nẵng

 

5

Phạm Văn Sĩ

1968

Binh nhì

Chiến sĩ E83 Công Binh

tổ 7, Hoà Cường, Đà Nẵng

 

6

Trần Tài

1968

Binh nhất

Chiến sĩ E83 Công Binh

tổ 12, Hoà Cường, Đà Nẵng

 

7

Lê Văn Xanh

1967

Binh nhất

Chiến sĩ E83 Công Binh

tổ 38, Hoà Cường, Đà Nẵng

 

Danh sách bảy liệt sĩ ở Phường Hòa Cường, Thành Phố Đà Nẵng

Những dòng thư để lại

Trong số 64 liệt sĩ nằm lại Trường Sa, có một liệt sĩ quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, tên Nguyễn Bá Cường. Để tường tận về anh, tôi đã tìm gặp Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu HQ-07, để nghe ông kể về liệt sĩ Cường.

Cũng như nhiều người lính hải quân xung phong đi Trường Sa năm 1988, Nguyễn Bá Cường được điều xuống tàu HQ-604 làm nhiệm vụ. Trước khi xuống tàu, Cường thuộc quân số của Học viện Hải quân Nha Trang. Ngày ra đi, bà Trương Thị Ngò, mẹ của Cường bảo: “26 tuổi rồi mà chưa vợ con gì. Đi xong đợt này, về cưới cho mẹ cô vợ, đẻ thằng cu rồi đi. Mẹ già rồi, cần có cháu bồng bế chớ”. Cường chỉ cười: “Mẹ yên tâm, con sẽ cưới vợ và đẻ một đàn cháu, tha hồ mẹ bế”. Ai ngờ, niềm ước mong nhỏ nhoi ấy chẳng thành sự thật, Nguyễn Bá Cường mãi mãi nằm lại biển khơi.

Chiến sĩ tín hiệu đảo Cô Lin phát tín hiệu cho xuồng cập đảo

Sau 6 ngày hy sinh tại trận hải chiến Trường Sa 1988, di vật của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường được đưa về đất liền. Hành trang của người lính đảo chỉ có chiếc ba lô đựng bộ quân trang, vài lá thư và một cuốn nhật ký viết bằng mực tím đầy ắp tâm tư của người lính trẻ: “Mặc dù biết rằng khi ta bước chân ra đi thì chưa biết ngày nào trở về với gia đình (…), trước mắt gia đình ta khó khăn về mọi mặt, cha ta một nắng hai sương, mẹ ta lo chạy vạy ngày hai bữa...”

Trung tá Nguyễn Viết Chức xúc động: “Chú Cường hy sinh năm 26 tuổi. Trước khi đi Trường Sa, chú ấy cũng có người yêu. Cô bạn gái học cùng trường. Những ngày ở tàu HQ-604, không có điều kiện viết thư cho người yêu, chú ấy đành ghi trong nhật ký, “Anh phải ra đi vì non sông vẫy gọi, đất nước đang cần”. Đã một thời, tôi dùng câu nói của anh để làm lý tưởng sống cho mình”.

Con tàu huyền thoại 604 trong trận hải chiến trong trận Gạc Ma. Ảnh: TL  

Bữa cơm cuối cùng

Câu chuyện bữa cơm cuối cùng của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, quê ở Hoa Lư, Ninh Bình vẫn in đậm trong tâm khảm của người vợ trẻ - chị Đỗ Thị Hà. Lần theo số điện thoại, tôi gọi cho chị Hà để xin kể về kỷ niệm thời anh Doanh còn sống. Chị Hà nghẹn giọng: “Tôi chẳng quên được bóng hình anh ấy dù đã quá lâu rồi”. Chuyện bữa cơm cuối cùng chia tay anh Doanh đi đảo thế nào chị?. Thay vì trả lời là tiếng nấc nghẹn trong máy điện thoại...

Trước ngày lên đường đi Trường Sa, anh Doanh đến nhà chị Hà và nói với mẹ vợ: “Hôm nay, con ăn cơm nhà mẹ bữa cuối, mẹ à”. Mẹ chị Hà mắng: “Anh chỉ nói gở”, rồi quay đi lau giọt nước mắt. Bà không muốn con rể nhìn thấy đau thương trước giờ đi đảo, dẫu bà hiểu có thể lời con rể nói là sự thật. “Sớm hôm sau, anh Doanh chia tay cả nhà lên đường. Đúng một tuần sau thì nhận được tin anh hy sinh, tôi như chết lặng, còn mẹ tôi thì gào khóc. Bà bảo, anh Doanh nói linh thật. Không ngờ bữa cơm ấy là lần cuối bà nấu cho anh. Cách đây mấy năm, ngư dân vớt được một số xương cốt của các liệt sĩ ở bãi cạn gần đảo Gạc Ma. Tôi đã lấy mẫu xét nghiệm AND, hy vọng có hài cốt của chồng mình nhưng không phải. Năm 2009, tượng đài Cam Ranh xây dựng, tôi thấy có tên anh Doanh ở đó”, chị Hà nghẹn ngào khóc trong điện thoại.

Đảo Cô Lin sừng sững giữa biển trời

64 linh hồn bất tử

64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988, có một sĩ quan đeo quân hàm cấp trung tá, 2 sĩ quan cấp đại úy, 3 sĩ quan cấp thượng úy, 2 sĩ quan cấp trung úy, 2 sĩ quan thiếu úy, 1 sĩ quan chuẩn úy. Liệt sĩ là hạ sĩ quan chiến sĩ có 46 người (2 thượng sĩ, 9 trung sĩ, 11 hạ sĩ, 17 binh nhất, 7 binh nhì); hai quân nhân chuyên nghiệp, một liệt sĩ giữ chức thuyền trưởng, 4 liệt sĩ giữ chức phó thuyền trưởng, 1 liệt sĩ giữ chức đại đội trưởng, 3 người giữ chức trung đội trưởng, 2 chiến sĩ giữ chức tiểu đội trưởng. Dù các anh mang quân hàm cao hay thấp, giữ chức vụ gì, thì sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử, sống mãi trong lòng các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong suốt 28 năm qua.

Lịch sử đã sang trang, sự kiện 14/3 cũng lùi vào dĩ vãng, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có nhiều đổi khác, song sự kiện 14/3/1988 thì không thể nào quên. “Việt Nam không bao giờ muốn nhắc lại quá khứ đau thương, song cũng không bao giờ quên tội ác. Quan hệ giữa hai nước có đổi thay, song lịch sử thì không bao giờ thay đổi. 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Trường Sa ngày ấy, luôn nhắc nhở chúng ta một điều, phải luôn nêu cao cảnh giác. Máu xương hôm qua đổ xuống, là bài học để hôm nay chúng ta giữ biển, đảo bằng sức mạnh dân tộc. Trận chiến Gạc Ma đã được ghi trong chính sử Hải quân. Trận chiến ấy là nỗi đau mang hồn Tổ quốc. 64 liệt sĩ đã ngã xuống, mãi mãi bất tử trong lòng nhân dân”, Trung tá cựu binh hải quân Hoàng Văn Thể, nguyên thuyền trưởng tàu HQ-11 anh hùng, nói.

Bài ảnh: Minh Quang

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top