Nỗi lòng của người cha có con nhiễm chất độc hóa học Dioxin
“Khi hai vợ chồng tôi già yếu rồi chết đi không biết con bé Hiền sẽ sống thế nào?”, ông Trần Trọng Kim (SN 1949, trú tại xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) nói trong lo lắng khi nghĩ về tương lai của cô con gái bị nhiễm chất độc hóa học Dioxin.
Men theo con đường nhỏ thuộc xóm Trung Hậu, xã Diễn Vạn, tôi tìm đến nhà ông Trần Trọng Kim - một người lính đã từng chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, người cha có con gái bị nhiễm chất độc hóa học Dioxin. Căn nhà nhỏ cấp 4 đã rêu mốc qua thời gian nằm khuất sâu trong ngõ hẻm. Ấn tượng ban đầu của tôi về ông Kim là một người đàn ông gầy gò, ốm yếu, da rám nắng, tóc đã bạc hơn phân nửa. Mời tôi ly trà nóng, ông bắt đầu câu chuyện của mình.
Lúc vừa tròn 18 tuổi (8/1967), ông Kim cùng các thanh niên vùng quê xứ Nghệ khác viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ đánh giặc ở chiến trường Đường 559 - Lào. Từ năm 1972 đến năm 1975, ông cùng đồng đội chuyển vào hoạt động ở chiến trường Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng thuộc Miền Nam Việt Nam. Ngày 31/12/1975, sau khi đánh thắng cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đất nước giành được độc lập, thống nhất cả nước, ông phục viên trở về địa phương. Ông kết duyên cùng một người phụ nữ cùng quê là bà Đặng Thị Chắt (SN 1953). Bà Chắt cũng đã từng tham gia thanh niên xung phong, mở đường lấp hố bom, vận chuyển lương thực thực phẩm ở khu vực Đô Lương - Nam Đàn - Diễn Châu.
Ông lập được nhiều chiến công nên được trao tặng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương chiến sĩ giải phóng; Huân chương kháng chiến hạng nhất, nhì, ba; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng,... Những tấm giấy khen đã có phần rách nát nhưng vẫn được ông Kim đóng khung gọn gàng. Ông Kim dành một góc nhỏ của nhà mình để trưng bày. Điều quan trọng, ông muốn lưu giữ những kỉ niệm đẹp nhất về một thời kỳ mang trên mình màu xanh áo lính và chiến đấu hết sức mình để giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Trần Thị Hiền (SN 1991) là người con thứ 5 trong gia đình. Từ lúc mới lọt lòng đã không may mắn như anh chị mà bị dị tật, dị dạng bẩm sinh, nói năng khó khăn, béo phì và thiểu năng trí tuệ. Nhà nghèo, lại đông con, không có tiền chạy chữa, có lẽ vì vậy mà ông bà cũng đành buông xuôi và nhìn Hiền lớn lên từng ngày trong cơn giày xéo mang tên Dioxin.
Đã 28 tuổi nhưng Hiền chưa một lần biết làm những việc nhỏ nhặt nhất như đánh răng, rửa mặt hay nấu ăn, quét nhà, tắm giặt... Thậm chí, Hiền cũng không thể tự xúc cơm ăn mà phải nhờ bố mẹ giúp. Những việc hàng ngày tưởng chừng như đơn giản đó đối với chị thật quá xa lạ và khó khăn. Hiền không thể hoạt động bình thường như bao người khác. 28 tuổi – cái tuổi mà đáng nhẽ ra người con gái đã phải trải qua vài mối tình để trải nghiệm những vị ngọt, vị đắng của tình yêu và lựa chọn một người đàn ông chung sống thì với chị những việc ấy thật quá xa xỉ,... Và còn rất nhiều, rất nhiều những cái “chưa” mà cô gái này chưa một lần dám nghĩ tới.
Khi nhắc đến người con gái không may mắn của mình, đôi mắt của ông Kim bỗng ngầu đỏ, nước mắt như chực ứa ra, ông nói trong ngắt quãng: “Tội cháu nó lắm cô ạ. Sinh ra đã mang bệnh tật trong người. Gần 30 tuổi rồi mà cứ như đứa con nít vậy, không biết gì”.
Do tuổi đã cao, lại chịu ảnh hưởng từ chiến trường nên cứ trở trời những cơn đau xương khớp lại ùa về khiến ông Kim không thể chợp mắt. Mới đây, ông còn phát hiện mình bị u xơ tuyến tiền liệt, thoái hóa đốt sống lưng, đốt sống cổ. Căn bệnh thận cũng đã đeo bám bà Chắt nhiều năm nay.
Nghĩ về tương lai của các con, ông Kim không mong đợi gì ngoài khỏe mạnh để có thể tiếp tục lao động, trông nom các con, các cháu. Ông Kim nói trong lo lắng: “Khi hai vợ chồng tôi già yếu rồi chết đi không biết con bé Hiền sẽ sống thế nào?”. Có lẽ, nỗi lo cho tương lai các con đã góp phần làm dày thêm những nếp nhăn trên trán những người làm cha, làm mẹ.
Trên khuôn mặt khắc khổ, chất phác của ông Kim khẽ nở nụ cười hiền hậu: “Những năm qua, vợ chồng chúng tôi lúc nào cũng bảo nhau cố gắng mà sống, được trợ cấp đến đâu thì quý đến đó vì nhiều gia đình còn khó khăn, chật vật hơn mình”.
Trong giây phút xuất hiện nụ cười hiếm hoi ấy, ông Kim dường như tạm lắng lại nỗi đau luôn giày xéo tâm can. Không ngờ, trong hoàn cảnh bi đát như thế, ông vẫn nghĩ và lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn như mình. Người ta thường bảo, chỉ có những người từng đi qua tận cùng khổ đau mới có thể hiểu sâu sắc và cảm thông với nỗi đau của người khác. Thế mới biết bản lĩnh và tinh thần của những người lính Cụ Hồ trải qua bao lần vào sinh ra tử như ông Kim thật kiên cường và bao dung!
Ông Đặng Văn Công (Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn) cho biết: “Anh Kim là một Đảng viên gương mẫu, một người đồng chí có tinh thần trách nhiệm cao, một người công dân tốt và đặc biệt là một người cha rất yêu thương con. Chính quyền địa phương cũng rất đồng cảm và chia sẻ với hoàn cảnh gia đình anh”.
Mới đó mà trời đã gần tối, tôi chào tạm biệt gia đình ông Kim ra về nhưng trong lòng còn vấn vương điều gì đó. Phải chăng đó là sự cảm thông đặc biệt tới những mảnh đời bị nhiễm chất độc hóa học Dioxin? Họ có thể là những người không xinh đẹp, không giàu có,... nhưng họ có một trái tim nhân hậu và giàu tình nghĩa.
Qua hơn 2 tháng triển khai với quyết tâm hoàn thành nhà ở cho người dân kịp đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, 200 căn nhà đã được bàn giao cho người dân sử dụng theo hình thức “chìa khóa trao tay” với nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Công an.
Trải qua mấy mươi năm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đã có nhiều cháu thành đạt, có cuộc sống ổn định, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (CTXH-QBTTE) Thừa Thiên - Huế đã thắp lửa “sưởi ấm” cho nhiều phận đời kém may mắn, giúp họ vượt qua những rào cản, phát triển và hòa nhập cộng đồng.
Hôm nay (15/12), Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đến dự lễ bàn giao nhà và tặng quà người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai).
Theo kế hoạch, Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao đón năm mới Ất Tỵ tại 4 địa điểm bao gồm trung tâm thành phố Huế và các địa phương A Lưới, Phong Điền và Phú Lộc.
Được chính thức khởi động từ tháng 9/2022, Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đến nay cơ bản đạt mục tiêu đề ra, bước đầu tạo ra những kết quả rất đáng phấn khởi.
Vô cùng thương tiếc báo tin: Cụ Đặng Thị Bảy (pháp danh Nhuận Bổn), sinh năm 1930 (mẹ đồng chí Nguyễn Tiến Chương, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế nông thôn, nay là Tạp chí Kinh tế nông thôn), đã tạ thế vào hồi 04 giờ 30 phút ngày 27/12/2024 (tức ngày 27 tháng 11 năm Giáp Thìn).
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng, sửa chữa hơn 8.000 nhà ở cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, có 1.627 hộ nghèo, cận nghèo và hơn 500 hộ thuộc diện người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ.