Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 3 năm 2022 | 22:22

Nông dân đổ xô trữ phân bón vì giá tăng cao

Giá phân bón tại nhiều nơi không ngừng leo thang trong mấy ngày gần đây không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất lúa, dưa hấu, mà còn tác động tiêu cực đến các loại cây trồng hoa màu khác nhất là cây mía, sắn.

Việc phân bón tăng giá mạnh đang đặt ra bài toán khó cho nông dân trong việc duy trì vườn trồng và chất lượng sản phẩm.
 
Trước tình trạng đó, không ít nông dân Phú Yên bắt đầu đổ xô đi mua phân bón dự trữ, đề phòng giá tăng cao đột biến khi vào thời kỳ chăm sóc cây trồng.
 
Trên thị trường, hiện giá phân bón đã tăng lần thứ 3 liên tiếp. Giá phân ure lên ngưỡng 18.000 đồng/kg; phân DAP ở mức 18.500-19.000 đồng/kg; NPK lên 16.000-16.500 đồng/kg... Như vậy, so với tháng 2, giá phân bón hiện đã tăng từ 5 đến 8%. Có loại biến động giá theo tuần, như kali liên tục tăng vọt. Giá phân bón trong nước tăng mạnh phần lớn do chịu tác động từ thị trường phân bón thế giới; trong đó có giá dầu tăng dẫn đến giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng. Chi phí phân bón chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất, tới 50% và giá dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
 
Trong khi giá vật tư phân bón, xăng dầu, chi phí nhân công đều tăng mạnh thì giá bán sản phẩm vẫn bèo bọt khiến nông dân khốn đốn. Anh Tống Tuấn Phước, ngụ xã Hoà Hội, huyện Phú Hoà, bộc bạch: “Năm nay, nông dân trồng dưa hấu rất khổ vì mưa trái mùa liên tục, chi phí phun thuốc, phân bón đều tăng trong khi giá bán dưa thì lại giảm. Người trồng dưa như tôi sản xuất chỉ đủ trang trải hàng ngày, đất ở đây được giá thì gia đình tôi bán kiếm cách khác mưu sinh chứ trồng dưa khổ quá”.
 
Còn anh Nguyễn Hữu Cầu, quê ở Bình Định vào huyện miền núi Sông Hinh thuê 3 sào đất trồng dưa hấu buồn rầu chia sẻ: “Giá phân bón thì ngày càng tăng nhưng giá sản phẩm thì giảm từng ngày. Như giá dưa mấy năm trước từ 5000-7000 đồng/kg, nay giảm chỉ còn từ 1.500-2000 đồng/kg. Giá đã quá thấp nhưng cũng không có ai đến hỏi mua, trong khi dưa hấu đến vụ thu hoạch mà không bán thì hư úng. Để giúp trái dưa thanh ngọt, người trồng cần bổ sung kali. Nhưng giá phân bón ngày càng tăng nên gia đình tôi quyết định mua gần nửa tấn phân dữ trữ chứ sợ vài ngày tới giá tăng lên nữa thì khổ”.
 
img_4420.jpg
Nông dân mua phân bón dữ trữ.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, cây lúa phát triển xanh tốt hứa hẹn vụ này được mùa về sản lượng. Tuy nhiên, chất lượng còn phụ thuộc nhiều về nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu phân bón. Do đó, trước khi vào vụ sản xuất mới, giá cả phân bón là một trong những mối quan tâm đặc biệt của nông dân. Bà Nguyễn Thị Thúy, ngụ xã Hoà Thắng, huyện Phú Hoà cho biết: “Nhà tôi có hơn 4 sào ruộng. Thường thì suốt cả vụ mỗi sào bón 3 đợt, mỗi đợt hơn 30 kg phân các loại (NPK, DAP, phân trắng…). Nếu như vụ trước chỉ cần bỏ ra gần 1 triệu đồng là đủ thì bây giờ không thấm vào đâu. Hiện nay, giá vật tư quá cao trong khi giá lúa không tăng nên thu nhập không khá lên được mà nông dân làm ruộng chỉ lấy công làm lãi, người dân không có nghề gì khác buộc phải bám ruộng lấy lương thực sinh sống”.

Theo ông Võ Hoà, ngụ xã Suối Bạc, huyện Sơn Hoà, những ngày này, nông dân các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh đang tất bật thu hoạch mía niên vụ 2020-2021. Vụ mía năm nay không những năng suất tăng mà mía đang được các nhà máy thu mua với giá rất cao 1,2 triệu đồng/tấn mía 10 trữ đường khiến nông dân trồng mía rất phấn khởi.
 
Tuy nhiên, khi hỏi về giá phân bón hiện nay, ông Hoà lắc đầu bảo giá phân bón thời điểm này bán quá cao khiến người nông dân tốn thêm chi phí không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp. Ông Hoà cho hay, năm ngoái, ông mua một bao phân Urê 50kg để bón phân cho cây mía và cây sắn giá chỉ từ 500.000 - 580.000 đồng, nay với loại phân đó nhưng giá lên dao động 900.000 – 1.100.000/bao. Không chỉ giá phân bón tăng mà giá một số vật tư khác cũng tăng lên khá cao. “Lo ngại phân bón sẽ lên cơn sốt giá, không riêng gì gia đình tôi mà còn nhiều gia đình trồng mía, sắn khác cũng đổ xô đi mua phân bón dự trữ. Coi ti vi biết giá phân bón tăng cao nên tôi tranh thủ mua trước để trữ dùng cho vụ tới”, ông Hoà nói.
 
Giá phân bón trong nước đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay do nguồn cung khan hiếm. Các đại lý phân bón trong nước cũng hạn chế bán hàng ra mặc dù nhu cầu hỏi mua tăng cao. Diễn biến này xuất phát từ cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine và giá xăng dầu thế giới tăng cao.
 
Hiện nay, các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh phân bón ở Phú Yên khá bị động trước đầu vào của phân bón. Hầu hết đều làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, hết hàng lúc nào lấy lúc đó, mỗi chuyến cũng chỉ lấy từ 20 - 30 tấn. Vì vậy, một khi giá phân bón tăng cao, người dân đổ xô đi mua, chắc chắn các cửa hàng sẽ không đủ hàng để giao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất.
 
Chị Nguyễn Bích, chủ một đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở TP. Tuy Hoà nói: Trung bình mỗi tháng tôi lấy vài tấn, bán hết rồi mới dám lấy nữa nhưng cũng chỉ cầm chừng bởi giá hiện nay quá cao. Đã buôn bán thì ai cũng muốn nhập hàng với số lượng nhiều, nhưng việc cho nhập kho hàng trăm tấn phân bón là rất khó bởi xảy ra nhiều yếu tố như lúc trước, nhà sản xuất cho các doanh nghiệp, đại lý phân phối nợ gối đầu (mua trước trả sau) nhưng nay tất cả đều “tiền trao cháo múc”, thanh toán một lượt bằng tiền mặt. Như năm ngoái, đầu tư cho một xe hàng chỉ cần 120-150 triệu đồng, nay cũng với lượng trên, giá đã vọt hơn 550 triệu đồng!
 
Chính vì những khó khăn trên, một khi giá phân bón vượt quá tầm kiểm soát, khả năng các đại lý ngưng nhập hàng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
 
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, giá xăng dầu tăng khiến chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp tăng cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của nông dân trên địa bàn tỉnh.
 
 
Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top