Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 10 năm 2021 | 15:18

Giải pháp nào gỡ khó cho nông dân khi giá phân bón tăng cao?

Giá phân bón tiếp tục leo dốc, khiến nhiều nông dân “kêu trời” vì chi phí tăng quá cao. Trong khi thời điểm này, nông dân tập trung sản xuất chuẩn bị cung ứng nông sản cho thị trường Tết.

 
Lâm Đồng: Nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân
 
Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến giá cả các loại nông sản mà còn khiến giá các loại phân bón tăng cao, nhiều bà con đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã có nhiều giải pháp, khuyến cáo góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con trong việc sản xuất.
 
lua.jpg
Nông dân tập trung chăm sóc vụ lúa Đông - Xuân tại xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh
 
 
Hiện, nhiều địa phương ở huyện Cát Tiên đã thu hoạch lúa Hè - Thu năm 2021. Theo tính toán của bà con nông dân, trong vụ này, lợi nhuận sau thu hoạch không nhiều, bởi giá phân bón tăng cao. Ông Nguyễn Văn Ba (xã Gia Viễn) cho biết, trong suốt vụ lúa Hè - Thu này, nông dân mua phân bón với giá rất cao, thuốc bảo vệ thực vật cũng giá tăng từ 10 - 20%. “Mong các ngành chức năng có chính sách kìm giá phân bón để nông dân trồng lúa có lợi. Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng, riêng 3 tháng gần đây, nhiều loại phân bón giá tăng ít nhất 60%, có loại tăng gấp đôi. Nếu tình hình này kéo dài, nông dân sẽ rất khó khăn” - ông Ba cho biết. Chính do phân bón tăng cao nên sau 3 tháng trồng và chăm sóc, 2 ha lúa Hè - Thu của gia đình ông Ba chỉ thu về lợi nhuận tầm 18 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí, thấp hơn khoảng 60% so với vụ mùa trước.
 
Anh Huỳnh Bá Thọ, nông dân xã Próh (huyện Đơn Dương) cho biết, giá phân Ure trước có giá khoảng 400.000 đồng/bao nay đã tăng lên hơn 600.000 đồng/bao; phân NPK tăng từ 600.000 đồng/bao lên khoảng 700.000 đồng/bao; phân DAP tăng mạnh với giá khoảng 1.000.000 đồng/bao. Anh Thọ chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 3 ha trồng rau, củ các loại. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giá rau, củ đã bấp bênh nay với tình hình chi phí đầu tư sản xuất tăng cao, đợt sản xuất này của gia đình e rằng không có lãi”. 
 
Bà Tou Prong Nai Khoan - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương cho biết, từ tháng 4 trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp. Không chỉ riêng giá phân bón tăng cao mà giá vật tư nông nghiệp cũng tăng trong thời điểm này. Nhiều mặt hàng phân bón và vật tư nông nghiệp bị “đứt hàng” vì các đầu mối kinh doanh không có sẵn nguồn hàng số lượng lớn để giao cho cửa hàng do vận chuyển khó khăn. 
 
“Chi phí đầu tư sản xuất tăng trong khi giá cả thị trường nông sản có nhiều biến động trong thời điểm dịch bệnh. Điều này ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của bà con” - bà Tou Prong Nai Khoan nói.
 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tổng diện tích đất gieo trồng trên địa bàn toàn tỉnh là 386.353 ha. Nhu cầu về phân bón của địa phương thường tập trung nhiều từ tháng 8 đến tháng 12 với tổng sản lượng 1,42 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó, có 0,48 triệu tấn phân vô cơ và 0,94 triệu tấn phân hữu cơ. Một số mặt hàng phân bón như phân SA, Ure, DAP, Kali, NPK đã tăng giá từ Quý I và đầu Quý II năm 2021, với mức tăng 70 - 80% so với cùng kỳ năm 2020. 
 
rau.jpg
Nông dân tập trung chăm sóc rau củ sau dịch tại Đơn Dương
 
 
  
 
Ông Trần Quang Trừng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết, từ giữa năm 2021, ngay khi nhận thấy giá phân bón có chiều hướng tăng, huyện đã chủ động nắm bắt tình hình sản xuất của bà con và kiểm tra các cơ sở kinh doanh cung cấp phân bón, vật tư nông nghiệp để quản lý chất lượng, giảm rủi ro cho nông dân. Bên cạnh đó, ngoài đảm bảo nguồn cung cho bà con, Phòng Nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm. 
 
Theo ông Trừng, mặc dù giá phân bón đang cao nhưng nhờ chủ động khuyến cáo trước với bà con nên tình hình sản xuất trên địa bàn vẫn tương đối ổn định. Qua nắm bắt tình hình, vụ lúa Hè - Thu năm nay phát triển tốt, cho năng suất cao tương đương với những năm trước, sản lượng đạt trên 64 tạ/ha. Đối với vụ lúa Đông - Xuân, thời điểm hiện tại bà con nông dân đã xuống giống hơn 1.000 ha trên khoảng hơn 4.000 ha tổng diện tích lúa của huyện. Nông dân trồng lúa xuống giống đúng vụ, không có tình trạng bà con vì giá phân bón cao mà bỏ trống đồng ruộng. 
 
Ông Hà Ngọc Chiến - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, vụ Đông - Xuân sắp tới, toàn tỉnh sẽ sản xuất trên 40.247 ha. Thị trường phân bón “nóng” ngay từ đầu vụ khiến nông dân gặp không ít khó khăn vì đây là thời điểm bà con phải tập trung bón phân cho cây trồng. 
 
Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Các đơn vị chuyên môn cùng các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân căn cứ vào tính chất của cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất theo nguyên tắc 5 đúng; khuyến khích nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo phân hữu cơ bón cho cây trồng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường. 
 
Các địa phương cũng tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tập trung xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, phân bón sử dụng trong tưới nhỏ giọt, châm phân tự động và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp; hạn chế sử dụng các loại phân đơn trong canh tác. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón để kịp thời phát hiện, xử lý việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa, phát hiện hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng suất cây trồng.
 
Vĩnh Long: "Nóng rẫy" giá phân bón

Nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp cho biết: Sau nhiều đợt tăng giá, phân bón hiện duy trì ở mức rất cao. So với đầu năm 2021, giá phân bón đã tăng 100.000- 400.000 đ/bao. Điều này khiến sản xuất của nông dân (ND) đã khó lại càng khó hơn. Cụ thể, giá một số loại phân như DAP, Urê, phân hột,… đã tăng 50- 80%, hiện giá từ 850.000- 1.200.000 đ/bao (50kg).

Bà Nguyễn Thị Tám (xã Bình Phước, Mang Thít), cho hay: “Tôi có 10 công ruộng mà vụ này thấy “hiu quá”, với giá phân cao ngút như vầy, giá lúa lại không lên, cộng thêm tiền mướn nhân công, thì vụ này chắc lỗ”.

 

phan-bon.jpg
Giá phân bón tăng mạnh, nông dân thêm khó.

 

Ông Nguyễn Văn Trí (thị trấn Cái Nhum, Mang Thít), thì tính toán: “Một công ruộng tốn khoảng 40kg phân, thêm tiền thuốc diệt mầm, diệt cỏ, dưỡng cây, dưỡng hạt, rồi tiền lúa giống, tiền xới, cắt,... cộng lại hơn 2 triệu đồng, chưa tính tiền công mướn người làm. Mà vụ này 1 công chừng 20- 22 giạ (20kg/giạ), với giá 100.000- 110.000 đ/giạ mà giá phân 850.000- 900.000 đ/bao, thì tính ra phải bán 8 giạ lúa mới mua lại được 1 bao phân 50kg, sao mà lời nổi”.

Một số chủ đại lý cho hay, giá nguyên liệu tăng mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến giá phân bón tăng, đồng thời, khâu logistic bị đứt gãy nhiều công đoạn và các chi phí khác cũng tăng rất cao, đã tác động đến giá thành vật tư cho sản xuất phân bón.

Tăng mạnh nhất là phân DAP, rồi đến Urê, các loại phân hạt khác cũng tăng đều. Chị Đặng Thị Cẩm- Đại lý vật tư nông nghiệp Thắm Lộc (xã Thanh Đức- Long Hồ), cho biết: Chuẩn bị vụ tết nhưng năm nay giá phân bón tăng cao nên bán rất chậm, sức mua giảm 30- 40%. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều đại lý khác.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, những tháng qua, chi phí vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động,…) tăng cao đã làm cho giá thành tăng, người sản xuất gánh thêm nhiều chi phí trung gian nên lợi nhuận rất thấp.

Giá phân bón tăng là một trong những nguyên nhân khiến ND cân nhắc trong sản xuất vụ tết, bởi nếu chi phí đầu tư quá cao mà tiết chế lượng phân bón thì năng suất, chất lượng không đạt. Đang trồng 10 công dưa hấu, dự định khi thu hoạch xong lứa dưa này sẽ trồng vụ dưa tết, nhưng chú Bùi Văn Diệu (xã Long An, Long Hồ) quyết định chỉ xuống giống 5 công, giảm phân nửa diện tích so năm ngoái.

“Ngoài lo ngại thời tiết bất lợi, năng suất dưa không đạt thì giá phân bón cao quá, sản xuất sẽ bấp bênh. Trong vòng 1 tháng mà giá phân tăng tới 3 đợt mà mỗi đợt tăng 100.000 đ/bao. Trong khi đó, dưa khó có giá cao do thị trường tiêu thụ giảm, tôi lo không lời mà còn lỗ”- chú Diệu lo ngại.

Nhiều ND trồng bưởi tại xã Mỹ Hòa (TX. Bình Minh) cũng cho hay: Vụ tết này, nhà vườn xử lý bưởi tết giảm hơn 40% so với mọi năm. Có nhiều nguyên nhân khiến nhà vườn dè dặt, không dám đầu tư bưởi bán tết, như: giá bưởi trong thời gian dài vừa qua ở mức thấp, lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến giá cả và sức tiêu thụ, và lo nhất là “giá phân bón quá cao”. Trước tình hình này, nhiều nhà vườn dự báo nguồn cung bưởi tết năm nay cũng sẽ không nhiều như mọi năm.

Trồng 8 công bưởi, chú Nguyễn Văn Lộc (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh), cho hay: “Mọi năm vào vụ tết tôi đầu tư mạnh lắm. Năm nay dè dặt, vì phân bón lên gấp 2- 3 lần, còn giá bưởi lại sụt phân nửa, bởi vậy không dám đầu tư vô nhiều. Mỗi lần rải phân phải tốn 8- 10 triệu đồng, nhưng bán bưởi không biết có thu hồi được vốn…”.

Ông Nguyễn Văn Chẳng- Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Hòa, cho hay: Sản lượng bưởi tết năm nay giảm từ 40- 45%, người dân không dám sản xuất do sợ dịch bệnh ảnh hưởng đầu ra, lại lo đầu tư vô vườn bưởi, chi phí nhiều mà tết không có giá thì thiệt hại kinh tế.

Trước tình hình giá phân bón ở mức cao, chưa kể tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả trà trộn trên thị trường, nông dân rất mong các ngành chức năng sớm có giải pháp bình ổn giá cả để ổn định sản xuất. Về lâu dài, cần có giải pháp để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón, nhằm giảm bớt chi phí trong giai đoạn khó khăn do tác động từ dịch bệnh.

“Bây giờ giá cả do thị trường quyết định nên việc phân bón tăng giá hay nông sản mất giá thì ND tụi tui rất mong ngành chức năng sớm có giải pháp quản lý, bình ổn, để ND an tâm sản xuất”- chú Lộc đề xuất ý kiến.

 

Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh: Sẽ xử lý nghiêm vi phạm về phân bón

Thời gian gần đây, mặt hàng phân bón có dấu hiệu biến động về giá, làm gia tăng các hoạt động gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát mặt hàng phân bón, nhằm xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng,... góp phần bình ổn thị trường.

 

Theo baolamdong.vn, baovinhlong.com.vn

Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top