Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 11 năm 2021 | 15:16

Ô nhiễm không khí khiến 307.000 ca tử vong mỗi năm

Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), các ca tử vong sớm do ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 đã giảm 10%/năm trên khắp châu Âu, nhưng "kẻ giết người vô hình" này vẫn gây ra 307.000 ca tử vong sớm mỗi năm.

7 triệu ca tử vong sớm hàng năm trên toàn cầu

Theo EEA, trong năm 2019, các hạt vật chất mịn đã gây ra 53.800 ca tử vong sớm ở Đức, 49.900 ca ở Italy, 29.800 ca ở Pháp, và 23.300 ca ở Tây Ban Nha. Đáng chú ý, Ba Lan đã chứng kiến 39.300 ca tử vong, con số cao nhất tính theo bình quân đầu người tại châu Âu.

Báo cáo nêu rõ, nếu các quốc gia thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) tuân theo các hướng dẫn mới nhất về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tử vong mới nhất được ghi nhận vào năm 2019 có thể giảm đi một nửa.

Trước đó, trong năm 2018, có khoảng 346.000 ca tử vong liên quan đến các hạt vật chất rất nhỏ, có đường kính dưới 2,5 micromet (hoặc PM2.5).

 

onkk1.jpg
Tháp Montparnasse ở Paris (Pháp) được nhìn từ khinh khí cầu Generali đo chất lượng không khí

 

EEA cũng ghi nhận những ca tử vong sớm liên quan đến 2 chất gây ô nhiễm hàng đầu khác. Cụ thể, các ca tử vong do nitơ điôxít, chủ yếu từ ô tô, xe tải và các nhà máy nhiệt điện, đã giảm 1/4 xuống còn 40.000 trường hợp trong giai đoạn 2018 - 2019. Tương tự, các trường hợp tử vong liên quan đến tầng ôzôn trên mặt đất vào năm 2019 cũng đã giảm 13%, xuống còn 16.800 ca.

EEA nhấn mạnh, ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục là mối đe dọa về môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người ở khu vực châu Âu. Bệnh tim và đột quỵ gây ra hầu hết các ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí, tiếp theo là đến các bệnh về phổi, bao gồm cả bệnh ung thư. Đối với trẻ em, ô nhiễm không khí có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của phổi, gây nhiễm trùng đường hô hấp và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn.

Theo cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm hàng năm trên toàn cầu, con số tương đương với số người chết do hút thuốc và chế độ dinh dưỡng kém.

EEA hồi tháng 9 cảnh báo, ngay cả khi tình hình ô nhiễm được cải thiện, đa số các quốc gia thành viên EU vẫn nằm trên các mức giới hạn ô nhiễm được khuyến nghị, cho dù đó là các hướng dẫn của châu Âu hay các mục tiêu tham vọng hơn của WHO. Cũng trong tháng 9, các con số đáng báo động về chất lượng không khí đã khiến WHO siết chặt các giới hạn khuyến nghị đối với những chất gây ô nhiễm không khí chính, lần đầu tiên kể từ năm 2005.

Ông Hans Bruyninck, Giám đốc EEA khẳng định: “Để cải thiện sức khỏe, năng suất và chất lượng cuộc sống cho người dân châu Âu, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, cần tăng cường đầu tư vào hệ thống sưởi, hoạt động đi lại, nông nghiệp và công nghiệp sạch hơn”.

Nhận diện thủ phạm gây ô nhiễm không khí, tăng tử vong sớm

Theo giới chuyên gia môi trường, khí thải giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội nhận định, Việt Nam là quốc gia đứng trong top 10 nước ô nhiễm không khí ở châu Á.

Trong tài liệu tổng hợp gửi Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng (RECO) chuẩn bị cho Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 vào tháng 11 tới, bà Thanh cho biết, tổng lượng bụi ở 2 thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tăng cao trong những năm gần đây khiến chỉ số chất lượng không khí luôn ở mức báo động. Các vấn đề cấp bách nổi cộm hiện nay là biến đổi khí hậu và giao thông, nhất là ô nhiễm không khí do khí thải giao thông...

 

onkk3.jpg
Khí thải từ phương tiện giao thông được cho là nguyên nhân gây bụi mịn PM 2.5.

 

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Yến Liên, Trường Đại học Giao thông vận tải, cũng nhấn mạnh rằng từ năm 2008 đến nay, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tục nằm trong trong nhóm 500 thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất thế giới, mà một trong những nguyên nhân chính là từ các hoạt động giao thông vận tải.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn-Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị và đóng góp 70% tổng lượng bụi cùng với khí thải vào môi trường không khí…

Đáng chú ý, theo ông Sơn, nguồn ô nhiễm này gây tác động xấu rất nhiều tới sức khỏe cộng đồng. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm; trong đó có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn.

Cùng với với đó là hàng loạt các vấn đề về tiểu đường, tim mạch, phổi, gan, đột quỵ, rối loạn tiết tố… ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động giao thông, theo ông Sơn, trước mắt Việt Nam cần tăng cường giám sát phát thải qua hệ thống đăng kiểm và có cơ chế thu hồi xe máy cũ gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hướng tới việc phát triển hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao thành một mạng lưới giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; khuyến khích sử dụng xe điện, trợ giá xe điện, có chế độ hỗ trợ người sử dụng xe điện; đẩy nhanh tiến độ di dời các trường học, cơ quan, đơn vị hành chính ra ngoài thành phố để giãn mật độ dân số trong nội đô.

Góp thêm giải pháp, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh đề xuất Việt Nam cần xây dựng một lộ trình cụ thể cho phát triển xe điện, trong đó xây dựng và ban hành các chính sách ưu tiên phát triển xe điện.

Bà Khanh cũng lưu ý, để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện như trạm sạc điện, quỹ đất để bố trí trạm sạc; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc để hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân.

Mới đây nhất, với hy vọng giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện, Thành phố Hà Nội đã thí điểm chương trình: Thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn. Theo đó, tại 24 điểm tư vấn chuyển đổi xe máy cũ và thải bỏ trên địa bàn Thành phố Hà Nội, người dân sẽ được hỗ trợ từ ngày 12-30/11. Với xe máy đăng ký lần đầu trước năm 2002 thuộc 5 hãng xe Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM, người dân có nhu cầu chuyển đổi sang xe máy mới sẽ được tư vấn, hướng dẫn.

Nếu đáp ứng các điều kiện của chương trình, chủ phương tiện sẽ nhận được các mức hỗ trợ tối đa lên đến 4 triệu đồng (khoản hỗ trợ tùy theo chính sách khuyến mại của từng hãng xe và giảm giá trực tiếp trên giá xe mới) và tự nguyện bàn giao lại xe máy cũ.

Thống kê hiện trên địa bàn Hà Nội có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó, có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000) và trên 730 nghìn ô tô, chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.

Khí thải từ các phương tiện đặc biệt là phương tiện cũ nát bao gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí ô xít các bon (CO), hiđrô các bon (HC), các dạng ô-xít nitơ (NOx) và các chất khác gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép.

Các chất ô nhiễm này trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng tới chất lượng môi trường không khí đô thị, đồng thời là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân và nhiều hệ lụy khác.

Sương mù bao phủ tới trưa, Hà Nội lại bước vào chu kỳ ô nhiễm không khí

Những ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp xuất hiện sương mùa bao phủ tới trưa. Theo phản ánh của người dân đi đường vào buổi sáng, nhiều trường hợp cảm nhận rõ hơi sương cuộn với mùi khét từ khói bụi gây cay mắt mũi...

Cập nhật chỉ số chất lượng không khí (AQI) theo thời gian thực của PAM Air vào 8 giờ sáng nay, 16/11 cho thấy, hàng loạt điểm đỏ xuất hiện (AQI từ 151-200), một số điểm còn chuyển sang màu tím (AQI từ 201-300).

Cũng trong sáng nay, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thông báo chất lượng không khí ở mức kém; nồng độ bụi mịn PM2.5 ở mức cao trở lại từ trưa 15/11. Theo đó, đơn vị này khuyến cáo nhóm người nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ có thai, người già, nguời mắc bệnh hô hấp... có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe, nên hạn chế hoạt động ngoài trời.

Đối với người bình thường có thể xuất hiện các triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng… nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời, đặc biệt sáng sớm và chiều tối.

 

onkk2.jpg
Hà Nội chìm trong sương mù cùng khói bụi (ảnh chụp lúc 9 giờ sáng 16/11)

 

Ông Đào Nhật Đình, chuyên gia độc lập về môi trường cho biết, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc lại đang rơi vào chu kỳ ô nhiễm không khí từ cuối tháng 10 tới hết tháng 4 năm sau.

"Mùa đông tại miền Bắc thường lặng gió, thi thoảng có gió Đông Nam nhưng cũng không đủ mạnh để cuốn sạch bụi. Nếu tính theo chuỗi gió mùa Đông Bắc thì cứ đầu kỳ gió mùa về không khí sẽ sạch, còn cuối kỳ khi gió Bắc yếu ô nhiễm lại gia tăng; đặc biệt đêm và sáng sớm nồng độ ô nhiễm cực cao", vị chuyên gia phân tích.

Mới đây, ngày 15/11 cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho biết các ca tử vong sớm do ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đã giảm 10%/năm trên khắp châu Âu, nhưng "kẻ giết người vô hình" này vẫn gây ra 307.000 ca tử vong sớm mỗi năm.

Còn theo WHO, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm hằng năm trên toàn cầu - ngang với hút thuốc và chế độ ăn thiếu dinh dưỡng.

Trước những số liệu thống kê đáng báo động, WHO lần đầu tiên đã siết chặt hạn chế được khuyến nghị về các chất gây ô nhiễm không khí lớn kể từ năm 2005.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top