Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, có 12 nguồn được cho là gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội, trong đó có nguồn thải đầu tiên chính từ các nhà máy, khu công nghiệp xung quanh Hà Nội.
Bụi từ sản xuất ximăng, điện than
Ông Trần Đình Sính - phó giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) - cho rằng những nghiên cứu trước đây đều chỉ ra một trong những nguồn gây ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội có nguồn từ các nhà máy ximăng, nhiệt điện than ở khu vực phía Bắc.
"Bụi từ các nhà máy được vận chuyển về Hà Nội theo cơ chế gió cuốn. Trong không khí có những khối không khí di chuyển, bụi theo những khối không khí đó di chuyển hàng nghìn kilômet.
Vì thế, với những nhà máy sản xuất ximăng ở Hà Nam, Ninh Bình, Lạng Sơn, nếu thuận theo chiều gió, tốc độ gió sẽ đưa nguồn bụi này đi các nơi, có thể cuốn về gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội" - ông Sính nhận định.
Sáng 14-12, thời tiết Hà Nội mù mịt, sương mù khiến tầm nhìn hạn chế, ô nhiễm không khí vẫn ở mức rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người - Ảnh: DANH TRỌNG
Theo ông Sính, trong những lần lập báo cáo về chất lượng không khí trước đây, Green ID đã từng mời một số chuyên gia nước ngoài hỗ trợ tính toán về quỹ đạo di chuyển của bụi mịn PM 2.5, theo đó có bằng chứng bụi mịn "di chuyển từ những khu công nghiệp tại Hải Phòng, Quảng Ninh, ở đó có rất nhiều nhà máy nhiệt điện than và ximăng, theo chiều gió đưa về gây ô nhiễm tại Hà Nội".
Dù vậy, vị chuyên gia này cho biết vẫn chưa thể tính toán được tỉ lệ đóng góp bao nhiêu phần trăm trong số nguồn gây ô nhiễm không khí của các nhà máy ximăng hay điện than.
Cũng theo ông Sính, dù đã xác định được các nguồn gây ô nhiễm, nhưng các giải pháp đưa ra vẫn cho thấy "chưa biết đến khi nào thì Hà Nội mới hết ô nhiễm không khí", đặc biệt là không xác định được nguồn thải chính, thì "rất khó có được giải pháp mang tính "trừng trị" để giảm nhanh, giảm hiệu quả những nguồn phát thải lớn".
Ngay với nguồn từ các nhà máy nhiệt điện than, theo ông Sính, chỉ có những nhà máy có công nghệ hiện đại mới lọc tĩnh điện được 99,75% lượng bụi, còn những nhà máy nhiệt điện cũ, xây dựng lâu năm, rất khó đạt được tỉ lệ lọc bụi cao như trên.
Hà Nội: Ô nhiễm là do... thời tiết
Báo cáo nhanh về chất lượng không khí tại Hà Nội của Chi cục Bảo vệ môi trường TP này cho thấy tính đến ngày 14-12, chất lượng không khí ở Hà Nội đã chạm ngưỡng "xấu" và "rất xấu" trong 4 ngày liên tiếp, khẳng định điều kiện thời tiết là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí cho cả khu vực hiện nay.
"Với tình hình khí tượng chung như khí áp tăng cao, trời lặng gió, không mưa, nhiệt độ thấp làm cho không khí bị tù hãm, chất ô nhiễm thải ra hằng ngày khó phát tán lên cao và bay ra xa. Điều này gây nên tình trạng tăng đột biến các hạt bụi lơ lửng có kích thước bé như PM 2.5" - báo cáo nêu.
Đặc biệt, trước thực tế ô nhiễm không khí còn tiếp diễn, Sở Tài nguyên - môi trường TP Hà Nội khuyến cáo tất cả người dân trên toàn TP nên hạn chế ra ngoài, nhóm nhạy cảm gồm: người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp không nên ra khỏi nhà, không tập thể dục vào buổi sáng và chiều tối cũng như cần trang bị khẩu trang chống bụi PM 2.5 đạt chuẩn vì ô nhiễm có thể kéo dài.
Sở Tài nguyên - môi trường còn khuyến cáo "tất cả mọi người cần hạn chế tối đa các hoạt động gây ô nhiễm không khí như không đốt rác, dừng đun nấu bếp than tổ ong, các xe vận chuyển phế thải xây dựng, bùn thải phải đảm bảo che chắn không phát tán ô nhiễm, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân".
Cũng sáng 14-12, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) công bố chất lượng môi trường từ ngày 7 đến 13-12, cho thấy nhiều ngày ô nhiễm bụi mịn cao có xu hướng tăng trong những ngày qua.
"Tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần" - Tổng cục Môi trường nêu.
Theo TS Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch VN, dù Hà Nội có gặp thời tiết không thuận lợi trong những ngày qua, nhưng đó không phải là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.
"Thời tiết không phát thải ra nguồn gây ô nhiễm mà chỉ làm ngưng tụ các nguồn gây ô nhiễm không khí do chính con người thải ra, giữ những nguồn gây ô nhiễm này ở tầng không khí thấp. Vì vậy, cần phải nhìn nhận nguyên nhân gây ô nhiễm là do chưa kiểm soát được các nguồn thải từ con người, từ đó giải quyết và kiểm soát những nguồn phát thải chủ quan này" - ông Tùng nói.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân ứng phó ô nhiễm không khí
Trước tình hình không khí nội đô ô nhiễm trầm trọng Bộ y tế cho biết, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra ngoài đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Bộ Y Tế khuyến cáo nười dân nên mang khẩu trang khi ra đường
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí…
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần lưu ý thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn; hạn chế tối đa đi ra ngoài, đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng, nên đến khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa; tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
Trong thời điểm này, nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi, phế quản, tim mạch…, người dân cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.