Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 4 năm 2021 | 15:18

Ô nhiễm môi trường làng nghề: Có kinh tế nhưng không có sức khỏe

Tại nước ta làng nghề truyền thống đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm, mang lại nhiều giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn. Tuy nhiên, khi nhiều làng nghề phát triển đã kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng.

Nhiều hệ lụy về sức khỏe 

Năm 2014, Bộ TN&MT công bố “Báo cáo Môi trường Quốc gia, chuyên đề Môi trường Nông thôn”.

Đây là báo cáo chuyên đề đầy đủ, bao quát và cũng là báo cáo gần nhất về thực trạng môi trường vùng nông thôn – nơi tập trung gần 70% dân cư cả nước. 

Theo thống kê, cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề, trong đó, làng nghề truyền thống là 1.748; tập trung khoảng 10 triệu lao động. 

Tuy nhiên, mặt trái của các làng nghề nông thôn gây ra là tình trạng gây ô nhiễm môi trường: nước thải, chất thải do các làng nghề tại các vùng quê gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và sức khỏe người dân còn rất phổ biến.

 

o-nhiem-lang-nghe-52.jpg
Hầu hết các làng nghề hiện nay đều thiếu những điểm xử lý nước thải tập trung, dẫn đến môi trường xung quanh luôn bị đe dọa

 

Tại báo cáo, Bộ TN&MT cho biết, tỷ lệ làng nghề sử dụng thiết bị xử lý nước thải, chất thải độc hại chỉ đạt 4,1%. Theo quy định, đối với các làng nghề không thể đầu tư, áp dụng các biện pháp xử lý chất thải phải di dời vào cụm công nghiệp (CCN) hoặc khu chăn nuôi, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư. 

Tuy nhiên, đến nay số làng nghề được quy hoạch trong CCN làng nghề là rất ít (47 làng nghề). Đa số các làng nghề chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Các loại khí thải, nước thải đều được xả thải trực tiếp ra môi trường… 

Đặc biệt, nước thải tại các làng nghề tái chế kim loại, chế biến nông sản, thủy sản đang là vấn đề bức xúc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. 

Chất thải rắn ở hầu hết các làng nghề chưa được thu gom và xử lý triệt để gây tác động xấu tới cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất. 

Ô nhiễm không khí phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và làng nghề làm gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh tại khu vực nông thôn, đặc biệt là trẻ em. 

Tại các làng nghề tái chế kim loại, ô nhiễm không khí do sự phát thải khí độc, nguồn nhiệt cao và bụi kim loại từ các lò đúc, nấu kim loại… trong quá trình sản xuất đã gây ra các bệnh phổ biến như bệnh hô hấp, bụi phổi và bệnh về thần kinh. 

Các bệnh có tỷ lệ mắc cao là bệnh phổi thông thường, bệnh tiêu hoá, bệnh về mắt, bệnh phụ khoa, lao phổi (0,4-0,6%) và ung thư phổi (0,35- 1%)

Công trình xử lý nước thải hầu như không có
 
Đến làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng - một làng cổ thuộc huyện Hoài Đức, nổi tiếng với nghề tạc tượng, hoành phi câu đối từ lâu đời. Theo nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh - Chủ tịch Hội làng nghề mỹ nghệ xã Sơn Đồng, đến nay làng nghề có tới hơn 4.000 lao động thường xuyên, với khoảng 500 hộ chuyên sản xuất, thu hút khoảng hơn 1.000 lao động ở các địa phương đến học nghề và làm các công đoạn phụ. Sản phẩm mỹ nghệ truyền thống của làng nghề Sơn Đồng có uy tín và thương hiệu có mặt ở khắp trong nước và ra nước ngoài. Thị phần tác phẩm, sản phẩm tượng, đồ thờ điêu khắc - thếp vàng, bạc truyền thống của làng nghề Sơn Đồng chiếm trên 65% toàn quốc.
 
Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển kinh tế, làng nghề Sơn Đồng đang chịu những ảnh hưởng về môi trường (như tiếng ồn, mùi sơn…) do việc sản xuất mặt hàng truyền thống này nằm trong khu dân cư. Chưa kể, nhiều năm nay hàng nghìn hộ dân nơi đây phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường từ làng nghề lân cận. Con kênh T2 chảy qua địa phận xã Sơn Đồng, mỗi khi vào mùa vụ sản xuất, chế biến nông sản tại xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu, nước thải từ các hộ sản xuất miến dong, sắn dây khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm và sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
o-nhiem-lang-nghe.jpg
Ô nhiễm làng nghề vẫn là "bài toán" khó
 
Ông Nguyễn Chí Lợi - nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng chia sẻ, nhằm tránh ô nhiễm khu dân sinh sống, từ năm 2008, địa phương đã có dự án quy hoạch phát triển làng nghề bền vững gắn với du lịch. Tuy nhiên, do vướng mắc ở nhiều khâu, trong đó có việc làng được chuyển về Hà Nội. Dù dự án đã được lập lại, nhưng cho đến nay vẫn chưa được cấp TP phê duyệt.

Cách Sơn Đồng không xa là làng nghề Dương Liễu, xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức). Hiện toàn xã có gần 70 DN đóng trên địa bàn, cộng thêm hàng trăm hộ gia đình sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm nhưng phần lớn không có công trình xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn, đã khiến môi trường ô nhiễm. Một nghịch lý của sự phát triển đang diễn ra ở đây là phía sau những căn nhà cao tầng là sự nguy hại của chất thải đang hàng ngày tấn công cuộc sống của người dân. Sự ô nhiễm nguồn nước là mầm mống của nhiều loại bệnh tật. Anh Nguyễn Hải, người dân làng nghề cho hay: “Nhìn xa hơn sẽ thấy sự phát triển đó đang thiếu tính bền vững. Kinh tế có, tiền có nhưng đi kèm với đó là rất nhiều nỗi lo về bệnh tật, môi trường…”.

Cơ chế quản lý chồng chéo

Với tình trạng ô nhiễm nặng nề, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc để tìm cách xử lý nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là cơ chế quản lý chồng chéo, từ cấp xã, huyện đến các sở, ngành.

Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) là cơ quan có trách nhiệm theo dõi, quản lý chung môi trường tại các làng nghề. Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường. Từ người dân thiếu ý thức, cấp xã thiếu cán bộ phụ trách đến cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường và cơ quan quản lý làng nghề chưa có tiếng nói chung. Cơ quan quản lý môi trường vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, phổ biến (chưa tiến hành kiểm tra quyết liệt, xử lý triệt để). Đó là chưa kể đến thiếu sự đồng thuận, chung sức của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý làng nghề.

rac1.jpg

 

 
Ông Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho hay: “Đó còn chưa kể đến chuyện đùn đẩy trách nhiệm, hay có dự án kiểm soát ô nhiễm về tỉnh mà không có lợi cá nhân thì cán bộ địa phương cũng chẳng mặn mà”.

Về thanh, kiểm tra, có hai cơ quan có trách nhiệm trực tiếp xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với cơ sở trong làng nghề là cơ quan chuyên ngành thanh tra môi trường các cấp và lực lượng cảnh sát môi trường. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện còn nhiều bất cập. Thứ nhất là do ưu tiên phân bổ nguồn lực, nên thời gian vừa qua, các lực lượng thanh, kiểm tra chủ yếu tập trung vào các nhóm đối tượng sản xuất lớn như khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp lớn, cơ sở gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông, các cơ sở khai thác khoáng sản và những cơ sở xử lý chất thải, chất thải nguy hại.
 
Tự xử lý, giải quyết chất thải do mình thải ra

Về hướng giải pháp, Phó trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm cho rằng, chúng ta vẫn phải nhất quán nguyên tắc là cơ sở phải tự xử lý, giải quyết chất thải do mình thải ra. Nhưng các quy định hiện nay có một sự phân biệt giữa hai nhóm đối tượng: Nhóm thứ nhất: Cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển (là nhóm sản xuất thủ công, quy mô nhỏ, các ngành nghề chủ yếu là truyền thống...) thì tuân thủ các điều kiện cơ bản tối thiểu nhằm duy trì chất lượng môi trường. Nhóm thứ hai: Các cơ sở còn lại thì phải tuân thủ đầy đủ các trách nhiệm về BVMT như với cơ sở sản xuất khác. Mỗi làng nghề cần có phương án BVMT do xã xây dựng, trình huyện phê duyệt để tổ chức thực hiện. 

Trong thời gian tới, để bảo vệ quá trình sản xuất làng nghề, đồng thời giảm thiểu tình trạng ô nhiễm Bộ TN&MT sẽ tăng cường làm việc với các bộ, ngành, địa phương chưa lập kế hoạch thực hiện Đề án BVMT làng nghề, xác định nguyên nhân, đề xuất các biện pháp, giải pháp phù hợp; nỗ lực tìm kiếm, huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra, đặc biệt là phối hợp với Bộ NN&PTNT đúc rút, xây dựng các mô hình “làng nghề xanh” thân thiện môi trường để phổ biến, nhân rộng; khẩn trương hoàn thiện các công cụ quản lý thông tin; kế hoạch giám sát môi trường; các biện pháp, công nghệ xử lý chất thải phù hợp quy mô hộ gia đình; xây dựng, ban hành hướng dẫn tiêu chí phân loại làng nghề ô nhiễm, làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để các địa phương áp dụng, nhằm định hướng cho công tác đầu tư kinh phí, xử lý ô nhiễm.

 

 

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top